| Hotline: 0983.970.780

Biên mậu phải sắp xếp lại

Thứ Tư 16/10/2019 , 14:15 (GMT+7)

Xuất khẩu biên mậu từng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Hiện nay, tuy tỷ trọng xuất khẩu biên mậu đã giảm nhiều, nhưng đây vẫn là đường xuất khẩu quan trọng.

12-08-32_bien_mu
Thu hoạch thủy sản ở ĐBSCL.

Cần phải tổ chức, sắp xếp lại hoạt động biên mậu một cách bài bản, bền vững.
 

Biên mậu không thể bỏ

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trước đây, trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, đi qua đường biên giới chiếm tỷ trọng tới 70-80%, còn lại là đi đường biển. Đây là chỉ tính lượng và giá trị hàng hóa đã thống kê được. Hiện nay tỷ trọng hàng thủy sản đi đường biên mậu đang giảm do xuất khẩu chính ngạch qua đường biển tăng.

Cụ thể, xuất khẩu chính ngạch qua đường biển hiện chiếm khoảng 70%, đường biên mậu chỉ còn khoảng 30%.

Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, thương mại biên mậu vẫn có chỗ đứng của nó, vì đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu của các tỉnh Trung Quốc có biên giới với Việt Nam.

Chẳng hạn, nếu thủy sản Việt Nam đi đường biển tới cảng Quảng Châu hay Thượng Hải rồi mới đưa về Nam Ninh thì chi phí sẽ cao, nhà nhập khẩu không có lời, thậm chí thua lỗ. Vì thế, các nhà nhập khẩu thủy sản ở Nam Ninh vẫn muốn nhập thủy sản qua đường biên giới.

Vả lại, trong các nước xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, rõ ràng Việt Nam đang có lợi thế lớn về địa lý vì có chung đường biên giới với Trung Quốc.

Ecuador ở tận Nam Mỹ, đã xuất khẩu tôm trực tiếp vào Trung Quốc với khối lượng lớn, vậy mà trước đây, khi Trung Quốc chưa siết đường biên mậu, vẫn có một lượng tôm không nhỏ từ Ecuador vào Việt Nam để đi đường bộ sang Trung Quốc, thì đủ thấy lợi thế về đường biên giới của Việt Nam lớn như thế nào.
 

Nhiều hành vi gian lận

Ngoài những tác động không nhỏ trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thủy sản nói riêng, nông sản nói chung ở nước ta, 3 vấn đề nổi cộm trong xuất khẩu biên mậu lâu nay, là chất lượng hàng hóa, gian lận thương mại, chính sách lúc “đóng” lúc “mở” biên giới từ phía Trung Quốc.

Theo phản ánh của một số chuyên gia ngành thủy sản, từng có không ít trường hợp thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua cá tra, thuê cơ sở sơ chế, cho vào container rồi chở lên biên giới.

Sau khi làm xong thủ tục xuất khẩu bên phía Việt Nam, họ cho xe đi tới giữa đường thì dừng lại, thuê người xả hàng ra, chia cho mỗi người một ít xách tay mang sang Trung Quốc. Khi qua bên đó thì gom lại đưa lên một cái xe đã chờ sẵn, chở về kho. Đây là hành vi buôn lậu vì biến hàng container thành hàng buôn bán kiểu cư dân biên giới nhằm trốn thuế.

Hành vi trên có thể gây mất uy tín cho thủy sản Việt Nam, vì hàng container dỡ ra để xách tay qua biên giới rất dễ bị giảm chất lượng, thậm chí hư hỏng, nhất là hàng đông lạnh. Kể cả là hàng khô mà dỡ từ xe ra rồi xách tay mang qua bên kia biên giới thì cũng khó tránh khỏi hư hỏng.

Khi những sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, họ đâu biết nó đã được vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc như thế nào, nên nếu thấy chất lượng kém, họ sẽ chê thủy sản Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó là những hành vi gian lận thương mại phổ biến khác như khai không đúng lượng hoặc giá trị của lô hàng xuất khẩu so với thực tế..

Chẳng hạn, có những lô hàng trị giá tới 100.000 USD, nhưng khi xuất khẩu qua biên giới, cơ sở xuất khẩu chỉ khai báo 10.000 USD. Việc khai báo như thế không ảnh hưởng tới gì tới thương nhân xuất khẩu, vì nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thanh toán tiền trước rồi.

Nhưng khai báo như thế rõ ràng là có mục đích gian lận, và khiến cho giá trị hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu mà thống kê được, thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Nhiều lô hàng thì khai báo khối lượng xuất khẩu là như thế này, nhưng thực tế xuất lại thấp hơn…
 

Tổ chức lại biên mậu

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, những mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm, cá tra…, hiện chủ yếu đã đi chính ngạch. Xuất khẩu biên mậu chủ yếu là những mặt hàng có lượng xuất khẩu không lớn, còn mang tính địa phương như tôm hùm, mực khô… Chính vì vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống xuất khẩu thủy sản qua biên giới.

Cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ càng về những mặt hàng nào thì có thể đi biên mậu, mặt hàng nào bắt buộc phải đi đường biển. Đây là điều cần thiết nhằm đảm bảo cho thủy sản Việt Nam khi đi qua bên kia biên giới, vẫn đảm bảo được về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn, chiếm 80 - 90% giá trị xuất khẩu thủy sản, đều đã đi chính ngạch sang Trung Quốc. Chỉ còn những doanh nghiệp nhỏ, chiếm 10 - 20% giá trị thủy sản xuất khẩu, vẫn muốn đi đường biên mậu. Với một ngành hàng mà giá trị xuất khẩu đã gần 10 tỷ USD, thì 10 - 20% giá trị cũng là một con số lớn, rất có ý nghĩa, nhất là với các địa phương.

Bởi thế, chính quyền các địa phương phải chủ động vào cuộc để bảo vệ sản xuất thủy sản nguyên liệu trên địa bàn của mình, chứ không phải toàn bộ là trách nhiệm của Trung ương. Vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc tổ chức lại hệ thống xuất khẩu theo dạng biên giới theo hướng bài bản và bền vững.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, trước hết, giữa các tỉnh biên giới với các tỉnh có nguồn hàng thủy sản muốn bán sang Trung Quốc, cần có sự liên kết, liên thông với nhau nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về nhu cầu thị trường ở Trung Quốc và khả năng cung ứng trong nước.

Chẳng hạn, Quảng Ninh đang đầu tư xây dựng một trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy hải sản tại Móng Cái, là một kiểu chợ biên giới. Quảng Ninh và các tỉnh có nguồn hàng nông lâm thủy sản có thể bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, nên chủ động liên kết với nhau, trao đổi thông tin, phối hợp tạo nguồn hàng đảm bảo chất lượng xuất khẩu để đưa vào trung tâm này.

Chính quyền ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, có một điểm chung là đều có tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp, ngành hàng. Vì vậy, nếu chính quyền các địa phương Việt Nam chủ động làm việc với chính quyền các tỉnh biên giới bên phía Trung Quốc về hoạt động biên mậu cho hàng nông thủy sản, sẽ là một sự hậu thuẫn rất quan trọng trong việc sắp xếp, ổn định lại hoạt động biên mậu, thúc đẩy thương mại biên giới một cách bài bản, có kiểm soát, tránh xảy ra tình trạng lúc “đóng”, lúc “mở” biên giới.

Muốn đưa hàng sang Trung Quốc một cách ổn định và luôn đảm bảo được chất lượng, bản thân các doanh nghiệp ở các địa phương cũng cần liên kết lại với nhau để tăng thêm sức mạnh trong đàm phán với nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Trung Quốc lúc đóng lúc mở, có nguyên nhân

Những hành vi gian lận như trên không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mà còn gây bức xúc đối với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc, bởi họ không thể kiểm soát được về chất lượng với nông thủy sản nhập khẩu qua đường biên mậu, bị thất thu thuế... 

Chính vì vậy, trong những năm trước đây, thường xuyên xảy ra tình trạng bên phía Trung Quốc lúc “đóng”, lúc “mở” biên giới, khiến cho nông thủy sản Việt Nam đi đường biên mậu nhiều khi rơi vào tình cảnh bị động, gặp khó khăn lớn về đầu ra. 

Và tình trạng gian lận thương mại cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho cơ quan chức năng Trung Quốc phải siết chặt hoạt động biên mậu.

Thực ra, không phải bây giờ họ mới kiểm soát đường biên mậu, mà trước đây cũng đã làm. Nhưng vì quyền lợi của địa phương bên kia biên giới, nên việc kiểm soát còn lỏng lẻo, có tình trạng lơ đi. 

Chẳng hạn, 10 container cá tra, thì chỉ bắt buộc 1 container phải đi qua cửa khẩu bên phía Trung Quốc, 9 container còn lại được làm ngơ để các chủ hàng dỡ ra, cho người xách tay mang qua biên giới theo đường buôn bán cư dân. Bây giờ, bên phía Trung Quốc siết chặt lại, bắt buộc toàn bộ container phải đi qua cửa khẩu nước họ.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.