| Hotline: 0983.970.780

Người đưa bưởi đỏ Tân Lạc 'leo đồi, Nam tiến, xuất ngoại'

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:17 (GMT+7)

HÒA BÌNH Khi sản lượng bưởi đỏ trong toàn huyện Tân Lạc đạt ngưỡng từ ngoài 10.000 tấn quả mỗi năm, cũng là lúc trái cây này khó bán tại địa phương...

Người đầu tiên đưa bưởi đỏ "leo đồi" thành công

Phải hỏi thăm khá nhiều lần tôi mới tìm đến được nhà anh Phạm Khắc Thường - Giám đốc HTX Sản xuất - chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Giang Lộc ở xã Tử Nê (huyện Tân Lạc, Hoà Bình). Tuy vậy, trước khi bước lên sảnh nhà, tôi vẫn phải hỏi thêm lần cuối bởi bất ngờ vì căn hộ khang trang bề của anh Thường.

Anh Thường xởi lởi giới thiệu về ngôi nhà hiện đại của mình: "Tất cả đều nhờ trồng bưởi đỏ đấy". Anh kể khu đất đồi của gia đình trước kia vốn trồng keo, hết chu kỳ cây keo, anh lại chuyển sang trồng mía trắng và mía tím, cứ luân canh quay vòng các cây như vậy. Tới năm 2012, thấy một số hộ trồng bưởi đỏ cho thu nhập cao hơn keo và mía nên anh Thường liền chuyển toàn bộ 8ha đồi keo của gia đình sang trồng bưởi. Không ngờ cây bưởi đỏ trồng trên đồi cho quả ngon, ngọt, màu sắc quả và múi đỏ đẹp, bán được giá vượt trội so với bưởi trồng ở các chân ruộng dưới đồi.

Vườn bưởi của anh Thường luôn thông thoáng nhờ được cắt tỉa kịp thời, đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn bưởi của anh Thường luôn thông thoáng nhờ được cắt tỉa kịp thời, đúng kỹ thuật. Ảnh: Hải Tiến.

Bên cạnh trồng bưởi đỏ là chủ yếu, anh Thường còn xen canh thêm các cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, chất lượng quả cũng ngon không thua kém bưởi da xanh trồng ở các tỉnh miền Nam và bưởi Diễn ở Hà Nội.

Thấy anh Thường cho cây bưởi "leo đồi" thành công, nhiều hộ dân trong xã đã học hỏi làm theo, rồi trở thành phong trào lan rộng khắp huyện. Tới năm 2017, được Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc khích lệ, anh Thường đã đứng ra vận động một số người cùng xóm thành lập HTX Sản xuất - chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Giang Lộc gồm 12 thành viên sáng lập và 30ha đồi chuyên trồng bưởi đỏ, anh Thường được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.

Anh Thường cũng thẳng thắn thừa nhận, anh chỉ là người kế thừa kỹ thuật trồng thâm canh cây bưởi đỏ của một người dân ở xã Đông Lai (cùng huyện Tân Lạc). Người này mang giống bưởi từ Sơn Tây (Hà Nội) lên trồng để lấy quả ăn chơi từ năm 2003, không ngờ lại hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cây cho trái rất sai, mẫu mã và chất lượng cũng ngon hơn hẳn so với trồng ở Sơn Tây.

Thấy giống bưởi lạ, ngon, bắt mắt, khi chín vỏ quả chuyển màu vàng hồng, ruột quả đỏ đẹp, ông Trần Đức Hùng ở thôn Tân Hương, xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc) đã xin chiết lấy cành về trồng ở ruộng nhà. Nhờ làm tốt quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bưởi của ông Hùng đã bán được 50 - 60 nghìn đồng/quả mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khách đặt mua. Đây chính là tiền đề giúp anh Thường phát sinh sáng kiến, đưa cây bưởi đỏ trồng thành công trên đồi.

Đưa bưởi đỏ "Nam tiến, xuất ngoại" 

Khi sản lượng bưởi đỏ trong toàn huyện Tân Lạc đạt ngưỡng từ ngoài 10.000 tấn quả mỗi năm, cũng là lúc trái cây này khó bán tại địa phương. Để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra, anh Thường phải mang trái bưởi vào chào hàng, bán tại các hội chợ thương mại ở TP.HCM. Thoạt đầu anh chỉ bày bán, ghi tên, nhãn mác trái cây trên sạp, nhưng không mời chào khách hàng, để rồi ngồi suốt mấy ngày chẳng thấy ai hỏi mua.

Sau tìm hiểu mới biết, do đặc điểm thời tiết, khí hậu miền Nam, các loại quả nhóm cây có múi khi chín vẫn mang màu xanh, không vàng như cam, bưởi ở miền Bắc. Vì thế khi nhìn thấy quả bưởi đỏ chín màu vàng hồng, họ bảo đây là trái bị hư, cần bỏ vô sọt rác! Miền Nam có bưởi cho thu hoạch quanh năm, trong khi miền Bắc mỗi năm chỉ có 1 vụ thu quả vào cuối năm.

Để chứng minh đây là trái bưởi thơm ngon khác biệt, anh Thường phải bổ quả, bóc từng múi bày lên đĩa, mời khách tham quan nếm thử. Quả nhiên, sau khi ăn bưởi đỏ, mọi người đều ngạc nhiên khen ngợi. Kể từ đó trái bưởi đỏ Tân Lạc của anh Thường đã dần chinh phục được người tiêu dùng phía Nam.

Bưởi đỏ Tân Lạc luôn cho quả sai bện vào nhau. Ảnh: Hải Tiến.

Bưởi đỏ Tân Lạc luôn cho quả sai bện vào nhau. Ảnh: Hải Tiến.

Hàng năm, anh Thường còn được UBND huyện Tân Lạc hỗ trợ, mang bưởi đi quảng bá, giới thiệu khắp các hội chợ nông sản ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An... Nhờ đó, anh chẳng những bán hết sản lượng khoảng 160 tấn bưởi của gia đình, mà còn tiêu thụ giúp các thành viên trong HTX gần 250 tấn quả mỗi năm. Năm 2022, bưởi đỏ của HTX Sản xuất - chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Giang Lộc đã được xuất khẩu sang Vương quốc Anh được 5 tấn (5.000 trái), mùa vụ 2023 này, anh Thường cũng đã ký được hợp đồng xuất sang EU 30 tấn bưởi đỏ.

Trong thâm canh bưởi đỏ Tân Lạc, anh Thường đã rút ra được một số kinh nghiệm như: Trước khi đưa cây bưởi đỏ "leo đồi", cần chọn nơi có suối nước lưu chuyển quanh năm, đồng thời xây bể kiên cố, đủ lớn cho bơm trữ nước trong bể để dẫn tưới các đồi bưởi theo hệ thống ống nhỏ giọt hoặc phun mưa tới từng gốc cây bưởi. Thiết kế vườn bưởi cần theo hướng đông - tây vì bưởi trồng theo 2 hướng này hấp thu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn, giúp cây tăng khả năng ra quả.

Về giống, tốt nhất trồng bằng cành chiết từ những cây bưởi đỏ đầu dòng, nhưng phải đào hố sâu và rộng, bón lót 1,5 - 2kg lân supe/hố và càng nhiều phân hữu cơ hoai mục càng tốt, giúp bộ rễ cây phát triển lan rộng, xuống sâu, tăng cường khả năng chống chịu.

Với các vườn bưởi thâm canh cao và thường xuyên xanh tốt, cần phun thuốc hãm cây vào đầu tháng 12 âm lịch nhằm kích thích cây phân hoá mầm hoa. Từ giai đoạn sau khi quả bưởi vào nước (tháng 6 - 7 dương lịch) tuyệt đối không bón phân hoá học, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân gia súc, gia cầm ủ hoai mục. Cắt tỉa kịp thời, đúng kỹ thuật là khâu quan trọng không kém bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Phun phòng nhện đỏ và bệnh sương mai ngay sau khi vườn bưởi tắt hoa, hé lộ quả non. Mùa mưa (từ tháng 5 đến 11) thường xuất hiện 2 đối tượng sâu bệnh hại chính là bệnh chảy gôm và ruồi vàng. Trong đó, ruồi vàng đục quả rất nguy hiểm, khó phòng trừ hiệu quả bằng thuốc hoá học hoặc bẫy bả sinh học. Do đó, phải áp dụng giải pháp tổng hợp, dùng túi bao quả, kết hợp bẫy dính ruồi vàng và phun thuốc phòng trừ sớm trứng, nhộng ruồi vàng.

"Đất đồi Tân Lạc rất giàu các ion lượng sắt, kẽm và coban, giúp trái bưởi đỏ trồng ở đây tăng thêm sắc tổ vàng hồng ở vỏ quả và đỏ tươi trong tép múi so với bưởi đỏ trồng ở các địa phương khác", anh Thường giải thích.

Được biết, bên cạnh được tỉnh và huyện tập huấn kỹ thuật trồng bưởi từ 3 - 5 lớp/năm, anh Thường còn vào tận các nhà vườn và doanh nghiệp ở Cần Thơ để học thêm kinh nghiệm thâm canh cây có múi và kỹ năng tiếp thị trái bưởi.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất