| Hotline: 0983.970.780

Bình Định nhân rộng mô hình chứng chỉ rừng bền vững

Thứ Tư 20/01/2021 , 12:34 (GMT+7)

Chứng chỉ rừng bền vững (FSC) Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn vừa đón nhận là động lực để ngành lâm nghiệp tỉnh Bình Định nhân rộng mô hình này trong những năm tới.

Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo cho biết của ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp của tình này hơn 417.00ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 335.00ha, gồm rừng tự nhiên có hơn 216.000ha, rừng trồng xấp xỉ 119.000ha. Trong diện tích rừng trồng 119.000ha có 70.540ha là rừng trồng sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi, tiềm năng lớn để Bình Định phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tuy nhiên, những năm trước đây, rừng trồng ở Bình Định do hộ dân trồng chủ yếu được khai thác non để bán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, từ năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2035 Bình Định sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Quản lý và phát triển rừng bền vững là 1 trong 3 chương trình phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Mục tiêu của chương trình là quản lý, phát triển và sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sảm cho người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc dân. Đặc biệt là ổn định xã hội tại các vùng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp dịch vụ môi trường, góp phần phát triển bền vững quốc gia.

Để thực hiện 1 trong 3 chương trình phát triển được xác định trong Chiến lược phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, để thực hiện Đề án phát triển rừng gỗ lớn sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh này đã lấy các công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh làm mẫu hình đi đầu.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là đơn vị tiên phong đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi khép kín từ chọn và ươm giống, đầu tư công nghệ và kinh phí nhằm nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, đáp ứng các quy định khắt khe theo chuẩn quốc tế.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh bình Định được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh bình Định được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Xác định giống là yếu tố tiên quyết làm nên chất lượng rừng trồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên doanh, liên kết với Viện nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học để sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Qua đó, Viện và công ty đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu hiện trường trên địa bàn của công ty. Công ty đã sử dụng các giống do Viện chọn tạo, từ đó đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đã đạt được nhiều thành công.

“Chúng tôi áp dụng quy trình quản lý rừng theo định hướng có cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm quản lý rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đạt được các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững để tiến tới được cấp chứng chỉ rừng FSC-CM quốc tế trên diện tích rừng đạt tiêu chuẩn. Ngày 18/12/2020, công ty đã chính thức được Tổ chức GFA (CHLB Đức) cấp chứng chỉ rừng FSC cho 4.183,6ha trên diện tích 8445,44 ha rừng và đất rừng của công ty đang quản lý và sử dụng”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho hay.

Trong thời gian tới, Bình Định tiếp tục triển khai Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và phấn đấu ngày càng có nhiều diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đề nghị các ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ rừng, đặc biệt là các hộ dân tham gia trồng rừng trên địa bàn thấy được lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ FSC. Bởi, thực tế cho thấy lợi nhuận từ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn rừng chưa được cấp chứng chỉ từ 20-30 triệu đồng/ha.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chăm sóc giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài Cty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, hiện trên địa bàn Bình Định còn có Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh hàng năm khai thác và trồng lại rừng khoảng 400ha, sản lượng khai thác từ 30.000 - 35.000 tấn gỗ nguyên liệu các loại và Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đang sở hữu 1.500ha rừng trồng đang thực hiện chứng chỉ rừng FSC và từng bước chuyển dịch cơ cấu sản phẩm rừng trồng từ gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đồng thời gắn kết theo chuỗi giá trị từ từ sản phẩm khai thác đến chế biến gỗ.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.