| Hotline: 0983.970.780

Theo vết đường dây bảo kê xây dựng nhà xưởng trái phép

Thứ Tư 15/01/2025 , 07:00 (GMT+7)

Nhà xưởng trái phép mọc tràn trên đất nông nghiệp ở Tân Triều, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch và đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý địa phương.

LTS: Đất nông nghiệp, nguồn tài nguyên quý giá được quy hoạch để sản xuất, đang đối mặt với sự xâm lấn nghiêm trọng tại nhiều khu vực ven đô Hà Nội. Điển hình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, từ lâu đã nổi lên như một điểm nóng của tình trạng vi phạm đất nông nghiệp. Những nhà xưởng, kho bãi mọc lên trái phép, phơi bày nhiều bất cập trong công tác quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Để làm sáng tỏ thực trạng này, nhóm phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp thâm nhập và ghi nhận những hình ảnh chân thực tại nơi đây, đồng thời phát hiện ra đường dây "bảo kê", hợp thức hóa vi phạm với nhiều mánh khóe tinh vi.

Hành trình vào “khu công nghiệp tự phát”

Xã Tân Triều, một miền quê ven đô từng yên bình, giờ đây ngột ngạt dưới áp lực đô thị hóa và sự xâm lấn của những công trình trái phép, biến nơi này thành một "khu công nghiệp tự phát". Từ ngõ 300 đường Nguyễn Xiển dẫn vào UBND xã là những dãy nhà xưởng kiên cố mọc san sát, các bãi tập kết phế liệu, vật liệu xây dựng chen chúc, chia cắt không gian và làm biến dạng hoàn toàn cảnh quan vốn có.

Một góc nhìn từ trên cao sẽ cho thấy Tân Triều giờ đây không khác gì một khu công nghiệp tự phát, hỗn loạn và không theo bất kỳ quy hoạch nào. Ảnh: Đức Minh.

Một góc nhìn từ trên cao sẽ cho thấy Tân Triều giờ đây không khác gì một khu công nghiệp tự phát, hỗn loạn và không theo bất kỳ quy hoạch nào. Ảnh: Đức Minh.

Đi sâu hơn vào bên trong, dọc con đường dẫn vào xóm Án, hai bên đường là những nhà xưởng được xây dựng bằng khung sắt, mái tôn chắc chắn. Sau nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên ghi nhận, hầu hết các công trình này không chỉ chiếm dụng đất nông nghiệp mà còn lấn cả ra lòng đường, vỉa hè. Điều đặc biệt là nhiều nhà xưởng không che giấu sự tồn tại bất hợp pháp của mình. Biển hiệu quảng cáo lớn treo trên các công trình, xe tải và xe container ra vào nhộn nhịp khiến nơi đây giống hệt một khu công nghiệp quy mô lớn hơn là một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Từ các cơ sở kinh doanh đủ loại hàng hóa như nước ngọt, nước đóng chai, các nhà xưởng công nghiệp như nhôm, kính, đồ gỗ, xen lẫn với đó là các bãi tập kết phế liệu, vật liệu xây dựng, garage ô tô… tất cả đều tìm được chỗ đứng trên những mảnh đất vốn được quy hoạch để phục vụ nông nghiệp. Những nhà xưởng với khung sắt, mái tôn phủ kín, diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, mọc lên như nấm, làm biến dạng hoàn toàn bức tranh quy hoạch đô thị.

Các nhà xưởng được dựng kiên cố trên đất nông nghiệp. Ảnh: Đức Minh.

Các nhà xưởng được dựng kiên cố trên đất nông nghiệp. Ảnh: Đức Minh.

Mùi khét lẹt từ các bãi phế liệu và khói bụi từ các nhà xưởng sản xuất, tiếng máy móc vang lên không ngừng nghỉ, từng dòng nước thải màu đen đổ thẳng ra những rãnh nước vốn được đào để tưới tiêu nông nghiệp. Không khí ngột ngạt đến mức, ngay cả khi chúng tôi chỉ ở đây vài giờ đồng hồ, cảm giác nặng nề và khó chịu đã rõ rệt.

Chúng tôi trò chuyện với chị T.T.T., một sinh viên đang thuê trọ ở xã Tân Triều cho biết, buổi tối đi học về nhiều xe container chở hàng hóa ra vào khu vực khiến giao thông ủn tắc, gây nguy hiểm cho người đi đường, thậm chí một số xe còn lấn chiếm lối đi của người dân. Chưa hết, việc các bãi tập kết phế liệu, hoạt động xử lý rác thải cũng khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tại khu xóm Án (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều) theo ghi nhận của phóng viên cho thấy, dọc hai bên đường Tân Triều mới là hàng loạt các nhà xưởng, lều lán được dựng lên phục vụ kinh doanh, sản xuất và thu gom các loại nhựa, phế thải. Phía bên trong những lều lán tạm bợ này là các nhà xưởng đang hoạt động nhộn nhịp.

