| Hotline: 0983.970.780

Bí đỏ Bình Phước mất mùa kép, nông dân trắng tay

Thứ Hai 03/07/2017 , 09:45 (GMT+7)

Không chỉ rớt giá thê thảm, người dân trồng bí đỏ ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước còn đối mặt với tình trạng mất mùa do thời tiết.

Tại vườn bí đỏ của gia đình anh Nguyễn Phi Hạnh ở ấp 7, xã Tân Lập, những trái bí đỏ nằm ngổn ngang trên mặt đất, nhiều trái thối một phần do tiếp xúc với mặt đất ướt, nhiều trái không đạt về kích cỡ, ngoại hình xấu.

Bí mất mùa mất giá khiến nông dân thiệt hại nặng

Anh Hạnh cho biết, gia đình đầu tư trồng 10ha bí đỏ, ước tính mùa này ít nhất cũng phải thu được trên 100 tấn. Trái với dự định, sản lượng bí bị giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 30 tấn. Vài trăm triệu đồng đầu tư từ đầu mùa đợi đến ngày thu hoạch chẳng thu lại được bao nhiêu. Việc thu hoạch cũng chỉ mang tính cầm chừng, được trái nào hay trái nấy.

“Năm nay bí đỏ mất mùa nặng. Đầu mùa đến giờ gia đình tôi thu hoạch liên tục nhưng mới chỉ thu được hơn 20 tấn. Đã vậy giá còn tụt thê thảm, từ 6 - 7 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 2 ngàn đồng/kg mà còn khó bán. Với tình trạng này, chắc khi thu hoạch xong, số lượng bí bán ra chỉ đủ trả tiền công cho công nhân.

Tôi định trồng bí đỏ trái mùa để bán được giá hơn nên tiền đầu tư khá lớn. Chỉ tính riêng tiền ống nước đã hết khoảng 120 triệu đồng, ấy là chưa kể giống, công, phân bón, thuốc. Đến cuối vụ giỏi lắm thu được 30 tấn, nghĩa là chưa được 1/3 so với dự tính. Đúng là người tính không bằng trời tính”, anh Hạnh buồn bã.

Dù đã ép giá xuống mức thấp nhất, nhưng thương lái cũng chẳng mặn mà khiến người dân phải tự mang ra chợ tự bán lẻ để vớt vát. Năm ngoái, giá bí đỏ từ 6 - 8 ngàn đồng/kg, 1ha người dân lãi được 20 triệu đồng. Nhưng năm nay, với giá này coi như trắng tay, lỗ nặng. Nhiều hộ phải mang ra chợ bán, số không bán được thì bổ lấy hạt, phơi khô, vớt vát được đồng nào hay đồng đó...

Bí đỏ mất mùa ở thời điểm này là việc nằm ngoài dự tính của người nông dân. Bởi năm nay thời tiết diễn biến thất thường, mùa mưa đến sớm, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng. Hoa bí không thể thụ phấn và thậm chí là thối trái khi đã đậu quả. “Năm nay mưa sớm, đa số người trồng bí trở tay không kịp. Thời điểm cây ra hoa phải có nắng đều thì hoa mới thụ phấn được. Khi đậu trái non, nếu mưa sớm, trái rất dễ bị hư, thối hoặc không đạt chất lượng. Chưa kể sâu bệnh đục trái”, ông Nguyễn Đức Niệm ở ấp 5, xã Tân Lập cho biết.

Thời tiết bất lợi, thị trường bị chi phối, đầu ra không ổn định, người nông dân sản xuất gần như chỉ có thể trông chờ vào vận may. Thế nên, khi nguồn vốn và sức lực của họ đã cạn, những vườn bí sang năm có lẽ sẽ không thể tiếp tục xuất hiện thêm.

“Bây giờ cũng không biết lấy đâu ra nguồn vốn để mà tiếp tục tái đầu tư. Nếu muốn chắc phải mang sổ đất đi vay ngân hàng nhưng tôi uể oải rồi”, anh Hạnh chán nản.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.