| Hotline: 0983.970.780

Bình yên Tà Đùng

Thứ Hai 21/02/2022 , 10:23 (GMT+7)

Giữa đại ngàn Tây Nguyên, có một 'bản sao' thu nhỏ của vịnh Hạ Long, đẹp như một bức tranh. Đó là hồ Tà Đùng, ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Dưới lòng hồ, có những gia đình ngư dân, sống trên nhà bè, mưu sinh bằng nghề nuôi thuỷ sản, giăng câu, thả lưới. Cuộc sống rất đỗi bình yên. Trong khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp các vùng miền, mọi ngõ ngách, thì ở đây, “vòi bạch tuộc” của virus Sars-CoV-2 không vươn tới.

Một góc hồ Tà Đùng. Ảnh: Phúc Lập.

Một góc hồ Tà Đùng. Ảnh: Phúc Lập.

Dư thì không dư, nhưng cũng chẳng thiếu gì

Từ QL28 thuộc địa phận xã Đắk Som, rẽ phải vào con đường bê tông, đi khoảng 4km, tôi đến bến nước hồ Tà Đùng, nơi có mấy chiếc thuyền máy đang đậu. Từ đây, tôi thuê 1 chiếc ghe máy ra lòng hồ, đến xóm bè của ngư dân. Thời gian này, hồ đang tích nước, ánh nắng buổi trưa xuyên xuống lòng hồ trong vắt, nếu không có động, có thể nhìn thấy cá bơi bên dưới.

Chiếc xuồng máy rú lên, xé toang không gian yên tĩnh, từ từ lao ra lòng hồ, làm vỡ vụn làn sóng lăn tăn mặt nước, để lại phía sau 2 vệt sóng dài hình đuôi cá ngày một rộng. Sau chừng 30 phút luồn lách quanh những hòn đảo, tôi đã nhìn thấy mấy nhà bè nép mình giữa 2 hòn đảo nhỏ. Chiếc xuồng máy giảm tốc, từ từ tấp vào nhà bè đầu tiên.

Chủ nhân của nhà bè này là chị Nguyễn Thị Nguyệt, 44 tuổi. Vợ chồng chị Nguyệt có 2 người con, 1 trai 1 gái, đều đã lớn. Trong đó, người con trai đã lập gia đình, đang ở trên một nhà bè khác, sát bên. Lúc tôi đến, chồng chị Nguyệt đang lên bờ, vào vườn cà phê của gia đình ở Quảng Khê.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt đang cho đàn cá nàng hai ăn. Lứa cá này đã nuôi 3 năm vẫn chưa xuất bán được do ảnh hưởng dịch. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt đang cho đàn cá nàng hai ăn. Lứa cá này đã nuôi 3 năm vẫn chưa xuất bán được do ảnh hưởng dịch. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về cuộc sống trên bè, chị Nguyệt kể, anh Trần Văn Hà, 47 tuổi, chồng chị có 5 anh em, ngày xưa đều mưu sinh bằng nghề đánh bắt thuỷ sản ở vùng sông nước gần Biển Hồ Campuchia. Cuộc sống nơi xứ người ngày càng khó khăn, nên năm 2010, họ rủ nhau hồi hương, về sống trên lòng hồ Tà Đùng. Hiện nay, 1 người em trai đã lên bờ sinh sống, trên hồ chỉ còn 4 anh em, mỗi gia đình 1 nhà bè, cách nhau chừng trăm mét.

Thời gian đầu mới về, cuộc sống cũng khá gian nan, mọi người tích cóp, đầu tư làm bè nuôi cá lăng, cá lóc bông, cá nàng hai (giống cá thát lát). Nhờ nguồn nước hồ khá sạch, cá nuôi dù ít cho ăn, nhưng vẫn khoẻ mạnh, mau lớn. Sau gần chục năm tích cóp, chị Nguyệt đã mua được hơn 2ha vườn ở xã Quảng Khê, hiện đang trồng cà phê.

Nước hồ Tà Đùng trong vắt, mặc dù đàn cá bơi khá sâu bên dưới nhưng vẫn có thể nhìn rõ. Ảnh: Phúc Lập.

Nước hồ Tà Đùng trong vắt, mặc dù đàn cá bơi khá sâu bên dưới nhưng vẫn có thể nhìn rõ. Ảnh: Phúc Lập.

“Thu nhập hàng năm của gia đình có ổn định không?”, tôi hỏi. Chị đáp: “Cũng tùy năm. Có năm nuôi cá trúng giá cao, kiếm 1 - 2 trăm triệu, nhưng cũng có năm chỉ vài chục. Như năm vừa rồi, vì dịch Covid nên lứa cá này nuôi 3 năm rồi mà chưa xuất bán được. Mà giống cá nàng hai nó chỉ lớn hết cỡ chừng hơn 1kg thôi, có nuôi nữa cũng không lớn thêm như các loại cá khác. Trong khi vẫn phải cho ăn, giá bán vẫn vậy, 1kg cá nàng hai 55 ngàn, cá lăng thì được hơn trăm ngàn 1kg. Bình thường người ta nuôi cá nàng hai chỉ vài tháng là xuất, còn ở đây mọi người không cho ăn thường xuyên, cá lớn chậm nên phải nuôi lâu. Đổi lại, cá thịt rất ngon”.

Chị Nguyệt bảo, 5 - 6 năm trước, cuộc sống trên bè cũng khó khăn, nhưng ngày càng đỡ hơn. “Giờ cuộc sống trên bè dư thì chưa dư mà thiếu cũng chẳng thiếu gì, từ vật chất đến tinh thần. Bè nào cũng có điện, nên mua sắm đủ, từ tivi, tủ lạnh, đến bếp điện, dàn karaooke. Bè nào thích thì gắn wifi, lên mạng internet…”, chị Nguyệt nói. Để chứng minh, chị Nguyệt cầm chiếc điện thoại thông minh hiệu Samsung khá to, mở tin tức, youtube cho tôi xem.

Trời thương nên chẳng ốm đau bao giờ

Chủ nhân chiếc bè thứ 2 tôi ghé cũng tên Nguyệt, bà Trần Thị Nguyệt, 50 tuổi, là chị gái anh Trần Văn Hà, chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt. Lúc lên bè, cậu con trai út bà Nguyệt là Nguyễn Chí Hùng, 21 tuổi, đang lặn ngụp dưới bè cá, vài phút sau, Hùng thò đầu lên, bên trong chiếc vợt cầm trên tay, có mấy con cá lăng, mỗi con chừng hơn 1 ký. Bà Nguyệt bảo: “Nhỏ quá, thả đi con”. Tôi ngạc nhiên, hỏi: “Chứ to cỡ nào mới ăn được?”. Bà Nguyệt đáp: “Phải từ 2kg trở lên, cỡ này thịt mềm, ăn không ngon”.

Bà Trần Thị Nguyệt dự tính sẽ lên bờ định cư để các cháu có tương lai tốt hơn. (trong ảnh là bé gái cháu ngoại đẹp như thiên thần củ ba Nguyệt). Ảnh: Phúc Lập. 

Bà Trần Thị Nguyệt dự tính sẽ lên bờ định cư để các cháu có tương lai tốt hơn. (trong ảnh là bé gái cháu ngoại đẹp như thiên thần củ ba Nguyệt). Ảnh: Phúc Lập. 

Nói về cuộc sống trên bè, bà Nguyệt tâm sự: “Ở trên bè thì buồn, nhất là mấy đứa nhỏ, suốt ngày làm bạn với nước. Nhưng bù lại, cuộc sống bình yên, nhất là khi dịch Covid tràn lan, lên bờ thấy sợ lắm. Ở đây cá ăn không hết, toàn cá tươi ngon. Lâu lâu thèm thịt heo, thịt gà thì xách ghe chạy vào bờ, hoặc gọi điện hỏi anh em bè khác, họ có lên thì nhờ mua. Mừng nhất là bao lâu nay mọi người sống trên hồ ít khi bệnh tật, ai cũng khoẻ re. Có lẽ một phần do thiên nhiên, không khí trong lành, phần vì biết điều kiện đi lại khó khăn nên ông Trời thương chăng?”, bà Nguyệt cười.

“Dịch có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Cá không bán được, không dám lên bờ, nên nhiều khi hết gạo, mắm muối phải gọi qua hàng xóm vay tạm…”, bà Nguyệt đáp.

Tương tự, Nguyễn Chí Hùng, con trai út bà Nguyệt cho biết, sống trên bè rất thoải mái, không khí trong lành, nhưng nếu lấy vợ thì chắc sẽ lên bờ sống để sau này con cái có điều kiện học hành hơn'. Ảnh: Phúc Lập.

Tương tự, Nguyễn Chí Hùng, con trai út bà Nguyệt cho biết, sống trên bè rất thoải mái, không khí trong lành, nhưng nếu lấy vợ thì chắc sẽ lên bờ sống để sau này con cái có điều kiện học hành hơn”. Ảnh: Phúc Lập.

Rời bè bà Nguyệt, chúng tôi tiếp tục đến bè thứ 3, cách bè bà Nguyệt vài trăm mét. Chủ nhân là vợ chồng chị Đặng Thị Hằng, 31 tuổi. Trong căn nhà nổi này, có đầy đủ các tiện nghi như tivi màn hình lớn, tủ lạnh, wifi, dàn nhạc…“Hình như nhà chị thuộc loại “giàu” ở làng bè Tà Đùng thì phải?”, tôi nửa đùa nửa thật hỏi. Chị Hằng cười to: “Anh nghĩ sắm sửa được mấy món đồ này là giàu sao? Có đáng bao nhiêu đâu. 2-3 chục triệu là có đủ. Các bè khác họ không có nhu cầu dùng mấy thứ này, nên họ không sắm thôi, chứ họ đều có đất, có vườn trên bờ cả rồi đấy”. Quả đúng như lời chị Hằng nói, những gia đình tôi đã gặp trước đó đều cho biết đã mua được từ vài sào đến 2ha vườn trên bờ.

Nhà bè của gia đình chị Đặng Thị Nguyệt có đầy đủ các thiết bị 'hi-tech' chẳng thua gì nhà trên bờ. Ảnh: Phúc Lập.

Nhà bè của gia đình chị Đặng Thị Nguyệt có đầy đủ các thiết bị "hi-tech" chẳng thua gì nhà trên bờ. Ảnh: Phúc Lập.

“Thế chị đã mua được vườn chưa? Có định lên bờ sống không?”, tôi hỏi tiếp. “Thực ra, tụi em sống trên bè từ nhỏ quen rồi. Nhiều lúc về quê ở Long an, đêm ngủ, nằm không thấy đung đưa, bập bềnh, ngủ không ngon giấc như trên bè. Nhất là đợt vừa rồi, dịch Covid sợ quá, ở trên bè thấy an toàn. Nhưng nghĩ đến tương lai 2 đứa nhỏ, ở trên bè đi học rất khó khăn, nên chắc phải lên bờ thôi. Tụi em cũng mua được mấy công vườn ở Đắk Som rồi, nhưng tít trong vùng đồng bào, hơi xa trung tâm xã”, chị Hằng nói.

Người đàn ông thích lo chuyện bao đồng

Chúng tôi tiếp tục ghé vào một bè khác, cách bè chị Hằng chừng 200m, của ông Đặng Văn Minh, 57 tuổi. Vợ chồng ông Minh là cha mẹ ruột của chị Đặng Thị Hằng chúng tôi vừa gặp.

Đang cùng vợ ngồi cắt vụn những con cá nhỏ làm thức ăn cho bè cá nuôi, nghe tiếng ghe tấp vào, ông Minh ngẩng đầu lên, chào khách trước bằng tiếng cười to, hào sảng: “Đi đâu đấy? Lên uống nước”, tôi đoán có lẽ ông là người cởi mở, dễ gần.

