Bắt đền cô Huế này
Chị Lê Thị Huế - trưởng thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nén cơn buồn nôn, gạn hỏi rõ nguồn cơn. Thì ra đi tập huấn phân loại, xử lý rác hữu cơ là mẹ chồng nhưng Tết gia đình có nhiều thực phẩm, lắm bữa ăn xong cô con dâu còn mang cả nồi lẩu thừa đổ luôn vào thùng mà không gạn bớt nước, không phun vi sinh. 2, 3 ngày sau giòi bọ lúc nhúc, sực mùi hôi thối bà mới vác cả gói vi sinh đang dùng dở đến “bắt đền”.
Khi đã biết lý do, chị Huế vẫn nhẹ nhàng bảo: “Thôi, giòi thì chị để chúng em xử lý”. Thế rồi lấy trấu, đất bột rắc thêm vào thùng rác đồng thời phun vi sinh, 3 hôm sau không còn con giòi nào, mùi khó chịu cũng hết. Khi được hướng dẫn lại cẩn thận, gia đình bà nọ vui vẻ tiếp tục việc xử lý rác hữu cơ tại nhà.
Nhóm nòng cốt tái chế rác hữu cơ thành phân bón của thôn Nghĩa Vũ có 10 người nhiều phen phải trực tiếp xử lý như vậy bởi ban đầu người dân thường không làm theo đúng quy trình, vứt rác vào mà quên phun vi sinh hay rắc thêm đất bột: “Tôi cứ lấy que chọc xuống đáy thùng xử lý rác, thấy có độ xốp, rút que lên mà không bị bết dính là đạt còn thấy có nhiều nước, bết là thừa ẩm, phải cho thêm bột đất, trấu hay mùn cưa vào”, chị Huế bảo.
Gần 1 năm nay, hình ảnh chị trưởng thôn đã gắn liền với cái que chọc rác bởi hàng tuần dẫn đầu nhóm nòng cốt đi kiểm tra các thùng xử lý rác của dân đều đặn vào chiều thứ tư và chiều chủ nhật. Ngoài thùng xử lý rác tại gia, thôn còn xã hội hóa được 36 thùng xử lý rác đặt ở các địa điểm công cộng cho những gia đình đất chật không có chỗ đặt, hay không có nhu cầu phân bón.
Nhà nào mang rác hữu cơ đi đổ thì mang theo kèm cả chai vi sinh ra tưới. Đề phòng bà con quên, các thành viên trong nhóm nòng cốt ngày rải ra các ngõ hướng dẫn, tối còn đem chai vi sinh ra phun thêm 1 lượt nữa vào thùng công cộng chỗ mình phụ trách. Dưới đáy thùng có cái chõ để vặn vòi lấy nước rỉ rác, ủ khoảng 1 tuần là có, đem pha loãng tưới được ngay, có thể khai thác hàng ngày, thậm chí nhiều bà con còn muốn có nó đến nỗi tưới thêm nhiều nước vi sinh.
Bà Nguyễn Thị Nguyên kể nhà mình áp dụng chế phẩm vi sinh từ đầu năm 2021, trước đó thì xử lý rác hữu cơ bằng cách cho vào túi ni lông buộc chặt, để phân hủy rồi bón cho cây. Chỉ có bỉm của ông (ốm nằm liệt giường) và nhựa, ni lông mới vứt, còn ngay cả mảnh sành, sứ bà cũng để riêng nên 1 tuần thôn thu gom rác 3 lần, mỗi lần gia đình cũng chỉ có cỡ 2 - 3kg mà thôi khiến cho chị lao công phải thốt lên: “Ai cũng như nhà bà thì gọn ghẽ lắm”.
Rồi bà dẫn tôi ra một cái hố đào ở góc vườn bên trên có nắp đậy bằng tôn, giở ra, bỏ đám lá rau thừa vào rồi tưới chế phẩm sinh học đã pha với nước đường đựng trong chai nhựa 1,5 lít. Cách ủ bằng hố này sẽ không có nước rỉ rác như ủ bằng thùng nhựa, khi nào đầy thì bà lấy ra, trộn với tro bếp, vôi bột rồi phủ đất lên, sau 30 ngày là có thể bón cho cây.
Khu vườn ngay trước sân nhà bà chỉ chừng 70m2 mà xanh mướt mát nhiều loại rau từ gia vị, ăn lá, đến ăn củ, quả. Đạm không phải dùng, lân ít khi bón, thuốc không phải phun nên cây bắp cải bà tặng cho tôi về luộc lên ăn ngọt lừ, không bỏ sót chút ít nước nào.
Mảnh vườn chừng 1 sào của nhà bà Nguyễn Thị Toàn cùng thôn không chỉ cung cấp đủ rau ăn mà còn cứ hơn 10 ngày 1 lần lại đóng sọt gửi lên Lào Cai cho mấy đứa con. Tất cả đều được tưới bằng nước rỉ rác, bón bằng phân rác nhưng không mùi, không ruồi muỗi. 2 thùng rác dưới bếp, 1 thùng đựng loại không phân hủy, 1 thùng đựng loại phân hủy, vào cuối ngày bà lại trút chỗ rác hữu cơ vào cái thùng nhựa to để ngoài vườn rồi tưới thêm chế phẩm vi sinh.
Cũng như hầu hết gia đình trong thôn đều dùng bếp ga, bếp từ nên bà Toàn không có tro bếp để trộn với phân rác như bà Nguyên. “Nước rác tưới rau thay cho nước giải, phân rác thay cho phân chuồng, dùng rất tốt mà lại không có mùi chứ trước đây rác gom tất vào túi ni lông để ra trước ngõ, mấy ngày mới thu một lần, rất hôi thối, ruồi muỗi chú ạ”, bà Toàn bảo.
Ở ngoại thành giờ không phải nhà nào cũng có đất đai, vườn tược. Nhà cô giáo Nguyễn Thị Tuyết là một ví dụ, chỉ có mảnh sân gạch tương đối rộng rãi để cho ông chồng sáng tối đánh cầu lông cùng chúng bạn. Bởi thế dăm tháng trước, khi chị thuyết phục chồng cho ủ rác rồi dùng cái sân để xếp những chậu đất trồng rau đã bị anh phản đối mãi mới chấp nhận.
“Lúc đầu tôi sợ nước rác sẽ có mùi, nên lựa khi trời tối, mọi người ở hết trong nhà mới dám múc ra tưới, không ngờ nó chỉ có chút mùi hăng hăng. Trước, ngày nào nhà tôi cũng phải mua rau, giờ 1 tuần chỉ mua thêm 1 - 2 lần những loại rau mình không trồng được. Chi phí rất rẻ, chỉ có một ít hạt giống, còn lại đều từ rác mà ra hết. Rau mình tự trồng ăn rất đậm đà, hơn thế lại còn bảo vệ môi trường. Trước đây khi còn bỏ rác lẫn lộn, với 5 nhân khẩu, số lượng rác mỗi ngày của gia đình chừng 2 - 3kg, giờ chỉ còn 500 - 700 gram mà thôi”.
Trong lúc tôi mê mải ngắm những luống cải, luống su hào, luống hành xanh nõn nà của nhà chị Tuyết thì nhóm nòng cốt của thôn cùng với cán bộ của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xăm xắn dở cái thùng ủ rác ra và góp ý: “Trời khô ráo thế này chị không nên đậy nắp mà mở ra cho thoáng khí và thoát ẩm. Nếu không lấy nước rác thì thỉnh thoảng lại rải lên trên rác một lớp mỏng đất khô để hút ẩm, mỗi thùng xen một vài lớp đất là đạt”.
Bãi rác thành phố ùn ứ mà cả thôn vẫn thơm tho
Chị Lê Thị Huế - trưởng thôn Nghĩa Vũ cho hay thôn có 257 hộ, chuyên nghề đi chợ và trồng trọt trong đó 140 hộ có vườn: “Trước đây, khi còn đổ rác chung, thôn có 6 xe rác mà vẫn không đủ phải quay vòng, tổng cộng cỡ 10 lượt xe/1 lần thu rác. Rác được gom về bãi đầu thôn, 2 - 3 hôm mới mang đi 1 lần nên gây hôi thối, ruồi muỗi, thỉnh thoảng lại phải đốt”.
Khi Phòng Tài nguyên Môi trường huyện chỉ đạo thôn làm điểm thì đội ngũ cán bộ ở đây lo lắng lắm bởi dân đang quen vứt tất rác vào một túi thế mà giờ phải phân loại cầu kỳ, rồi tưới chế phẩm sinh học hàng ngày nữa. Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà, thạc sĩ Nguyễn Thị Yên thuộc Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam lúc đó đã đồng hành với thôn ngay từ đầu để hình thành nên nhóm nòng cốt gồm trưởng, phó các ban, ngành đoàn thể. Nhóm có trách nhiệm phải làm thành công ở gia đình mình trước để làng nước theo sau. Ngay cả chồng chị Huế khi thấy vợ để nhiều thùng, xô trong sân cũng lườm mắt, bảo: “Rác của bà thì mang ra ngõ mà để, đặt đây nó ám hết mùi vào người đấy”.
Chị vẫn mặc kệ, lấy 2 cái thùng sơn rồi khoan lỗ để ủ rác thử theo 2 công thức khác nhau rồi rút kinh nghiệm phổ biến cho dân. Lúc đầu chế phẩm vi sinh còn khan hiếm, 2 - 3 nhà phải chung nhau 1 gói để pha. Nhóm nòng cốt không có phụ cấp mà vì trách nhiệm cộng đồng. Lúc đầu vừa dạy phân loại rác, vừa dạy pha vi sinh là dân dễ “loạn đầu”, chị Huế còn phải pha luôn chế phẩm cho họ theo tỷ lệ 1 vi sinh, 5 đường cùng 0,5 - 1 lít nước để cứ thế mà dùng.
Hàng tuần loa xã, thôn phát về Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, nếu không phân loại sẽ bị từ chối không thu gom rác. Trong trường cô giáo hướng dẫn trò phân loại rác tại hộ còn các hội, các câu lạc bộ dưỡng sinh, thể dục thì gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tuyên truyền ở nhà văn hóa, ở nhà riêng, ở các cuộc họp. Có nhà đoàn đến tuyên truyền 5, 7 lần cuối cùng vì nể, vì ngại mà đành làm theo. Nhờ đó thôn có 171 hộ tham gia ủ rác, tuy nhiên vẫn còn hơn 40 hộ chưa nhập cuộc vì một số đi làm cả ngày, tối mới về, ăn uống tất ở ngoài và một số còn chưa ngấm mục đích, ý nghĩa của việc làm này.
Từ hồi phân loại và ủ rác, lượng rác của thôn giảm cỡ 2/3 nên không cần phải xe quay vòng, không tồn đọng, không hôi thối, kể cả khi bãi rác Nam Sơn của thành phố đóng cửa 1 tuần. Phân ngoài dành để trồng rau còn dành để trồng hoa từ nhà tới quanh chùa làng các loại ngọc thảo, đồng tiền, cánh bướm thành hàng, thành lối mà khoe sắc…
Về sau khi không được hỗ trợ liệu dân có quay lại cách làm cũ, tức vứt tất cả rác chung vào một túi không? Tôi hỏi trưởng thôn Huế, chị cười: “Không đâu, đợt đầu hết chế phẩm vi sinh dân còn hỏi để mua đấy, về sau lại được huyện tiếp tục hỗ trợ mới thôi. Nhà tôi có 9 người mà cả năm qua chỉ dùng 3 gói, với giá 50.000 đồng/gói, nếu mua cũng chỉ hết 150.000 đồng, còn gia đình ít người hơn chỉ dùng hết 1 - 2 gói, tương đương mỗi năm chỉ hết 50.000 - 100.000 đồng thôi, trong khi đó lại ra được nhiều phân, còn mang đi làm quà. Như nhà cô em ở Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội thấy tôi đăng trên facebook về những luống rau, khóm hoa được bón bằng phân rác liền bảo: “Chị ơi cho em ít quà là phân bón được không?”. Tôi cho 10kg, về sau dùng thấy tốt quá nó còn hỏi mua cả chế phẩm để tự ủ rác nữa”.
Khi thấy được hiệu quả của việc ủ rác, thay vì tận dụng các thùng sơn, hộp xốp cũ, người dân tự đầu tư mua thùng nhựa cỡ lớn về khoan lỗ để ủ rác. Họ chỉ được huyện Đông Anh hỗ trợ vi sinh và một chút đường làm dung dịch pha.