Người dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đi kiếm từng can nước về sinh hoạt. |
Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 7, dự kiến sẽ tăng đến 11.396 hộ với 44.560 người. Đây là mối lo lớn của những người có trách nhiệm ở Bình Định.
Theo ông Nguyễn Văn Tánh, GĐ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong số 10.062 hộ đang bị thiếu nước sinh hoạt, thì huyện Hoài Nhơn dẫn đầu với 4.925 hộ, huyện Phù Mỹ có 2.729 hộ, huyện Tây Sơn có 100 hộ, huyện Vân canh có 850 hộ, TX An Nhơn có 100 hộ và huyện Tuy Phước có 1.358 hộ. Nếu từ nay đến cuối tháng 7 nắng nóng vẫn kéo dài thì số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở huyện Hoài Nhơn sẽ tăng lên 5.360 hộ và huyện Tuy Phước tăng lên 2.196 hộ.
“Hiện ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang theo dõi tình hình nắng hạn gây thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng phương án chống hạn và có kế hoạch cụ thể vận chuyển nước cấp cho người dân những vùng thiếu nước không có giải pháp khắc phục tại chỗ”, ông Tánh cho hay.
Huyện Hoài Nhơn đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất tỉnh Bình Định tiếp tục đối mặt với khó khăn mới. Bởi, dự kiến đến ngày 25/7 hồ chứa nước Mỹ Bình sẽ “trơ đáy”, đến lúc ấy chắc chắn công trình cấp nước sinh hoạt Tam Quan Bắc sẽ phải ngừng hoạt động.
Ngành chức năng yêu cầu đơn vị quản lý công trình là Cty CP Cấp thoát nước Miền Trung chịu trách nhiệm chở nước sạch đến cấp cho 813 hộ dân ở 2 thôn Trường Xuân Đông và Trường Xuân Tây, đồng thời và ký hợp đồng với Cty CP Cấp thoát Bình Định cấp nước sạch qua mạng đường ống tối thiểu 150 m3/ngày cho dân các thôn còn lại của xã Tam Quan Bắc sử dụng.
Đối với các vùng dân cư đang bị thiếu nước sinh hoạt như thôn Vạn Lương, thôn Vạn Thiện thuộc xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ); làng Hà Văn Dưới, làng Kinh Tế, làng Kà Te, làng Kà Sim thuộc xã Canh Thuận (huyện Vân Canh); các thôn An Long 1, An Long 2, An Dinh 1, An Dinh 2, An Lôc 1, An Lôc 2, Mỹ An 1, Mỹ An 2, Trường An 1, Trường An 2; Lâm trúc 1, Lâm trúc 2 thuộc xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) sẽ được hỗ trợ kinh phí khoan giếng, đào sâu âm bộng các giếng đào để “vắt nước”.
Những vùng thiếu nước thôn An Mỹ thuộc xã Mỹ Cát; thôn An Xuyên 2, An Xuyên 3 và Trung xuân thuộc Mỹ Chánh; thôn Trung Thứ, Trung Hậu thuộc xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) thì đang được xe chuyên dùng chở nước sạch được khai thác từ 2 công trình nước sạch thị trấn Phù Mỹ và Cát Minh về tận làng cấp cho người dân.
Người dân xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) dùng xe máy chở thùng đi lấy nước ngọt. |
“Chúng tôi đã trình UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ khoản kinh phí 31,7 tỷ đồng khoan đào, khoan giếng và mở hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân”, ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |
Những vùng có công trình cấp nước tập trung nhưng chưa có đường ống như thôn Văn Tường Tây thuộc xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ); thôn Thọ Tân Nam, Thọ Tân Bắc thuộc xã Nhơn Tân (TX An Nhơn); làng Kon Giang thuộc xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) thì được hỗ trợ kinh phí mở mạng cấp nước đến khu dân cư.
Riêng các thôn Bình Thái, Diêm Vân thuộc xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), nếu việc cấp nước luân phiên của Nhà máy Phước Nghĩa không đáp ứng đủ nhu cầu thì ngành chức năng chở nước sạch bằng xe chuyên dùng đến cấp cho dân. Người dân ở thôn Kim Đông (xã Phước Hòa) cũng sẽ được cấp nước sinh hoạt bằng xe chuyên dụng.
Ông Nguyễn Văn Tánh cho biết: “Chính quyền đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước để có thể chia sẻ với các vùng lân cận đang “khát” nước sinh hoạt. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị vận hành các nhà máy cấp nước phải tổ chức vận hành đạt hoặc vượt công suất thiết kế.
Đối với công trình sử dụng nước mặt từ sông, suối, cần thu dọn lá cây, nạo vét cát bồi lấp trước đập dâng. Đối với công trình sử dụng nước ngầm thông qua giếng khoan cần thổi rửa làm sạch phần ống lọc để thu nước; chủ động bảo dưỡng thiết bị bơm, thiết bị xử lý nước và thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, chống thất thoát nước trên đường ống”.