Chúng tôi đến thăm cụ Huỳnh Thế Thiện, ngụ thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Cụ là một những cột mốc sống hiếm hoi từng tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ và cả chiến tranh biên giới Tây Nam của tỉnh Bình Phước. Những ký ức hào hùng của người chiến thắng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cụ. Bên cạnh những câu chuyện về lịch sử truyền thống, qua lời chia sẻ của cụ, chúng tôi còn tìm ra được bí quyết sống trường thọ của cụ, không phải bằng cao lương mỹ vị, sâm thuốc bổ dưỡng mà chỉ bằng những thói quen sinh hoạt đời thường vô cùng đơn giản nhưng rất hữu ích.
Bước ra từ cuộc chiến
Lúc chúng tôi đến, cụ đang lúi húi vớt cá ở ngoài vườn rồi nhanh chóng vào nhà tiếp khách. Ở cái độ tuổi thập cổ lai hi, mặc dù lưng hơi còng, nhưng da dẻ cụ vẫn rất hồng hào, dáng người to, khỏe, bước đi thanh thoát. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng được lấp đầy bằng những huân, huy chương, những hình ảnh đồng đội, những trận đánh lớn nhỏ cụ từng tham gia. Thông thường, tuổi tác ngày càng cao thì kéo theo trí nhớ cũng giảm sút. Thế nhưng, với cụ Thiện, chúng tôi khá bất ngờ khi cụ dường như không bị chi phối bởi quy luật này. Ánh mắt lấp lánh, giọng nói dõng dạc, lần giở lại quá khứ, lời kể của cụ như đưa chúng tôi quay về thời kỳ chiến đấu huy hoàng của cụ.
Sinh ra và lớn lên tại Trà vinh, năm 1948, khi mới 16 tuổi, trước sự tàn bạo của kẻ thù, như bao thanh niên khác, lòng yêu nước đã sục sôi trong khí quản của cụ. Để bảo vệ tổ quốc, cụ tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong tại địa phương. Hai năm sau, cụ chính thức vào môi trường quân ngũ phục vụ tại Sư đoàn 338, đây là bước ngoặt để cụ lập nhiều chiến công hiển hách. Minh chứng rõ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của cụ có thể kể đến là năm 18 tuổi cụ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Nhấp ngụm trà nóng, cụ Thiện hồi tưởng, trong thời gian phục vụ tại đơn vị, năm 1950, Sư đoàn 338 được giao nhiệm vụ đánh chiếm tàu Đại Đức và tàu hộ vệ. Cụ được đơn vị tín nhiệm giao phó nhiệm vụ chèo ghe để thăm dò trận địa đối phương. Nhờ thông tin tình báo chính xác, trận đó, cụ và đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, chiếm được tàu hộ vệ, tịch thu 6 súng lục, tiểu liên của địch.
Tháng 8/1954, Sư đoàn 330 và 338 được giao nhiệm vụ ra Bắc học cải cách ruộng đất tại tỉnh Sơn Tây. Nhờ lập trường tư tưởng ổn định, bản lĩnh chính trị vững vàng, thành tích học tập của cụ luôn nằm top đầu các học sinh miền Nam tham gia khóa học và cùng những chiến tích trước đó, cụ vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau khóa học về cải cách ruộng đất, cụ tiếp tục được cử đi học pháo binh tại Bộ tư lệnh pháo binh (F351) do Bác Giáp trực tiếp chỉ huy. Bộ tư lệnh pháo binh có 4 sư đoàn, trong đó có Sư đoàn 368 (Sư đoàn Nam bộ) gồm những người lính miền Trung và miền Nam. Năm 1961, Bác Hồ yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương mời 6 học viên xuất sắc của miền Nam ra Bắc học cùng dự lễ mít tinh nhân Ngày quốc tế lao động 1/5 với Bác và cụ tiếp tục được gặp Bác Hồ lần thứ 2.
Một thoáng suy tư cụ Thiện kể tiếp, trải qua quá trình được huấn luyện, học tập, trưởng thành, tháng 6/1961, đơn vị cử các học viên vào miền Nam để tham gia chiến đấu tại các chiến trường trọng điểm như chiến khu D, căn cứ R (tức Trung ương Cục miền Nam). Theo cụ Thiện, ngày mới trở lại chiến trường là những ngày khó khăn vô cùng vì rừng thiêng nước độc, cả đơn vị đối mặt với cái đói và bệnh sốt rét ác tính... Thế nhưng, lá bép, củ chụp, cá suối ở rừng là thức ăn chính nuôi sống bộ đội.
