Sở NN-PTNT Bình Thuận vừa có văn bản gửi các địa phương và các đơn vị trực thuộc, triển khai một số giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trước mắt Sở NN-PTNT Bình Thuận yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Trồng trọt - BVTV, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên nắm thông tin về tình hình xuất nhập khẩu thanh long; tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để thông báo kịp thời cho người sản xuất thanh long, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh được biết. Từ đó có phương án sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cũng như điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu một cách hợp lý, hạn chế tình trạng thừa cục bộ, bị tồn đọng không xuất khẩu được.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghệp, người sản xuất thực hiện và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đóng gói, thu mua, các tổ chức và cá nhân có hoạt động giao nhận trong sản xuất, kinh doanh thanh long. Đẩy mạnh sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản chủ trì phối hợp Sở Công thương, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm khuyến nông và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương tham mưu Sở NN-PTNT việc tổ chức hội nghị kết nối một số các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến trong nước với các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh để bàn giải pháp kết nối tiêu thụ thanh long trong giai đoạn hiện nay.
Về lâu dài, Sở NN-PTNT Bình Thuận giao Chi cục Trồng trọt - BVTV chủ trì, phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và UBND các huyện, thành phố, thị xã dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ thanh long, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp ngay từ đầu năm, nắm chắc sản lượng thu hoạch theo hàng tháng, quý giữa các địa phương để phối hợp với các doanh nghiệp hoặc cơ sở xuất khẩu thanh long tiêu thụ tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định.
Ngoài ra, các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản, Trồng trọt -BVTV, Trung tâm Khuyến nông theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất thanh long theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hóa. Tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, dư lượng thuốc BVTV trên nông sản. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, xã viên tiếp tục liên kết sản xuất tiêu thụ chặt chẽ hơn; đồng thời, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng tốt với yêu cầu thị trường xuất khẩu. Tuyên truyền, khuyến khích các Công ty, doanh nghiệp chủ động phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản thanh long tươi…
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, dự kiến từ nay đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh sẽ thu hoạch thanh long với sản trên 121.000 tấn. Đến sáng 13/1, theo nông dân, giá thanh long hiện loại 1 chỉ ở mức từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.