| Hotline: 0983.970.780

Bí kíp thâm canh quýt Vân Sơn trên đất dốc

Thứ Năm 14/12/2023 , 16:03 (GMT+7)

Bằng cách làm này, mỗi năm ông Nguyễn Văn Chiến ở Phú Cường (Tân Lạc) đã thu hoạch được hơn 80 tấn quýt canh, doanh thu gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng.

Đồi quýt Vân Sơn nhìn xa của gia đình ông Chiến.

Đồi quýt Vân Sơn nhìn xa của gia đình ông Chiến.

So với các hộ trồng quýt Vân Sơn ở khu vực vùng cao Tân Lạc, ông Chiến là người đi sau đến muộn, nhưng gặt hái được thành công sớm nhất, vì ông chịu khó học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ những nhà vườn đi trước.

Theo đó, để trồng quýt canh đạt hiệu quả cao, ông Chiến phải đặt hàng mua cây quýt giống khỏe, sạch bệnh, được sản xuất bằng phương pháp ghép mắt quýt canh (cam đường canh) lên gốc quýt Vân Sơn bản địa hoặc gốc bưởi chua sở tại.

Với đất trồng, chọn những vạt đồi có tầng canh tác dày trên 1m, giàu mùn, độ dốc không quá 300, tưới tiêu thuận lợi. Sau dọn sạch cây hoang dại, làm các băng đường đồng mức, rộng 4 - 5m, trên đó đào hố trồng quýt, dài x rộng x sâu = 1m, hố cách hố 4 - 5m. Khi đào, để riêng lớp đất dưới cho trộn đều với phân chuồng, lân và vôi bột, rồi lấp xuống cách miệng hố chừng 4 - 5cm. 

Xuống giống, bới lỗ giữa hố, bóc bỏ vỏ bầu cây giống, đặt cây vào lỗ, dùng lớp đất mặt của hố đào khi trước, lấp đầy ngang miệng hố và ngang cổ rễ cây, dận chặt, tưới nước, rồi tủ gốc bằng cỏ khô, rơm rạ. Đồng thời gieo 1 hàng kép cây phân xanh thân bụi (muồng, cốt khí hoặc keo đậu), để chống xói mòn và chủ động một phần phân hữu cơ tại chỗ. Phần đất trống còn lại trên các băng cho gieo cây đậu hồng đáo, cỏ sytilo hoặc lạc dại, giúp giữ ẩm đất, chống cỏ dại phát triển. Chú ý, khi đặt cây phải xoay mắt ghép theo hướng gió để tránh gãy mầm  nhánh.

Phân bón trộn cùng đất lót hố khi trồng, gồm 80kg phân trâu, bò ủ mục, 0,5kg Kali Sunfat, 1,5kg Lân supe và 1,0kg vôi bột.

Bón mỗi cây 3 năm đầu chưa cho quả, khoảng 30 - 50kg phân chuồng hoai mục, 0,5 -1,5kg NPK 13-13-13+TE và 0,5kg vôi bột. Trong đó, năm thứ nhất bón 25 - 30kg phân chuồng, 0,5kg NPK 13-13-13+TE cùng 0,5kg vôi bột. Sau đó, định kỳ mỗi năm bón tăng 10kg phân chuồng, 0,5kg NPK 13-13-13+TE, riêng vôi bột không tăng. Chia phân bón 4 lần vào các tháng, 3, 6, 8 và 12. Cây mới trồng phải pha loãng NPK với nước để tưới. Cây 2 tuổi trở nên, đào rãnh theo theo hình chiếu tán cây, rồi bón NPK cùng phân chuồng và lấp đất kín phân.

Ông Chiến trên đồi quýt Vân Sơn.

Ông Chiến trên đồi quýt Vân Sơn.

Từ khi cây cho quả kinh doanh cần bón phân 5 lần, vào tháng 2 (bón thúc hoa), tháng 6 (bón thúc quả lần 1); tháng 8 (bón thúc quả lần 2); đầu tháng 10 (bón dưỡng quả); tháng 12 bón phục hồi cây sau thu hoạch. Cần căn cứ theo tuổi cây, thực tế sinh trưởng từng cây và sản lượng quả lấy trên cây, để tăng dần lượng phân cho mỗi cây và mỗi lần bón. Trong đó mỗi gốc: bón thúc hoa từ 0,5 - 1,5kg NPK 13-13-13+TE; thúc quả lần 1 và lần 2, mỗi lần 0,5 -1,5kg NPK 13-13-13+TE, 0,5 và 1,0kg hạt đậu tương; bón dưỡng quả từ 0,2 – 0,3kg kali và 0,5 – 1,0 NPK 13-13-13+TE; sau thu hoạch, bón 50 - 100kg phân chuồng ủ mục, 0,5 - 1,0kg vôi và 1,0 – 2,0kg hạt đậu tương.