Tháng 10/1961, cụ được Bộ Tư lệnh đưa về Phước Long để tham gia thành lập K10 (ban đầu gồm các tỉnh: Phước Long, Lâm Đồng, Quảng Đức thành lập vào cuối năm 1961). Sau đó, cụ tham gia ở chiến trường Phước Long với vai trò chính trị viên. Phước Long giải phóng, cụ lại tình nguyện đi chiến trường Campuchia đến năm 1983 mới quay trở về giữ chức Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh đến lúc nghỉ hưu.
Bí quyết sống trường thọ
Giờ đây, trong căn nhà ván ép nhỏ, nằm giữa vườn cây trái xum xuê do chính tay cụ trồng và chăm sóc, những tấm bằng, giấy khen, huy hiệu được cụ treo giữ cẩn thận ở vị trí trang trọng. Hàng ngày, với tấm áo lính bạc màu, cụ vẫn ra vườn chăm cá, cắt tỉa cây như một thú vui của tuổi già.
Khi được hỏi về bí quyết giúp sống thọ và khỏe mạnh như vậy, cụ cười đáp: “Tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả. Có lẽ, tôi được như vậy là nhờ vẫn giữ được thói quen sinh hoạt điều độ như thời còn ở trong quân ngũ, ăn có giờ, làm việc có giấc, tâp thể dục đúng bài bản. Ngoài ra, thời gian dài sống trong điều kiện khắc nghiệt, trên thì mưa bom bão đạn, dưới thì đói khát, thời đó toàn ăn rau trừ cơm, rau rừng có nhiều vị thuốc, có lẽ các vị thuốc dần như đã ngấm vào người, từ lúc trở về đời thường đến nay, hầu như tôi không bị bệnh nào đáng kể”.
Nói về chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cụ Thiện chia sẻ: “Tôi ăn rất khỏe. Mỗi ngày, tôi ăn hai bữa chính vào buổi trưa và chiều tối, còn bữa sáng thì tôi chỉ ăn nhẹ, có khi là cái bánh hay thứ gì đó. Tôi không có chế độ ăn riêng biệt nào cả. Mỗi bữa, tôi chỉ ăn 2 chén cơm với canh rau và thức ăn. Hôm nào đói, tôi còn ăn được 3 chén”. Về những thức ăn trong mỗi bữa, cụ Thiện chia sẻ: “Tôi ăn uống cũng không có gì đặc biệt. Ngày nào, thức ăn cũng chỉ là cá, thịt và các loại rau. Tuy nhiên tôi vẫn thích ăn rau hơn cả. Trong mỗi bữa ăn, tôi thường ăn nhiều rau hơn các loại thức ăn khác”.
Theo cụ Thiện, cụ vẫn nhớ như in câu nói của Bác “lao động là vinh quang, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đưa năng suất lên cao”, vì thế, hàng ngày, cụ vẫn tự giặt giũ và nấu ăn. Cụ sống cùng với người vợ hiện cũng đã ngoài 80. Tuy sống cùng nhà nhưng hai vợ chồng đều có không gian sinh hoạt riêng. Mỗi buổi sáng, cụ đều đi bộ sang nhà hàng xóm chơi, vừa để rèn luyện sức khỏe vừa là cho khuây khỏa. Không những thế, những lúc rảnh rỗi, cụ lại ra vườn nhổ cỏ, trồng rau để tạo nguồn thức ăn sạch. Ngoài ra, cụ còn sở hữu một vườn cây ăn trái rộng 5.000 m2 gồm chôm chôm, sầu riêng, bơ... được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ để tự chủ kinh tế.
“Nhờ may mắn được gặp gỡ Bác Hồ, Bác Giáp nên tôi học hỏi được rất nhiều điều, trong đó có lối sống giản dị, chan hòa, yêu thiên nhiên, sống vô tư không suy nghĩ về quyền lợi, địa vị, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân…”, cụ Thiện vui vẻ nói.
Nói về người đảng viên lão thành, gương mẫu ấy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Hà Anh Dũng chia sẻ: “Cụ Thiện thực sự là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, một đảng viên, công dân rất trách nhiệm. Dù tuổi cao nhưng rất minh mẫn, gương mẫu, đã và đang tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến xây dựng cho Đảng bộ và chính quyền địa phương. Những ý kiến của cụ thường rất tâm huyết, nói đi đôi với làm...”.