| Hotline: 0983.970.780

Biển Hồ, 'trái tim' lưu vực sông Mekong đang thoi thóp

Thứ Tư 08/09/2021 , 17:21 (GMT+7)

'Trái tim của sông Mekong đang cần hỗ trợ sự sống', Brian Eyler - Giám đốc bộ phận Năng lượng, Nước và Bền vững khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson nói.

Biển Hồ không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng với hàng triệu người Campuchia mà còn cho cả một khu vực rộng lớn khi nước từ đó bơm ngược lại sông Mekong vào mùa khô.

Biển Hồ không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng với hàng triệu người Campuchia mà còn cho cả một khu vực rộng lớn khi nước từ đó bơm ngược lại sông Mekong vào mùa khô.

Một tuần trước, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á ở mực nước thấp trong lịch sử, làm gia tăng thêm lo ngại về tình hình của một hệ sinh thái cực kỳ quan trọng cung cấp cho các vùng hạ lưu sông Mekong.

Tonle Sap, hay còn gọi là Biển Hồ ở Campuchia, là một hồ nước rộng lớn, vào mùa mưa nước có thể dâng trùm lên một diện tích rộng gấp 20 lần Singapore. Trớ trêu thay, nó đang trải qua năm thứ ba liên tiếp trong điều kiện thảm khốc.

Các chỉ số của trạm ghi nhận mức chỉ 3,86m vào ngày 31/8, thấp hơn gần 1m so với năm 2020 và khoảng một nửa mức trung bình bình vào thời điểm này hàng năm.

“Hồ thấp hơn 80cm so với mức thấp trước đó được ghi nhận vào năm 2020, khủng khiếp hơn là nó thấp hơn trung bình 4m", ông Brian Eyler thông tin.

Theo Eyler, thường thì vào thời điểm này nhắc đến Biển Hồ là chỉ có chuyện nước và cá, còn nay thì khác hẳn.

45 đập và hơn 12 tỷ m3 nước bị tích lại

Các con đập ở thượng nguồn, được xây dựng dọc theo thượng nguồn sông Mekong ở Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc - nơi con sông được gọi là Lancang - giữ nước là một yếu tố góp phần làm giảm mức độ dòng chảy vào hồ.

Dữ liệu từ Mekong Dam Monitor, một nền tảng trực tuyến theo dõi các chỉ số trên lưu vực sông Mekong, cho thấy hơn 12 tỷ m3 nước đã được giữ lại bởi 45 đập ở thượng nguồn trong 2 tháng qua.

Theo ước tính của Eyes on Earth qua dữ liệu vệ tinh và máy đo trực tiếp tại các điểm, tại một số điểm dọc sông Mekong, 25% dòng chảy tự nhiên bị hụt.

Những yếu tố này kết hợp với lượng mưa dưới mức trung bình đã dẫn đến hiện tượng trái ngược là nước từ hồ Tonle Sap chảy ngược ra sông Mekong. Đương nhiên thế là Biển Hồ vừa mất nước vừa mất cá vốn đảm bảo sinh kế và nhu cầu thủy sản cho cả Campuchia như hàng năm trước đó.

Các chuyên gia lo rằng, nước từ thượng nguồn càng xuống ít, Biển Hồ cũng cạn đi tương ứng. Biến đổi khí hậu cộng hưởng với tác động từ các yếu tố phi tự nhiên sẽ làm hệ sinh thái Biển Hồ biến dạng và nguy cơ hơn là tàn phá nền nông nghiệp rất quan trọng ở Campuchia.

“Tonle Sap là trái tim của Campuchia và lưu vực sông Mekong. Trái tim này cần có nhịp lũ hàng năm, cung cấp nước, chất dinh dưỡng và phù sa để duy trì trạng thái khỏe mạnh”, Gary Lee, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của International Rivers, một tổ chức phi lợi nhuận, nói.

Không có dấu hiệu gì về khả năng các đập ở thượng nguồn sẽ thôi không tiếp tục giữ nước trong những tháng tới, và tình hình ở Tonle Sap sẽ còn bi quan hơn.

Khi lũ về đến mức đỉnh, Biển Hồ có thể phình to gấp 5 lần diện tích vào mùa khô.

Khi lũ về đến mức đỉnh, Biển Hồ có thể phình to gấp 5 lần diện tích vào mùa khô.

Không còn cá cho ngư dân

Tác động đến môi trường đã lớn, tác động đến sinh kế cũng lớn không kém vì hàng triệu người Campuchia dựa vào Biển Hồ để tồn tại, thậm chí qua nhiều thế hệ.

“Gần đây ngư dân không những không còn đánh bắt cá để đủ ăn mà còn phải mua cá, quá cay cực”, Oudom Ham - một nhà tư vấn độc lập của Campuchia về biến đổi khí hậu và các vấn đề sông ngòi, nhận xét chua chát. Theo ông, nhiều người địa phương đã phải tạm chia tay Biển Hồ để tìm đến đô thị kiếm việc mới như xây dựng dù thu nhập chẳng đáng để họ bỏ nghề nếu cá vẫn về như mọi năm.

“Trước đây, mùa cá đầy ắp thì thu nhập của ngư dân còn cao gấp đôi làm thợ nề. Chúng tôi dự cảm sự mất cân bằng sinh thái và sinh kế như hiện nay sẽ còn bị phá vỡ chưa biết đến bao giờ”, Brian Eyler nhận xét.

Những thách thức địa chính trị vẫn đang tiếp tục đe dọa nguồn tài nguyên chung của sông Mekong. Trung Quốc chưa bao giờ đồng ý với các đánh giá của các quốc gia hạ nguồn hay tổ chức quốc tế rằng các con đập của họ là nguyên nhân gây ra mực nước giảm. Theo Trung Quốc, chỉ có một nguyên nhân duy nhất là do lượng mưa giảm.

Mục tiêu khôi phục dòng chảy tự nhiên cho sông Mekong dường như là bất khả thi vào lúc này. Tìm kiếm một cơ chế kiểm soát xả nước đang được xem là giải pháp dễ chấp nhận nhất cho tất cả các quốc gia chia sẻ bầu nước Mekong.

Ủy ban sông Mekong (MRC), một cơ quan liên chính phủ nhằm quản lý nguồn nước chung, từ lâu đã cảnh báo nguy cơ này nhưng các khuyến nghị của tổ chức thường yếu về sức nặng pháp lý.

“Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến ​​cả sự gia tăng trữ lượng (trên các đập), lượng mưa giảm và thời gian của các trận mưa gió mùa ảnh hưởng đến khối lượng và thời gian của các dòng chảy ngược vào Tonle Sap. Điều này, cùng với áp lực đánh bắt cá gia tăng, ô nhiễm, giảm lượng lưu chuyển phù sa... là mối đe dọa hiện hữu đối với các hệ sinh thái hạ lưu sông Mekong”, một phát ngôn viên của Ban Thư ký MRC nói với CNA.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.