Theo ông Chiến, quýt Vân Sơn sau trồng 3 năm sẽ cho quả, nhưng phải tác động kỹ thuật mới cho sản lượng cao và đều qua các năm. Để đạt yêu cầu này, vào cuối tháng 01 đầu tháng 02, khi thấy lộc cây chuyển màu bánh tẻ, phải tiến hành đảo rễ bằng cách, đào rãnh quanh gốc cây, sâu 30cm rộng 30cm, để làm đứt bớt rễ tơ, hãm cây dừng ra lộc, tới khi các đầu rễ cây chuyển sang màu nâu và rãnh đất khô ải, thì tiến hành bón phân và lấp đất trở lại.

Việc đảo rễ cần tiến hành mùa thu hoạch quả hàng năm, Sau đảo rễ 2 tháng, cây bắt đầu phân hóa mầm hoa, lúc này cần đặc biệt chú ý phun phòng nhện đỏ, sâu vẽ bùa, rệp và bệnh sương mai.

Bí kíp giữ quả, khi 80% số cánh hoa trên cây đã rụng, quả non có đường kính 1,5 - 2mm, phải tiến hành khoanh vỏ, dùng dao chuyên dụng tiện tròn vỏ cây trên các cành cấp 1, vị trí khoanh cách gốc cành 15 - 20cm, để mở ra vết khoanh rộng khoảng 1mm, sâu hết lớp biểu bì, chạm tới tầng sinh gỗ, sau 10 ngày dùng băng nilon đen bao kín vết khoanh, để tránh nấm bệnh gây hại và giúp cây liền mạch dẫn, nhưng được không băng quá sớm, vết khoanh liền mạch quá nhanh, cây phát triển khỏe sẽ đẩy quả rụng khỏi cây.

Chú ý, tùy theo cây sinh trưởng khỏe hay yếu mà áp dụng kỹ thuật khoanh kín hay mở. Những cây quýt sinh trưởng khoẻ, dùng lưỡi dao dày (cùn), khoanh vòng tròn khép kín thân cành. Với cây quýt sinh trưởng trung bình, dùng lưỡi dao sắc (mỏng), khoanh 1 vòng kín 3/4 thân cành; Cây sinh trưởng yếu có thể không cần khoanh. Sau khoanh cành, nếu vườn cam vẫn sinh trưởng khỏe, phải tiếp tục khoanh  lần 2 ở vị trí bên trên và cách vết khoanh cũ 15cm.

Khoanh vỏ cành kịp thời rất quan trọng, khoanh quá trễ, cây sẽ ra lộc đẩy quả rụng khỏi cây. Cần lưu ý: vào tháng 5 – 6 cây quýt sẽ có đợt rụng quả, đây là hoạt động sinh lý bình thường của các cây có múi, nhà vườn đừng cho rằng mất mùa.

Điểm tập kết quýt Vân Sơn chờ sơ chế, bao gói của ông Chiến.

Điểm tập kết quýt Vân Sơn chờ sơ chế, bao gói của ông Chiến.

Để tưới nước cho vườn cây, ông Chiến còn xây bể cho lên trữ nước trên đồi, dẫn tưới qua hệ thống tự động nhỏ giọt. Và chỉ dùng những thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dung tại Việt Nam như, các thuốc có hoạt chất Fenitrothin phòng trừ sâu vẽ bùa, thuốc có hoạt chất Fenpyroximate cho trừ nhện đỏ, thuốc có hoạt chất Cypermethrin phòng trừ rầy rệp,... Kết hợp với cắt tỉa loại bỏ kịp thời các cành sâu bệnh, gầy yếu, khuất tán, và lộc cây không cần thiết, cùng những trái cây sâu, vẹo, còi cọc và quá to. Nhằm tạo cho vườn cây luôn thông thoáng, tăng cường khả năng chống chịu, giảm thiểu sâu bệnh hại.

"Một đồi quýt được coi là năng suất, chất lượng cao, quả phải nhiều và nhỏ đều từ 9 - 11quả/kg, màu vàng đỏ bóng đẹp, không tỳ vết nấm bệnh", ông Chiến cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.