| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn và phát triển 'rừng dược liệu' dưới tán đại ngàn Mường Lống

Thứ Hai 10/04/2023 , 12:23 (GMT+7)

NGHỆ AN Tập đoàn TH Group (TH) đã tìm cách bảo tồn và phát triển cây dược liệu, trở thành mô hình kinh tế bền vững dưới chân đại ngàn Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Năm 2015, Công ty Dược liệu Mường Lống thuộc Công ty Dược liệu TH (Tập đoàn TH) ra đời, thay thế Trại dược liệu Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có từ năm 1960 do Sở NN-PTNT Nghệ An quản lý. Đây là bước ngoặt "hồi sinh" các loài cây dược liệu quý hiếm trên “cổng trời” Mường Lống mù mây.

Vườn bảo tồn, canh tác cây trồng hữu cơ

Ông Nguyễn Trọng Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu Mường Lống dẫn chúng tôi đến vườn bảo tồn, xem một loại cây dược liệu quý hiếm được nhân giống bằng phương pháp cấy mô, tên là lan thạch hộc (tên khoa học là Herba Dendrobii). Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì sự lạ lẫm với cây dược liệu này, ông Cảnh nói một câu rất mộc: “Lan thạch hộc vẫn còn xa lạ với nhiều người nhưng đây là loại thảo mộc quý hiếm”.

1: Một trong những vườn bảo tồn cây dược liệu ở khu A

Một trong những vườn bảo tồn cây dược liệu ở khu A. Ảnh: Vũ Toàn.

Chúng tôi tò mò về giá trị của lan thạch hộc, ông Cảnh nêu một loạt công dụng: “Theo dược lí hiện đại, lan thạch hộc chứa các thành phần hóa học có tác dụng làm giảm đau, hạ thân nhiệt, trợ tiêu hóa, tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột. Theo Đông y, loài thảo dược này có tác dụng bổ vị, thanh nhiệt, bổ âm, trị sốt và các bệnh khởi phát do thiếu âm, mất âm…”.

Trong lúc đó, Thạc sĩ Mai Thị Vân Khanh, kỹ sư nông nghiệp thuộc Phân viện hữu cơ của TH nêu một thực trạng: “Hiện loại dược liệu quý hiếm này đang bị khai thác kiệt quệ trong rừng tự nhiên. Đây là lí do khiến chúng tôi tập trung các phương cách để bảo tồn”.

Rời lan thạch hộc, chúng tôi dừng lại bên cây xá xị (Cinnamomum parthenoxylon) đang xanh sắc trong khí trời dịu mát hơi sương của Mường Lống. Ông Cảnh ngồi cạnh cây xá xị, vẫn giọng nói rất mộc: “Tinh dầu chiết xuất từ xá xị giúp cải thiện trình trạng sức khỏe con người rất tốt; tạo tinh thần sảng khoái và minh mẫn”.

Ngoài hai loại thảo dược quý hiếm nêu trên, tại những khu vườn bảo tồn trải dài dưới chân núi Mường Lống, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những biển hiệu ghi tên từng loại cây thảo dược chưa từng biết đến như: Xạ đen, tam thất bắc, sâm bảy lá một hoa, lạc tiên, giảo cổ lam, dây thìa canh lá to, đảng sâm, bồ công anh… Mỗi cây mang theo nhiều công dụng khác nhau đối với sức khỏe con người. Tất cả đang được bảo tồn trong từng khu vườn dưới những tấm lưới che màu đen lốm đốm ánh nắng mặt trời dọi qua.

2: Một góc vườn canh tác cây trồng hữu cơ

Một góc vườn canh tác cây trồng hữu cơ. Ảnh: Vũ Toàn.

Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu TH cho hay, Công ty Dược liệu Mường Lống đóng ở bản Trung Tâm của xã Mường Lống. Khu vực những vườn bảo tồn và vườn canh tác cây trồng hữu cơ gọi là khu A, chỉ chiếm 2,5ha. Văn phòng, nhà xưởng sơ chế 1,1ha. Còn 130ha thuộc khu B trên dãy rừng Há Lò, cách khu A tầm 1.500m.

Tại khu A, Công ty đang bảo tồn 53 loại cây thảo dược quý hiếm khác nhau. Sau bảo tồn, chuyên gia của Tổng Công ty Dược liệu TH và Công ty Dược liệu Mường Lống sẽ lựa chọn cây dược liệu nào sẽ tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị, được cộng đồng trong và ngoài nước ưa chuộng để trồng dưới tán rừng Há Lò. Tất cả những loại thảo dược này đều được trồng và thu hái theo tiêu chuẩn, kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng hiệu quả của dược liệu (GACP-WHO).

Kết hợp với thảo dược tại các vùng rừng dược liệu trên cả nước, Công ty Dược liệu TH đã cho nhiều loại sản phẩm trong năm 2022. Sản phẩm về thức uống thảo dược có Total Happiness Naturals (sản phẩm mới được yêu thích tại Mỹ, theo bình chọn của tạp chí Beverage Industry - Mỹ); Viên nang mềm Lyco-prevent (chứa dầu gấc hữu cơ nguyên chất, đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và Châu Âu); Nước thảo dược TH true HERBAL tại Mỹ và Việt Nam...

3: Ông Nguyễn Trọng Cảnh bên cây xá xị

Ông Nguyễn Trọng Cảnh bên cây xá xị. Ảnh: Vũ Toàn.

Năm 2022 có hàng chục bộ sản phẩm trà thảo dược TH true HERBAL hoàn toàn từ tự nhiên (trà thảo dược lạc tiên - tâm sen; giảo cổ lam - linh chi; nhân trần - cúc hoa vàng; tía tô - gừng và trà đàn hương thượng hạng cùng nhiều tinh dầu hương nhu, bạc hà, sả chanh…) đang phục vụ thị trường trong cả nước.

Những vùng rừng sinh sôi

Đứng giữa vườn bảo tồn và vườn canh tác cây trồng hữu cơ tại khu A, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu TH nhớ lại năm 2015 khi Công ty Dược liệu Mường Lống thay thế Trại dược liệu cũ nát trên một vùng đất tàn tạ.

Tàn tạ bởi trước đó, vùng đất này đã nhiều lần “đảo đi, đảo lại bởi những năm trồng cây anh túc” khiến đất xơ cứng, bạc màu. Tầng đất thịt mỏng cỡ 10cm, phía dưới là đá tảng. Muốn có đất để bảo tồn và canh tác, Công ty Dược liệu Mường Lống phải mua đất từ xã Huồi Tụ (cách hơn 20km) về bồi đắp cùng với việc bón phân hữu cơ để làm giàu đất.

“Cái được nhất ở Mường Lống là khí hậu á nhiệt đới và rừng phong phú, đa dạng sinh học. Đây là cơ hội để Công ty Dược liệu Mường Lống xuất hiện, mở đầu cuộc đột phá bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Nghệ An”, ông Trung nói.

4: Nguyên liệu sau sơ chế

Nguyên liệu sản phẩm cây dược liệu sau sơ chế. Ảnh: Vũ Toàn.

Hiện tại, 2,5ha vườn bảo tồn và vườn canh tác cây trồng hữu cơ tại khu A đã kín đất. Trên khu B, Công ty đang dần triển khai đưa cây dược liệu quý hiếm trở lại rừng với lan thạch hộc, trà hoa vàng, chè shan tuyết... Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu Mường Lống, Công ty cung cấp giống, kỹ thuật và phân bón cho người dân địa phương liên kết sản xuất cây dược liệu. Sau khi người dân thu hoạch, Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận. Hiện 18ha cây dược liệu được trồng dưới tán rừng đã cho sản phẩm theo cách làm này. Năm 2023, Công ty sẽ mở rộng thêm 20ha mới.

Từ Mường Lống, Công ty Dược liệu Mường Lống đã mở rộng diện tích cây dược liệu dưới tán rừng tại 40ha trong tổng số 200ha của công ty ở lưng chừng dãy núi Phu Xai Lai Leng thuộc địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

Ông Cảnh vốn là chuyên gia của ba Tổng đội Thanh niên xung phong 8, 9, 10 xây dựng kinh tế ở Nghệ An, giờ được ví như người “một nách hai con” do tuần này ở Mường Lống, tuần tới ở Na Ngoi. Trong 40ha đã cho sản phẩmm có 30ha trồng thảo dược lan thạch hộc và lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) và 10ha tam thất bắc. Y học cổ truyền Trung Quốc mệnh danh lan kim tuyến là “vua thảo dược” bởi nhiều công dụng có giá trị, như chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính; chữa thần kinh suy nhược; chữa ho khan, đau họng; chữa cao huyết áp; suy thận; đau lưng; phong thấp; giúp bổ máu; chữa xuất tinh sớm…). “Sắp tới, Công ty Dược liệu Mường Lống sẽ mở rộng tiếp 40ha các loại dược liệu tương tự tại Na Ngoi”, ông Cảnh cho biết thêm.

5: Sản phẩm cây dược liệu.

Một số sản phẩm dược liệu sau chế biến. Ảnh: Vũ Toàn.

Từ câu chuyện về rừng dược liệu, ông Cảnh dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sơ chế dược liệu tại khu A. Nguyên liệu sơ chế ở đây sẽ được vận chuyển ra nhà máy chế biến ở Hà Nội để cho ra các loại sản phẩm cuối cùng (sắp tới, nhà máy chế biến sẽ được lắp đặt tại Nghệ An).

Nhìn gian hàng sản phẩm, ông Cảnh vui nói theo kiểu ông Nguyễn Ngọc Lài, nguyên Giám đốc Lâm trường Con Cuông, người hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động: “Nếu cây dược liệu không được đột phá bài bản như vừa kể trên thì tự nó hoá thành cỏ dại, biến rừng thành “rừng nhác”. Bây giờ, dưới tán rừng có cây dược liệu làm giàu thì “rừng nhác” đã hóa thành “rừng siêng” rồi”.

Mô hình vừa làm giàu, vừa giữ rừng bền vững

“Sau thực tế cây dược liệu được bảo tồn và phát triển dưới tán rừng, bà con người Mông mới thấu hiểu ý nghĩa thiết thực của các loài cây dược liệu trong đời sống sức khoẻ của cộng đồng. Khi có thêm việc làm, lại được sự giúp sức về giống cây, phân bón và kỹ thuật của Công ty Dược liệu Mường Lống, người dân đã tích cực đồng hành và mong muốn có thêm nhiều công việc hơn nữa để vừa làm kinh tế cho gia đình, vừa làm giàu rừng núi của làng bản. Đột phá cây dược liệu của Tập đoàn TH đã giúp huyện rẻo cao Kỳ Sơn trong việc giữ rừng bền vững và giữ ổn định an ninh biên giới”.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

Xem thêm
Tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng nguồn giống và công nghệ

TP. HCM Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi chú trọng tăng chất lượng, sản lượng đàn bò thịt trong thời gian tới nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất