| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi Thanh Hóa hướng tới xuất khẩu quy mô lớn

Thứ Ba 28/03/2023 , 13:06 (GMT+7)

Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn chăn nuôi lớn thuộc tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu 180 nghìn con, đàn bò 270 nghìn con, đàn lợn 1,25 triệu con, đàn gia cầm 24,5 triệu con được nuôi tại 1.080 trang trại, 739.355 hộ chăn nuôi và đang còn rất nhiều dư địa, lợi thế để phát triển chăn nuôi.

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được khống chế, kiểm soát tốt. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nên đã tạo điều kiện và lòng tin cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi gà để bàn giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi gà để bàn giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quốc Toản.

Đầu năm 2023, nhiều dự án chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn đã đi vào sản xuất như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty TH milk nhập 1.500 con bò sữa nuôi tại trang trại; Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện đã nhập 1.768 con lợn cụ kỵ từ Đan Mạch; Dự án Khu chăn nuôi DABACO đã nhập 5.000 con lợn bố mẹ từ Pháp; Mô hình liên kết chăn nuôi vịt huyện Nông cống đã nhập 36.000 con.

Trang trại gà được chứng nhận an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, quy mô 20 dãy chuồng, công xuất 2,4 triệu con một năm. Ảnh: Quốc Toản.

Trang trại gà được chứng nhận an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, quy mô 20 dãy chuồng, công xuất 2,4 triệu con một năm. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Đặng Văn Hiệp Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển chăn nuôi công nghệ cao, có quy mô lớn.

“Nhằm cụ thể hóa mục tiêu thực hiện Nghị quyết 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 19, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Đây là nền tảng quan trọng để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển chăn nuôi công nghệ cao, có quy mô lớn.

Để làm được điều này, ngành chăn nuôi sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xem đây là chìa khóa để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế", ông Đặng Văn Hiệp cho hay.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 104 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong đó 61 cơ sở chăn nuôi lợn đạt an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn cổ điển, bệnh dịch tả lợn Châu Phi; 4 cơ sở chăn nuôi bò đạt an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng; 39 cơ sở chăn nuôi gia cầm được chứng nhận an toàn đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh Newcastle.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên chó, mèo trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2027; Kế hoạch về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Thạch Thành, giai đoạn 2022-2025, để ngành chăn nuôi phát triển.

Theo ông Đặng Văn Hiệp, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu của tỉnh là phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xúc tiến đầu tư, làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu và các đối tác tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, ngoài nước để kêu gọi đầu tư vào phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng được những chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Thanh Hóa là một trong số các địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi đang triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững ứng dụng công nghệ cao. Một vài năm trở lại đây, hàng loạt các dự án chăn nuôi với tổng mức đầu tư lên đến cả chục nghìn tỷ đồng được đầu tư vào Thanh Hóa đang giúp ngành chăn nuôi khẳng định vị thế, chỗ đứng trong chiến lược phát triển nền kinh tế nông nghiệp Thanh Hóa.

Điều đáng ghi nhận là, từ năm 2022 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật tại Thanh Hóa được kiểm soát tốt, không để xảy ra ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất