Lợi ích kép
Sau những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi đến Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi ở ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre), một trong những tổ hợp tác thành công với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GloabalGAP. Hiện bà con đang tập trung sản xuất để phục vụ cho đợt Tết Nguyên đán đang cận kề.
Chia sẻ về phương thức sản xuất, ông Vương Thành Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, An Hiệp là một trong những địa phương nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Để thích ứng biến đổi khí hậu, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bà con từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, sản xuất theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp giúp cây trồng phát triển bền vững, sản phẩm đáp ứng được thị trường mà Tổ hợp tác đang áp dụng.
Theo ông Công, năm 2016 Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi ra đời với 76 thành viên, tổng diện tích canh tác 33,2ha. Trong đó, trên 19ha của 35 thành viên được chứng nhận VietGAP, 3 hộ đã được chứng nhận Global GAP, diện tích 3,8ha. Ngay từ khi thành lập, tất cả các thành viên đều được Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre hướng dẫn từ tập huấn đến thực hành các kỹ thuật tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như xơ dừa, rơm rạ, vỏ trấu, phân các loại động vật thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng.
Song song đó, đầu năm 2021, Tổ còn được tiếp cận nguồn phân hữu cơ mới được sản xuất từ vỏ cừ tràm nhằm bổ sung thêm lượng hữu cơ cho cây trồng. Sau khi sử dụng khoảng 6 tháng, kết quả cho thấy, nguồn phân này giá thành rất rẻ nhưng hiệu quả không thua kém gì những loại phân khác. “Thứ nhất đất trong vườn lúc nào cũng tơi xốp, thứ 2 màu xanh của lá rất đậm khỏe, cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, thậm chí những cành bị vàng do ảnh hưởng của hạn mặn cũng được phục hồi một cách thần kỳ”, ông Công chia sẻ.
Nhân rộng mô hình
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi xanh tốt tràn đầy sức sống, những trái bưởi căng tròn mọng nước của gia đình mình, ông Vương Thành Công cho biết thêm, trước đây, gia đình ông sử dụng hữu cơ và vô cơ theo tỷ lệ 5/5. Từ khi dùng nguồn phân bón mới vừa giảm chí phí đầu vào, vừa tăng chất lượng sản phẩm làm ra ngon hơn. Minh chứng là độ brix (độ ngọt tự nhiên) trong quả tăng nhiều, chỉ số luôn đạt từ 10 trở lên, từ đó ông đã mạnh dạn áp dụng theo tỷ lệ 8/2.
Từ thành công của mình, ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong Tổ hợp tác. Hiện hơn 50% số thành viên đã sử dụng loại phân này, hầu hết bà con cảm thấy rất thích vì có hiệu quả cao, trong khi đó giá mỗi bao phân 25 kg chỉ có hơn 20.000 đồng.
Ông Trần Văn Hời, thành viên Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi cho biết, thấy được lợi ích của sản xuất an toàn, ông tham gia vào Tổ hợp tác ngay từ những ngày đầu Tổ mới thành lập. Quá trình tham gia, ngoài được tập huấn trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, ông còn được Tổ cầm tay chỉ việc về cách sử dụng, chủng loại phân bón.
Theo ông Hời, trồng bưởi hữu cơ khó và cực ở giai đoạn ủ phân vi sinh. Tuy nhiên, từ đầu 2021 đến nay, qua sử dụng phân hữu cơ được sản xuất trên giá thể cừ tràm do Tổ cung cấp cho kết quả khả quan, giá thành hợp lý, ông mạnh dạn áp dụng trên 1 ha bưởi VietGAP. “Năm rồi bị ảnh hưởng mặn, vườn cây bị suy yếu nhưng nhờ nguồn phân mới, bổ sung dinh dưỡng kịp thời, giúp rễ cây phục hồi nhanh nên vụ vừa qua gia đình tôi vẫn thu hoạch 20 tấn bưởi. Hơn nữa nhờ bưởi sạch nên sản phẩm sản xuất tới đâu đều được doanh nghiệp bao tiêu đến đó”, ông Hời phấn khởi nói.
Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, với diện tích hơn 7.200ha, được trồng tập trung ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, TP Bến Tre và Chợ Lách. Trước thách thức về biến đổi khí hậu và giá cả thị trường từ vật tư đầu vào và đầu ra nông sản, những năm gần đây, người nông dân địa phương đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất. Theo đó, cùng với việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng, phân xanh, xơ dừa,… để tự ủ phân hữu cơ họ còn tìm tòi những nguồn phân bón giá thành phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để đưa vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, sản xuất sạch, an toàn là hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện, trong đó sử dụng phân hữu đã và đang mang đến nhiều lợi ích cho môi trường, nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
“Hiện địa phương đã xây dựng 8 chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi; trong đó có chuỗi giá trị bưởi da xanh. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đạt chất lượng trái cao, đồng đều theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước”, ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ.