| Hotline: 0983.970.780

Bị cáo Đinh La Thăng nhận mức án 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân

Thứ Hai 22/01/2018 , 10:49 (GMT+7)

Về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Sáng nay (22/1), HĐXX đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đinh La Thăng chịu mức án 13 năm tù

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt là Chung thân.

Trước đó, trong trong phần nhận định nội dung vụ án, HĐXX đã xác định: Việc các bị cáo chỉ định PVC làm tổng thầu EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc tạm ứng tiền cho PVC là trái quy định. Các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc triển khai, lựa chọn nhà thầu...

Theo HĐXX, việc sử dụng tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nêu trên là làm trái Khoản 2, Điều 31, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; trái với khoản 6, Điều 17, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Về giám định thiệt hại, tổng số tiền thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng (51,6 tỷ đồng + hơn 68 tỷ đồng), tại phiên tòa, một số luật sư và bị cáo cho rằng giám định không đúng, không khách quan và không đầy đủ dẫn đến việc quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo là không chính xác? HĐXX nhận thấy, hậu quả của việc chỉ định thầu trái phép và tạm ứng tiền trái phép được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh.

Một là, hàng loạt cán bộ, chuyên gia trên các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, lâm vào vòng lao lý. Đây là tổn thất đặc biệt lớn.

Hai là, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước.

Ba là, nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục bộc lộ sau khi xét xử.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận mức án chung thân

Bốn là, sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của bị cáo Đinh La Thăng, PVC đã được tạm ứng số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng, sau đó đã dùng số tiền trên 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích. Khoản tiền này, sau một thời gian mới được trả lại cho Ban Quản lý Dự án. Hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép. Nếu tất cả các bộ, ngành đều tùy tiện sử dụng tiền và tạm ứng sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế. Khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng phải tính thiệt hại ngay từ khi tạm ứng trái phép, còn việc trả lại chỉ là căn cứ giảm nhẹ chứ không phải là không có hậu quả. Trong khi đó, PVN là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu nhiều dự án đang hàng ngày phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao. Bị cáo Đinh La Thăng và Hội đồng Thành viên PVN biết rất rõ điều này. Vì vậy, cách tính thiệt hại theo lãi vay là có lợi cho bị cáo. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kết quả giám định thiệt hại là 119,8 tỷ đồng như đã nêu trong Kết luận giám định.

Từ thực tế này, HĐXX sẽ tiếp tục kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ thiệt hại xảy ra do việc việc chậm tiến độ trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhiều cựu sếp lớn PVN được giảm án

Ngoài bị cáo Đinh La Thăng được HĐXX giảm từ mức đề nghị 14-15 năm tù của VKS xuống còn 13 năm, các sếp lớn khác của PVN một thời là Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN được giảm từ 12-13 năm theo đề nghị xuống còn 9 năm tù; Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng PVN giảm từ 10-11 năm mức đề nghị xuống còn 9 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn từ 10-11 năm xuống còn 9 năm.

HĐXX cũng tuyên án bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC)  7 năm tù tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 15 năm tội "Tham ô tài sản", tổng cộng hình phạt chung 22 năm tù.

Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 16 năm tù;

Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC)  10 năm tù;

Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng  PVC) 10 năm tù;

Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 7 năm tù;

Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) 4 năm 6 tháng tù;

Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 thuộc  PVN) 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN) 30 tháng tù, cho  hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) 6 năm tù;

Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 6 năm tù;

Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán Trưởng  PVC) 4 năm 6 tháng tù;

Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) 8 năm tù;

Lê Thị Anh Hoa (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;

Trương Quốc Dũng (nguyên phó Tổng giám đốc PVC) 17 tháng tù.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm