| Hotline: 0983.970.780

Biến chứng nặng hơn vì dùng thuốc nam tự chữa trị ung thư

Thứ Năm 15/11/2018 , 08:27 (GMT+7)

Nhiều bệnh nhân khi phát hiện ung thư đã không điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa mà nghe những lời truyền miệng dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trường hợp tiêu biểu nhất là một bệnh nhân nữ tên T.T.H (53 tuổi, quê Bình Định) mới đây phải nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng một bên vú sưng to, chảy dịch và có mùi hôi thối.

Hình ảnh bệnh nhân ung thư vú bị chảy mủ, sưng phồng bên vú do uống thuốc nam

Bà cho biết, cách đây 5 tháng khi được bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chẩn đoán bị ung thư vú và yêu cầu phẫu thuật, nhưng vì nghe người ở quê khuyên, nếu động dao kéo sẽ ngày càng lan ra nên bà sợ bỏ về. Về nhà, nghe ai mách gì bà cũng tìm mua uống mong cải thiện tình hình sức khỏe. Thấy người cùng quê nói bốc thuốc nam ở tỉnh Kiên Giang uống điều trị ung thư sẽ có tiến triển tốt nên vợ chồng bà cũng tìm đến thử vận may.

Bà H cho biết: “Thuốc tôi mua tại Kiên Giang là thuốc nam dạng bột. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần khoảng 1/2 muỗng cà phê, 1 tháng là hết 5 triệu đồng, số tiền rất lớn với người làm nông nghiệp như tôi. Khi mới uống thấy sức khỏe cũng khá, nhưng uống thuốc này họ bắt kiêng cữ nhiều quá, không được ăn uống gì ngoại trừ cơm với cá đồng, rau luộc, dưa lưới, đu đủ, mà tôi thì không ăn được cá nên ngày càng suy kiệt.

Uống thuốc mà không đêm nào tôi ngủ được, không khác nào khi truyền hóa chất, làm tôi mệt mỏi, ói mửa. Chỉ trong vòng 1 tháng mà tôi sụt 10kg nên ngưng không uống nữa thì một bên vú sưng to, chảy mủ ra ngoài, nhức không chịu được, thở cũng không được”.

Theo Đại úy, bác sĩ Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175), thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp giống như bà H. Có người vì sợ phải phẫu thuật, có người thì nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh, cũng có người theo trường phái tâm linh mà không dùng đến thuốc…, tất cả đều dẫn đến sai lầm.

“Trường hợp bà H uống thuốc nam không rõ nguồn gốc và thành phần, đến khi nhập viện thì đã ở giai đoạn cuối, khiến bà không thở được mà phải thở oxy, thiếu máu, suy gan, suy thận nên hiện giờ vẫn chưa thể phẫu thuật. Trước khi uống thuốc nam, bà H chỉ bị 1 bên vú ở giai đoạn nhẹ, nhưng sau 5 tháng phát hiện bệnh, giờ đã lan sang 2 bên vú, chảy dịch, căng tức và hôi thối.

Trước mắt, chúng tôi sẽ kiểm tra tổng thể diễn tiến sức khỏe bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị. Nếu thuận lợi thì sẽ cắt cả 2 bên vú cho bệnh nhân, tuy nhiên khó có thể tiên lượng được thời gian sống của bệnh nhân”, bác sĩ Luân chia sẻ.

Còn đối với bệnh nhân M.X.T (55 tuổi, quê Bình Thuận) bị ung thư da tế bào đáy ở mũi (đây là loại ung thư lành tính), khi mới phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, ông cũng không chịu điều trị theo phác đồ của bác sĩ mà tự ý mua thuốc nam uống khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng, gây lở loét, lấn sâu vào thịt. Đến khi nhập viện tại Bệnh viện Quân y 175 thì bệnh đã ở giai đoạn 4.

Bệnh nhân ung thư da tế bào đáy ở mũi biến chứng, gây lở loét do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc sau khi đã được phẫu thuật

Cũng theo bác sĩ Luân, bệnh nhân T nếu điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu thì có thể trị được ngay, khiến bệnh không diễn tiến nhanh như vậy. “Khi ông T đến khám tại Khoa, cả Khoa đều ngửi thấy mùi hôi thối, không bệnh nhân nào dám lại gần, kinh khủng lắm. Chúng tôi phải mất 3 giờ đồng hồ mới có thể cắt bỏ được phần da thịt bị hoại tử, vét hạch cho sạch để không bỏ sót”, bác sĩ Luân cho biết.

Không chỉ những người dân nghèo, không đủ kiến thức từ những vùng quê tin dùng theo phương pháp “truyền miệng” mà ngay cả những người có kiến thức ở thành phố như giáo viên, bác sĩ… cũng đã bỏ phác đồ điều trị mà chữa theo phương pháp “truyền miệng”.

Như trường hợp một cô giáo ở TP.HCM khi phát hiện có khối u ở vú, vì tâm lý mắc cỡ không dám đi khám bác sĩ nên đã dùng phương pháp đắp lá mỗi ngày. Đến khi người nhà phát hiện vì có mùi hôi thối và bắt đi khám ở bệnh viện thì khối u đã bị nhiễm trùng.

Bác sĩ Luân nhấn mạnh: “Hãy đến bệnh viện gặp đúng bác sĩ ung thư, đừng nghe truyền miệng rồi tìm đến thầy lang, đắp lá... Nếu có lòng tốt thật sự, mọi người hãy khuyên bệnh nhân ung thư đi điều trị ở bệnh viện chuyên về ung thư, chứ đừng xúi người ta dùng lá này lá nọ. Cứ người này chỉ người kia, mang danh lòng tốt nhưng lại đem đến hậu quả khó lường”.

BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu (BVĐK quận Thủ Đức, TPHCM) có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị ung thư khuyến cáo: “Đối với những trường hợp đắp lá để mong khối u bể ra ngoài là không có cơ sở khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Phương pháp đắp lá, cắt lễ khiến khối u nhiễm trùng, lan rộng dữ dội, khiến bệnh diễn tiến nhanh hơn, càng làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn. Nhiều loại lá không có tính chất kích thích tế bào ung thư phát triển nhưng cũng không điều trị được ung thư, làm mất thời gian của bệnh nhân, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ ung thư chưa di căn chuyển thành di căn.

Nếu chẳng may bạn hoặc người thân mắc bệnh ung thư, nên đến bác sĩ để chọn cách điều trị tốt nhất dựa trên cơ sở khoa học hơn là chờ đợi một phép màu mà không biết khi nào sẽ đến”.

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.