Cá chình và bống tượng mỗi năm đã cho vào “hầu bao” của ông Tú đến 400 triệu đồng tiền lãi ròng.
Ông Tú đang kiểm tra sinh trưởng của chình nuôi |
Vốn sinh ra trên vùng đất sông nước ở vạn Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), do cuộc sống khó khăn nên gia đình ông Võ Tuấn Tú trôi dạt ra xóm Cù Lao (thôn Châu Trúc) định cư. Khi ở cạnh đầm Châu Trúc, “thủ phủ” của chình mun -loài thủy đặc sản của Bình Định, ông Tú như sống lại niềm đam mê con chình từ khi còn ở quê nhà.
“Lúc còn ở Gò Bồi, mỗi khi ra sông tôi cực kỳ “mê” loài chình. Đây là đặc sản quý ở địa phương. Nếu bắt được 1 con chình mang ra chợ bán thì sẽ có “lủ khủ” tiền mặc sức mua thịt mua cá. Suốt thời gian dài ở quê nhà, cuộc sống của gia đình tôi hầu như nhờ cả vào con chình. Vì vậy, khi về nơi ở mới, tôi quyết tâm nuôi chình, nuôi thêm cá bống tượng để kiếm cho gia đình nguồn thu nhập”, ông Tú nhớ lại.
Vạn sự khởi đầu nan, khi mới bắt tay vào nuôi chình và cá bống tượng vào năm 2000 ông Tú đã gặp thất bại. Thua keo này bày keo khác, ông tiếp tục nuôi, nhưng lại thất bại. Thất bại đeo đuổi ông suốt 7 năm ròng rã khiến ông lâm cảnh nợ nần chồng chất, số nợ lên đến 1,6 tỷ đồng. Đuối sức, đã có lúc ông nghĩ đành phải từ bỏ đam mê của mình, đi làm thuê kiếm sống, kiếm tiền trả nợ.
Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn ông đến thất bại liên hoàn là bởi vào thời điểm ấy ông quá non kinh nghiệm, chưa hiểu biết nhiều về loài chình và cá bống tượng, nhất là về môi trường nuôi, cách cho ăn… khiến cá lâm bệnh, chết đặc hồ. Ông Tú cho rằng, cá bống tượng và chình đều có thói quen ăn ở giống hệt nhau, thời gian nuôi cũng tương đương.
Ông Tú với cá bống tượng nuôi trong hồ |
“Nếu như cá trê, cá lóc ăn tạp và chịu được môi trường ô nhiễm, thì 2 loại cá này lại không thể, thức ăn của chúng phải là mồi tươi. Riêng cá chình còn “khó tính” hơn, nó đẻ từ biển và di cư vào nước ngọt nên con giống không thể nhân tạo được, mà phải mua giống tự nhiên. Đặc biệt, môi trường sống phải tuyệt đối sạch sẽ, không được ô nhiễm”, ông Tú chia sẻ.
Do đó, để có thức ăn tươi, ông Tú mua cá vụn của các hộ đánh bắt trên đầm Trà Ổ về tự chế biến thành thức ăn cho chình. Bình quân mỗi ngày, ông tiêu tốn khoảng 500.000 đồng cho việc mua thức ăn. Theo ông Tú, chình và cá bống tượng là 2 loài cá rất dễ mắc bệnh ghẻ lở về da, nên môi trường nước nuôi phải thật vệ sinh.
“Khi phòng trừ được bệnh thì việc nuôi cá mới hiệu quả, chứ để đến lúc nó mắc bệnh mới chạy chữa thì coi như thua chắc. Gìn giữ môi trường nguồn nước nuôi là điều kiện tiên quyết để cá không dính bệnh. Tôi mời chuyên gia công nghệ vi sinh về tận nhà, cầm tay chỉ việc để dạy tôi cách xử lý hồ nuôi. Việc cải tạo ao, xử lý nước tôi không dùng hóa chất, kháng sinh mà chỉ dùng công nghệ lên men vi sinh từ các nguyên liệu như mật, đường, cám gạo. Nhờ vậy, môi trường nước nuôi không hề bị ô nhiễm”, ông Tú cho biết.
Hiện ông Tú sở hữu khu nuôi chình và cá bống tượng rộng đến 20.000m2. Ông đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng 4 hồ nuôi kiên cố, có khả năng chống chọi được với sự tấn công của thiên tai. Với 3.000 con chình, 1.000 cá bống tượng, ông nuôi riêng biệt theo phương thức luân canh, mỗi năm xuất bán 1 hồ để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư cho vụ kế tiếp.
Chình, loài đặc sản có giá trị kinh tế cao |
“Cá nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm mới xuất bán được. Ban đầu con giống chỉ nặng 1 lạng, nhưng đến khi xuất bán nặng hơn 1kg. Làm nghề này, phải thực sự đam mê và chịu khó vì thời gian nuôi rất dài. Nếu “thoát” sự cố về thiên tai, mỗi năm tôi có thể thu lãi ròng đến 400 triệu đồng”, ông Tú nói.
Hiện trang trại nuôi cá của ông Tú giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, đến mùa thu hoạch số lao động thời vụ lên đến 15 người với mức lương 200.000 đồng/ngày. Từ việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, mỗi năm ông Tú giúp 6 hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |