| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu có thể khiến 200 triệu người phải di cư vào năm 2050

Thứ Ba 14/09/2021 , 08:59 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy hơn 200 triệu người di cư trong quốc gia của họ và tạo ra các điểm nóng di cư, World Bank cho biết.

Phần thứ hai của báo cáo Groundswell do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hôm 13/9 xem xét tác động của biến đổi khí hậu diễn ra chậm như khan hiếm nước, năng suất cây trồng giảm và mực nước biển dâng cao có thể dẫn đến hàng triệu người mà báo cáo mô tả là "người di cư khí hậu" vào năm 2050 dưới ba kịch bản khác nhau. Các kịch bản này tùy theo mức độ của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Theo kịch bản bi quan nhất, với mức phát thải cao và sự phát triển không đồng đều, báo cáo dự báo có tới 216 triệu người di chuyển trong quốc gia của họ trên sáu khu vực được phân tích. Các khu vực đó là Châu Mỹ Latinh; Bắc Phi; Châu Phi cận Sahara; Đông Âu và Trung Á; Nam Á; và Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong kịch bản thân thiện với khí hậu nhất, với mức phát thải thấp và phát triển bền vững, đồng đều, số lượng người di cư có thể thấp hơn 80% nhưng vẫn dẫn đến việc di chuyển của 44 triệu người.

Báo cáo không xem xét các tác động ngắn hạn của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Các phát hiện “khẳng định lại khả năng của khí hậu trong việc thúc đẩy di cư trong các quốc gia”, Viviane Wei Chen Clement, Chuyên gia cao cấp về biến đổi khí hậu tại Ngân hàng Thế giới và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

Trong trường hợp xấu nhất, châu Phi cận Sahara - khu vực dễ bị tổn thương nhất do sa mạc hóa, bờ biển khúc khuỷu và sự phụ thuộc của người dân vào nông nghiệp - sẽ có sự di chuyển nhiều nhất, với tới 86 triệu người di cư vì khí hậu trong biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, Bắc Phi được dự đoán là nơi có tỷ lệ người di cư vì khí hậu lớn nhất, với 19 triệu người di chuyển, tương đương khoảng 9% tổng dân số của khu vực này, chủ yếu do khan hiếm nước gia tăng ở bờ biển đông bắc của Tunisia, bờ biển tây bắc của Algeria, phía tây và phía nam Morocco, và chân đồi trung tâm Atlas, báo cáo cho biết.

Ở Nam Á, Bangladesh đặc biệt bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mất mùa, chiếm gần một nửa dự báo về số người di cư do khí hậu, với 19,9 triệu người, bao gồm cả tỷ lệ phụ nữ ngày càng tăng, sẽ di chuyển vào năm 2050 theo kịch bản bi quan.

Giáo sư Maarten van Aalst, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết: “Đây là thực tế nhân đạo của chúng ta ngay lúc này và chúng tôi lo ngại điều này sẽ còn tồi tệ hơn, mức độ bị tổn thương ngày càng nghiêm trọng hơn".

Báo cáo không xem xét vấn đề di cư xuyên biên giới do khí hậu.

Tiến sĩ Kanta Kumari Rigaud, chuyên gia hàng đầu về môi trường tại Ngân hàng Thế giới và đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Trên toàn cầu, chúng tôi biết rằng ba trong số bốn người di chuyển ở lại các quốc gia".

Tuy nhiên, các mô hình di cư từ nông thôn ra thành thị thường đi trước các cuộc di chuyển xuyên biên giới.

Trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di cư không phải là mới, một phần là do sự kết hợp của các yếu tố thúc đẩy mọi người di chuyển, và hoạt động như một hệ số đe dọa. Những người bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất bình đẳng cũng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu do họ có những phương tiện hạn chế để thích ứng.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng các điểm nóng di cư có thể xuất hiện trong vòng một thập kỷ tới và tăng cường vào năm 2050. Cần có kế hoạch cho cả những khu vực mà mọi người sẽ chuyển đến và những khu vực họ rời đi để giúp đỡ những người ở lại.

Trong số các hành động được đề xuất có kiến nghị đạt được "lượng phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này để có cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C" và đầu tư vào phát triển "xanh, chống chịu và bao trùm, phù hợp với Thỏa thuận Paris".

Clement và Rigaud cảnh báo rằng trường hợp xấu nhất là “dễ xảy ra” nếu hành động tập thể để giảm phát thải và đầu tư vào phát triển không được thực hiện, đặc biệt là trong thập kỷ tới.

(Theo AP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất