| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Thanh Hóa muốn ‘xanh hóa’ nông thôn

Thứ Năm 11/04/2024 , 10:15 (GMT+7)

Ông Đỗ Trọng Hưng mong muốn thay đổi thói quen của người dân trong xây dựng nông thôn mới để có làng quê thêm 'xanh, sạch, đẹp'.

Thực chất, hiệu quả

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa liên tiếp các khóa gần đây đều đặt Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới lên hàng đầu trong kế hoạch hành động toàn khóa của BCH Đảng bộ. Sau Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh đã có các Nghị quyết chuyên đề riêng dành trọng tâm cho công tác lãnh đạo chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay đã trực tiếp làm việc 2 lần với Sở NN - PTNT và Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Đặc biệt, trong 2 năm qua, việc tổng kết, đánh giá chương trình xây dựng NTM toàn tỉnh đều do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp chủ trì, điều hành. Cùng với các chuyến đi thực tế cơ sở và những gì nghe được tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã nắm bắt đầy đủ những vấn đề đặt ra, nhằm điều chỉnh kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành, cách làm để thôi thúc chương trình xây dựng NTM ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Có như vậy mới tạo được niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Có lẽ thế mà Thanh Hóa hiện là tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM nhiều nhất cả nước và trong giai đoạn này đã có 1,5 triệu m2 đất được người dân hiến cho việc mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo lập cảnh quan môi trường nông thôn thực sự là nơi đáng sống, ai đi xa cũng muốn về.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Minh Hiếu.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Minh Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 diễn ra chiều 10/4, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, có được thành quả trên là nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt và có  hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đặc biệt thành quả đó còn có sự đóng góp to lớn về tình cảm, vật chất của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa thời gian qua. Theo đó, kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn chênh lệch khá lớn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở đồng bằng đạt hơn 98%, trong khi khu vực miền núi mới đạt 41,1%. Đến nay vẫn chưa có huyện miền núi nào đạt chuẩn nông thôn mới.

Cá biệt, huyện Mường Lát vẫn chưa giải quyết được tình trạng xã “trắng” nông thôn mới. Một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có biểu hiện "hụt hơi". Việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức.

Kết quả thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương còn hạn chế, số lượng sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhưng chủ yếu là sản phẩm 3 sao; sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được nâng lên rõ rệt; chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh, địa phương... Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa được triển khai thực hiện đồng bộ.

Theo ông Hưng, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chính quyền và sự tham gia của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình chưa chặt chẽ. Ý thức chấp hành pháp kỷ luật, kỷ cương của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư còn hạn chế. Một số địa phương chưa duy trì hiệu quả phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới...

“Xanh hóa” nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Thanh Hóa là phong trào hiến đất làm đường với những tấm gương điển hình, có sức lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, Bí thư Thanh Hóa cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới nói chung, cần giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Ông lấy ví dụ cụ thể và mong muốn “xanh hóa” làng quê bằng việc giảm thiểu xây dựng tường rào bằng bê tông, cốt thép khi người dân thực hiện phá dỡ công trình để làm mới bộ mặt quê hương.

“Sau khi phá dỡ tường rào bằng bê tông, xi măng, chúng ta lại “tái sinh” nó bằng bê tông cốt thép. Làm như vậy vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến môi trường. Việc xây kín cổng cao tường để đảm bảo an ninh có cần thiết không khi chúng ta có tổ an ninh xã hội, camera giám sát? Phải chăng các địa phương nên nghiên cứu và thay đổi cách làm cũ bằng việc trồng thêm cây xanh để vừa làm tường rào vừa tạo ra bóng mát, lại thân thiện với môi trường”, ông Hưng gợi mở.

Đối với tiêu chí môi trường, ông Hưng lấy ví dụ về việc quy hoạch nghĩa trang và phong tục mai táng của người dân. Đây là việc cần làm để làng quê thêm xanh, sạch.

“Trong một thời gian dài, việc quy hoạch quản lý nghĩa trang tại nhiều địa phương chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Thậm chí một xã có nhiều nghĩa trang, khu chôn cất manh mún, nhỏ lẻ, gây mất mỹ quan. Đã đến lúc các địa phương cần sắp xếp lại các nghĩa trang, hướng tới hình thành các nghĩa trang sinh thái kết hợp bảo vệ môi trường. Khu vực nghĩa trang nào còn manh mún thì quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan.

Trong việc thực hiện chôn cất người đã khuất, các địa phương cần tuyên truyền, động viên bà con thực hiện các biện pháp điện táng, hỏa táng, góp phần giảm sức ép về quỹ đất, tiết kiệm thời gian trong quá trình cải táng...”, ông Hưng nêu vấn đề.

Ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước. Ảnh: Quốc Toản.

Ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước. Ảnh: Quốc Toản.

Sau khi gợi mở cụ thể một số vấn đề nêu trên, ông Đỗ Trọng Hưng đi vào vấn đề trọng tâm về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp lồng ghép các dự án, đề án khác có liên quan để tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý nguồn ngân sách nhà nước có hạn, vì vậy cần phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn xây dựng “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”.

Thanh Hóa có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nhất

Theo Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa gian đoạn 2021-2025, hiện nay toàn tỉnh đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.