| Hotline: 0983.970.780

Biến rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh

Thứ Tư 18/04/2018 , 14:50 (GMT+7)

Rác thải hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn trên tổng số rác thải (60%), nếu như không được xử lý, lượng rác thải này sẽ phân huỷ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

17-14-23_1
Rác thải hữu cơ được ủ trong các bể ủ

Việc thu gom tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh đang là hướng đi đúng nhằm tạo ra lượng phân hữu cơ vi sinh phục vụ nền nông nghiệp sạch, đồng thời giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường từ rác thải công, nông nghiệp và rác sinh hoạt.

Tại Việt Nam, vấn đề về ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và công nghiệp sẽ là thách thức ngày càng lớn trong những năm tới do tình trạng đô thị hoá cũng như sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Do thiếu quỹ đất nên các xã, thị trấn khó có thể mở rộng, phát triển hay quy hoạch mới khu vực xử lý rác thải của địa phương mình. Trong khi đó, biện pháp xử lý rác chủ yếu hiện nay là chôn lấp lại không mấy hiệu quả.

Kể từ năm 2012, chính quyền đã tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua việc ban hành các quy định mới như khuyến khích thành lập các Hợp tác xã (HTX) môi trường cung cấp dịch vụ thu gom rác thải. Tuy nhiên việc thiếu trang thiết bị, kỹ năng và các hoạt động truyền thông cho người dân về việc trả phí dịch vụ môi trường đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các HTX.

Theo đó ngày 5/5/2016, GRET - một tổ chức phi chính phủ của Pháp đã khởi động dự án cải thiện hệ thống quản lý rác thải tại những khu vực nông thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, được gọi tắt là dự án PRO 3.

Trong khuôn khổ dự án này, lượng rác thải hữu cơ sẽ được các HTX môi trường thu gom về làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Với tư cách là tư vấn của dự án, tháng 4/2017, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá đã thực hiện nghiên cứu thị trường nhằm khảo sát nhu cầu tiềm năng đối với phân bón hữu cơ tại Vĩnh Phúc và các tỉnh phụ cận.

Nghiên cứu cho thấy mặc dù khách hàng tỏ ra chuộng phân bón hoá học, song nhu cầu về phân bón hữu cơ đang tăng lên do nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

17-14-23_2
Kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ của phân hữu cơ vi sinh thành phẩm

Để tăng tính khả thi cho hoạt động sản xuất phân hữu cơ từ rác thải hữu cơ (chiếm 60% rác thải sinh hoạt), dự án đã hỗ trợ tái khởi động cơ sở sản xuất phân hữu cơ tại thị trấn Thanh Lãng và một cơ sở nuôi trùn quế tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên.

Ông Trần Bá Bình, Giám đốc HTX Môi trường xã Tân Phong cho biết: “Vấn đề về ô nhiễm môi trường từ rác thải ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nếu toàn bộ rác thải được chôn lấp thì lượng rác hữu cơ sẽ phân huỷ gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời bốc mùi hôi thối trong quá trình phân huỷ gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên nếu tận dụng được lượng rác hữu cơ đó đưa về HTX tiến hành ủ thì sẽ xử lý được phần lớn các vấn đề về môi trường nêu trên”.

Quy trình xử lý rác gồm các bước sau: Rác thải sinh hoạt thu gom về được phân loại các chất hữu cơ và vô cơ; các thành phần hữu cơ đã phân loại được đưa vào các hố ủ bằng bê tông, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15cm, nước phun vừa đủ ấm, đậy bạt nhựa kín hố ủ; sau 30 ngày nhiệt độ hố ủ ổn định khoảng 40 - 45 độ C, rác thải đã ủ chín và được đưa vào phân loại lần hai loại bỏ nilon, các chất vô cơ còn sót lại và tiếp tục được nghiền mịn. Cuối cùng, bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với phụ gia tạo ra phân hữu cơ thành phẩm để sử dụng trong sản xuất…

Việc sử dụng chế phẩm xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ sinh học bón cho cây trồng vừa giải quyết được vấn đề thiếu phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải gây ra, đồng thời tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cân bằng sinh thái, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.

 

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.