Do đó, tỉnh Bình Thuận đã tính toán, cân đối nguồn nước hợp lý cho khu vực phía Nam, trong đó giảm một số diện tích sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 để ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Nhiều hồ phía Nam mực nước trữ thấp
Ông Nguyễn Hữu Huệ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, cho biết, năm 2020 tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, lượng mưa không đều. Trong đó, các hồ chứa thủy lợi ở phía Bắc tỉnh như: Phan Dũng, Lòng Sông, Đá Bạc, Cà Giây, Sông Quao đã tích nước trữ đạt 100% theo dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất Đông Xuân 2020-2021 theo kế hoạch.
Ngược lại các hồ phía Nam tỉnh tích nước đạt thấp so với dung tích thiết kế. Cụ thể, tính đến giữa tháng 12/2020, các hồ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam như hồ Sông Móng tích nước chỉ đạt 57,54% dung tích thiết kế, hồ Ba Bàu đạt 36,17% dung tích thiết kế, hồ Tân Lập đạt 63,72% dung tích thiết kế và hồ Núi Đất (TX La Gi) đạt 55,33% dung tích thiết.
Do đó, 2 huyện Hàm Thuận Nam và La Gi nguồn nước không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch, chỉ ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Cắt giảm 290 ha lúa Đông Xuân
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt cấp nước vụ Đông Xuân 2020-2021 toàn tỉnh sản xuất 50.806 ha, trong đó diện tích lúa và màu 29.772 ha, thanh long 20.623 ha, nuôi trồng thủy sản 411 ha. Thời vụ sản xuất tập trung từ ngày 20/12/2020 đến 20/1/2021.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, căn cứ tổng thể tình hình nguồn nước và kết quả tính toán, cân đổi nguồn nước và kế hoạch cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi, sau khi kết thúc vụ mùa 2020, Công ty sẽ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nước tưới cho cây trồng lâu năm (thanh long).
Và, với lượng nước còn lại hơn 690 triệu m3, Công ty chỉ đảm bảo cấp nước sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 cho 29.482/29.772 ha theo kế hoạch. Trong đó, 2 huyện Hàm Thuận Nam và La Gi phải điều chỉnh cắt giảm diện tích sản xuất lúa Đông Xuân là 290ha và giảm phiên tưới cho cây thanh long do nguồn nước tưới không đảm bảo.
Về vấn đề trên, mới đây tại cuộc họp bàn, thống nhất kế hoạch cấp nước sinh hoạt trong mùa khô và sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020-2021, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở NN- PTNT Bình Thuận đã thống nhất kế hoạch cấp nước sản xuất vụ Đông Xuân theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh.
Tuy nhiên để đảm bảo cấp nước theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân với tổng diện tích 50.516 ha, đồng thời cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nuôi trồng thủy sản, hoạt động công nghiệp trên địa bàn, Sở NN-PTNT đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường tích trữ nước vào cuối vụ nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.
Đồng thời triển khai nạo vét kênh trục chính, sửa chữa cống lấy nước, bảo dưỡng các thiết bị máy bơm, máy đóng mở cửa cống lấy nước. Đặc biệt, cần khai thác hiệu quả lượng nước chạy máy của thủy điện Đại Ninh, thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cấp nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Tánh Linh và Đức Linh.
Bên cạnh đó, Công ty phải có thông báo lịch cấp nước tưới cây thanh long 1 tháng 1 lần cho huyện Hàm Thuận Nam, cũng như tưới thanh long ở khu vực hồ Núi đất (TX La Gi) biết để phối hợp chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát…
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận: Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp cho năm 2021 và những năm sau này, Công ty kiến nghị đối với các địa phương phải thành lập và củng cố tổ thủy nông nội đồng, nạo vét kênh mương nội đồng; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích. Kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí nạo vét hồ Ba Bàu và hồ Tà Mon để tăng dung tích trữ phục vụ chống hạn. Về lâu dài sớm giải quyết đền bù lòng hồ Sông Dinh 3 để tích nước nguồn nước theo thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thi công kênh chuyển nước Sông Dinh - Núi Đất để bổ sung nguồn nước cho hồ Núi Đất cũng như xây dựng công trình hồ Ka Pét để bổ sung nguồn nước huyện Hàm Thuận Nam. Đầu tư kiên cố hóa Kênh chuyển nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập để giảm tổn thất nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.