Nhu cầu đậu nành tại Trung Quốc dự kiến phục hồi trong năm 2020 nhưng câu hỏi đặt ra là nước này sẽ đảm bảo nguồn cung như thế nào khi Bắc Kinh vừa muốn hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, vừa muốn đảm bảo cam kết với Washington theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Lo ngại về an ninh thực phẩm tại Trung Quốc ngày càng tăng bởi những thăng trầm trong quan hệ với Mỹ. Từ khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu, Trung Quốc hướng đến tăng cường khả năng tự lực với nhiều ngành, trong đó có sản xuất và thực phẩm.
Năm 2019, đậu nành nhập khẩu chiếm 86% nhu cầu nội địa, chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil và Mỹ.
Trả lời People’s Daily ngày 25/5, Gu Zhenchun, đại biểu tỉnh Hắc Long Giang tại quốc hội Trung Quốc, cho biết vùng đông bắc phải tìm và nghiên cứu sản phẩm thay thế đậu nành, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Vùng đông bắc bao gồm các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, sản xuất 26% tổng sản lượng đậu nành Trung Quốc.
“Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cùng đại dịch Covid-19, an ninh dầu ăn và thức ăn chăn nuôi ngày càng nổi bật”, Gu nói. “Tìm sản phẩm thay thế để giảm phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu đang được chính phủ Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chú trọng”.
Đại biểu quốc hội Guo Chengyu, phó hiệu trưởng Cao đẳng Thực phẩm và Kỹ thuật Sinh học thuộc Đại học Qiqihar, tỉnh Hắc Long Giang, đề xuất sử dụng hạt chufa, còn gọi là hạt hổ.
“Mở rộng diện tích trồng chufa có thể giúp sản xuất dầu ăn tốt cho sức khỏe, giảm phụ thuộc vào nước ngoài”, Guo trả lời truyền thông cuối tuần trước.
Hai học giả Li Wei và Zhao Lan, Đại học Nhân dân, Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã quá phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và Brazil, lưu ý quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, Brasilia đều xấu đi từ khi Covid-19 xuất hiện.
Trong khi đó, giáo sư Ke Bingsheng, cựu hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cố vấn tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh vẫn nên dựa vào đậu nành nhập khẩu, bất chấp căng thẳng với những đối tác thương mại lớn.
“Để thay thế khối lượng nhập khẩu hàng năm, diện tích trồng đậu nành cần tương đương diện tích đất canh tác vùng đông bắc và bắc Trung Quốc (gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây và khu tự trị Nội Mông)”, Ke nói.
Theo Ke, nhiều quan chức và chuyên gia từng lo ngại Trung Quốc tăng nhập khẩu đậu nành đồng nghĩa rơi vào thế yếu trong trường hợp xảy ra xung đột. Quan điểm này được chứng minh là sai bởi thương chiến Mỹ - Trung hai năm qua. Đậu nành có vai trò quan trọng, trở thành công cụ để Trung Quốc đáp trả Mỹ.
“Từ khía cạnh này, không thể nói việc nhập khẩu đậu nành trong tương lai không có rủi ro nhưng nguy cơ không đáng kể”, Ke kết luận. Brazil và Mỹ cũng không có nhiều lựa chọn ngoài bán cho Trung Quốc.
Tháng 9/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát hai nông trại lớn ở tỉnh Hắc Long Giang với ý định phát đi thông điệp thúc đẩy sản xuất trong nước các loại thực phẩm thiết yếu để đảm bảo an ninh lương thực trong chiến tranh thương mại.
Chính quyền Hắc Long Giang, có sản lượng đậu nành lớn nhất, hồi tháng 4 thông báo tiếp tục hỗ trợ cho nông dân trồng đậu nành để tăng sản lượng. Năm 2019, Hắc Long Giang chi 1,89 triệu nhân dân tệ (265.000 USD) để trợ giá đậu nành và 240.000 nhân dân tệ (33.600 USD) để trợ giá ngô.
Nhu cầu đậu nành tại Trung Quốc hai năm qua chững lại, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn của nước này giảm mạnh. Trong khi đó, sản lượng đậu nành tăng 13,3% lên 18,1 triệu tấn nhờ diện tích sản xuất tăng 10,9% lên 9,3 triệu hecta, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trong tháng 4 dự báo sản lượng đậu nành năm 2020 của Trung Quốc tăng 3,9%, diện tích trồng tăng 1,6%.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc nhất trí mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong vòng hai năm, bao gồm 32 tỷ USD nông sản.
Phó thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi đầu tháng 5 khẳng định họ sẽ “tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1”, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng liên quan cách ứng phó Covid-19.
“Kết quả khả năng cao không được như mong đợi. Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ, đặc biệt là những mặt hàng có ảnh hưởng chính trị như đậu nành, nhưng vẫn không đủ giá trị như trong thỏa thuận”, Shaun Roache, kinh tế gia trưởng tại S&P Global Ratings, cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng chỉ trợ giá là chưa đủ để nâng sản lượng đậu nành nội địa đến mức thay thế nhập khẩu.
“Tôi nghĩ năm nay sẽ ổn bởi giá nông sản này tương đối cao so với năm ngoái”, Rosa Wang, nhà phân tích tại công ty cung cấp số liệu nông nghiệp ICI China, trụ sở Thượng Hải, nói. “Do đó, nông dân sẽ chủ động hơn. Sản lượng đậu nành của Trung Quốc đã phục hồi trong hai, ba năm qua nhưng trong dài hạn, tình hình còn phụ thuộc vào mức độ trợ giá”.
Nông dân Trung Quốc có thể chọn trồng ngô thay đậu nành vì ngô có sản lượng cao hơn, lợi nhuận tốt hơn, Wang lý giải.
Darren Cooper, kinh tế gia tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, công ty nghiên cứu trụ sở Anh, dự báo Trung Quốc tiếp tục mua đậu nành Mỹ trong những tháng tới.
Nghiên cứu của Standard & Poor’s trong tháng 5 chỉ ra Trung Quốc có thể tăng quy mô mua đậu nành Mỹ nếu ngành chăn nuôi nước này phục hồi và nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi giảm .
“Nhưng nhìn chung, khối lượng nhập khẩu thường tăng giảm theo GDP và GDP của Trung Quốc trong hai năm tới sẽ thấp hơn nhiều so với khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký”, Standard & Poor’s lưu ý.