Không chỉ làm xưởng sản xuất, nhiều vị trí đất nông nghiệp còn được trưng dụng để làm garage ô tô. Ảnh: Đức Minh.

Không chỉ làm xưởng sản xuất, nhiều vị trí đất nông nghiệp còn được trưng dụng để làm garage ô tô. Ảnh: Đức Minh.

Nhiều người dân địa phương cho biết, các kho bãi, nhà xưởng kinh doanh đủ thứ, nhưng đáng lo ngại là việc xử lý chất thải thường không được thực hiện đúng quy định. Hậu quả là môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khói bụi, tiếng ồn và nước thải chưa qua xử lý đã biến không gian vốn trong lành trở nên ngột ngạt, khó chịu. Người dân sống gần những khu vực này không chỉ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm sức khỏe mà còn chịu cảnh mất đi môi trường sống vốn dĩ thuộc về họ.

“Nhà tôi sống ở đây đã hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ thấy không khí ngột ngạt như bây giờ. Khói, bụi từ nhà xưởng, mùi từ các bãi phế liệu cứ bao trùm cả ngày. Người già và trẻ nhỏ hay bị ho, khó thở”, một người dân thôn Triều Khúc cho biết.

Ghi nhận bằng hình ảnh của phóng viên tại địa bàn xã Tân Triều.

Đường dây vận hành tinh vi

Cũng theo chia sẻ của người dân, để những nhà xưởng kiên cố này mọc lên trên đất nông nghiệp không hề đơn giản. Nhiều chủ đất phải “chạy đua” lo thủ tục từ chính quyền địa phương hoặc, trong trường hợp khó khăn hơn, tìm đến các "cò đất" để đứng ra làm trung gian. Những “cò” này thường nắm rõ quy trình, từ cách xin phép xây dựng tạm đến các “lối thoát” nếu bị phát hiện vi phạm.

Anh N.V.C. ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều chia sẻ thẳng thắn với phóng viên rằng, mấy kho xưởng ở đây đều được xây dựng trên đất nông nghiệp. “Ở xã này đi đến đâu chả thấy kho, xưởng, toàn đất nông nghiệp với đất dự án. Tính ra cả xã phải có hàng ngàn cái kho, xưởng đấy, chả ai hơi đâu để mà đếm được vì nhiều quá”.

Nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà xưởng khiến người dân bức xúc. Ảnh: Đức Minh.

Nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà xưởng khiến người dân bức xúc. Ảnh: Đức Minh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người chủ kho thường áp dụng chiêu thức dựng từng phần nhỏ, ban đầu chỉ là khung sắt và mái tôn. Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra và "xử phạt", nhà xưởng sẽ được hoàn thiện dần, trở nên kiên cố hơn. Một người dân địa phương tiết lộ: “Họ cố tình để bị xử lý ‘nhẹ’ một lần, như vậy sẽ có biên bản hợp thức hóa hồ sơ. Sau đó chẳng ai kiểm tra nữa”.

Hóa ra, hệ thống chính quyền sở tại với các quyền năng kiểm tra, xử phạt vốn dĩ được thiết lập để bảo vệ tài nguyên đất, lại trở thành một bước đệm cho các chủ đất lách luật. “Họ chỉ cần chịu phạt một lần là xong. Sau đó cứ thế xây tiếp. Thanh tra đến kiểm tra một hai lần đầu, nhưng về sau thì không ai để ý nữa”, một người dân khác bày tỏ bức xúc.

Những ngày cận tết, hoạt động sản xuất của các nhà xưởng diễn ra tấp nập nhưng thiếu sự khiểm soát của cơ quan chức năng. Ảnh: Phương Thảo.

Những ngày cận tết, hoạt động sản xuất của các nhà xưởng diễn ra tấp nập nhưng thiếu sự khiểm soát của cơ quan chức năng. Ảnh: Phương Thảo.

Thực tế tại xã Tân Triều cho thấy, những nhà xưởng trái phép không tự nhiên mọc lên, mà được vận hành thông qua một mạng lưới hoạt động chặt chẽ và có tổ chức. Từ các "cò mồi" chuyên môi giới đất, đến các cá nhân đứng ra bảo kê..., tất cả tạo thành một đường dây tinh vi để các công trình này tồn tại.

Các cò mồi đóng vai trò cửa ngõ, kết nối người có nhu cầu thuê hoặc dựng xưởng với những chủ đất sẵn sàng cho thuê trên đất nông nghiệp. Những lời hứa hẹn như "đảm bảo không lo tháo dỡ", "đất không tranh chấp", "làm luật đầy đủ" được đưa ra như một cam kết ngầm. Từ đó, các giao dịch trái phép diễn ra một cách công khai nhưng tinh vi, với các chiêu trò hợp thức hóa hồ sơ để lách qua các đợt kiểm tra.

Những thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của đường dây này, từ khâu môi giới, tổ chức xây dựng, đến các biện pháp hợp thức hóa vi phạm, sẽ được chúng tôi tiếp tục làm rõ trong bài viết tiếp theo.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.