Bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch số 4488 ngày 17/11/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024, đến nay Chi cục đã tổ chức lấy 103 mẫu thủy sản nuôi (tôm giống, tôm nước lợ nuôi thương phẩm, cá nước ngọt nuôi thương phẩm) để gửi xét nghiệm, kết quả không phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Chi cục còn phối hợp Chi cục Thú y Vùng VI và Hiệp hội Tôm Bình Thuận xác minh thông tin bệnh mờ, đục thân trên tôm giống (TPD) xuất hiện tại một số cơ sở sản xuất tôm giống tại Tuy Phong, kết quả thông tin này là chưa có cơ sở.
Theo bà Hương, tính đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT về quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Cụ thể, các cơ sở này gồm Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh 1 tại Bình Thuận, Công ty TNHH Giống thủy sản Trần Hậu Điển, Công ty TNHH Sản xuất Giống thủy sản Xuân Bảy, Công ty TNHH Thủy sản Trường Thịnh, Công ty TNHH Thủy sản Việt Đức, DNTN tôm giống Huy Lâm, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Đại Lợi, Công ty TNHH GTS Hùng Bảo, Công ty TNHH Thủy sản Trường Thịnh, Công ty CP New.
Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 128 cơ sở/763 trại. Trong đó, có 108 cơ sở/664 trại đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Có 34 công ty nhập khẩu giống tôm bố mẹ thẻ chân trắng từ các nước Mỹ, Thái Lan phục vụ sản xuất giống. Hàng năm, sản lượng tôm giống Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ trên 25 tỷ con.