Ông Đặng Văn Minh, người thích 'lo chuyện bao đồng' ở làng bè hồ Tà Đùng. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Đặng Văn Minh, người thích "lo chuyện bao đồng" ở làng bè hồ Tà Đùng. Ảnh: Phúc Lập.

Suy đoán của tôi không sai, ông Minh không chỉ cởi mở, mà còn là người đàn ông khá thú vị. Trong số những cư dân lòng hồ, ông không chỉ là người có mặt đầu tiên ở đây, mà còn là người có “tư duy” khác với đa số cư dân làng bè, người “thích lo chuyện bao đồng”.

Ngay từ khi còn ở Biển Hồ Capuchia, ông và vợ con đã học hỏi được nhiều cách bảo vệ nguồn lời thuỷ sản, có ý thức bảo vệ môi trường. Ông là người từng nhiều lần ngăn cản ngư dân khi thấy kiểu đánh bắt huỷ diệt, hoặc lén làm trái quy định của chính quyền về đánh bắt. Đến khi về Tà Đùng, thấy cảnh sông nước hữu tình, cảnh đẹp như tranh, ý thức về việc bảo vệ môi trường trong ông càng mạnh mẽ hơn.

Ông tâm sự: “Sông nước, rừng núi đẹp thế này mà mình nỡ lòng làm tổn hại nó, xót lắm. Đây là tài sản vô giá của chúng ta, của các thế hệ tương lai. Không bảo vệ nó là có tội với đất nước, với con cháu”. Nghe những lời này, tôi cảm tưởng như từ một chuyên gia môi trường đầy tâm huyết nào đó chứ không phải từ một ngư dân ít học, cả đời gắn với sông nước như ông Minh.

Ông Minh kể, có vài lần ông đã bị mấy nhóm đàn ông đến tận bè đe dọa ông 'đừng xía vào chuyện làm ăn của người khác, đừng lo 'chuyện bao đồng' nữa, nếu không có ngày cả bè chìm luôn xuống lòng hồ', nhưng ông chẳng sợ. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Minh kể, có vài lần ông đã bị mấy nhóm đàn ông đến tận bè đe dọa ông “đừng xía vào chuyện làm ăn của người khác, đừng lo “chuyện bao đồng” nữa, nếu không có ngày cả bè chìm luôn xuống lòng hồ”, nhưng ông chẳng sợ. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về thói quen “thích làm chuyện bao đồng”, ông Minh kể: “Hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần chứng kiến cha tôi kéo lưới lên, thấy mấy con cá nhỏ, hoặc con nào bụng to, biết đang có trứng, ông thả hết. Nhiều khi không có gì ăn, nhưng ông cũng vẫn thả. Đến khi lớn lên, ý thức ấy ngấm vào máu. Với lại, mình làm sai hay đúng, dù không ai thấy, nhưng trời thấy, đất thấy, thần rừng, thần sông thấy cả đấy”.

Hiện nay, vợ chồng ông Minh khá an phận với cuôc sống trên bè. 2 ông bà chỉ nuôi một bè cá lăng, 1 bè cá nàng hai, thu nhập không cao, không dư dả, nhưng cuộc sống khá ổn. “Vợ chồng tôi ít khi lên bờ. Bè của vợ chồng con gái ngay trước mặt, khi nào nó lên bờ, nó ghé qua hỏi cần mua gì nó mua dùm. Ở trên bè chú thấy đó, cũng chẳng thiếu gì”, ông Minh nói rồi cười rổn rảng, trước khi rít một hơi thuốc thật sâu.

Trên hồ Tà Đùng hiện có 24 hộ dân, gần 60 khẩu sinh sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, giăng câu, thả lưới. So với cách đây dăm năm, bây giờ đời sống của họ tương đối ổn, không có hộ nào thiếu đói, cuộc sống rất bình yên, nhất là trong tình hình dịch như hiện nay, ở dưới hồ rất an toàn. Chúng tôi đang có kế hoạch đưa họ lên bờ định cư để ổn định cuộc sống, có điều kiện cho con em học hành”, ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.