| Hotline: 0983.970.780

Biogas ở vựa heo miền Trung

Thứ Tư 23/12/2015 , 07:05 (GMT+7)

Huyện Hoài Ân (Bình Định) được mệnh danh là vựa heo của miền Trung với tổng đàn 232.512 con. 

Hộ nuôi ít nhất từ 5-10 con, hộ nuôi nhiều cả trăm con, hiếm có gia đình không nuôi heo.

Việc phát triển nuôi heo ồ ạt đã khiến các địa phương phải đối mặt nạn ô nhiễm môi trường. Từ khi dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) triển khai thì vấn nạn ô nhiễm đã được giải quyết.

Hiện Hoài Ân có gần 12.000 hộ chăn nuôi heo với khoảng 2.000 gia trại có quy mô nuôi từ 30 con trở lên, 30 trang trại có quy mô nuôi hàng trăm con. Những năm trước đây, do phát triển chăn nuôi mạnh theo kiểu tự phát. Mật độ chăn nuôi dày, không thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm. Heo nảy sinh dịch bệnh, chết hàng loạt.

Những năm gần đây, nhiều nông hộ đã ý thức được việc bảo vệ môi trường chăn nuôi thông qua việc xây dựng hầm biogas nên hạn chế được nạn ô nhiễm, khống chế được dịch bệnh trên đàn heo, nuôi có lãi, yên tâm phát triển đàn.

Ông Nguyễn Văn Túc, cán bộ phụ trách chăn nuôi, Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết: “Được dự án LCASP hỗ trợ, hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn đã xây dựng hầm biogas nhằm giải quyết chất thải, do đó đã cải thiện được vấn đề ô nhiễm. Ngoài ra, hầm biogas còn giúp các hộ có nguồn chất đốt bất tận, giá rẻ, giúp giảm công lao động lên rừng chặt củi nấu cháo heo, đồng nghĩa giảm nạn phá rừng lấy củi”.

“Các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Bình Định đều có nhu cầu xây dựng hầm biogas kích cỡ lớn. Tuy nhiên, thời gian qua chưa thực hiện được nhiều vì còn chờ BQL dự án LCASP Trung ương thẩm định năng lực để cấp phép cho nhà thầu và hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể thực hiện.
Hiện mọi điều đã được thông qua, bước sang năm 2016 chúng tôi sẽ thực hiện đại trà cho các gia trại, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, PGĐ dự án LCASP Bình Định.

Anh Dương Văn Thái ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) đang nuôi 70 con heo thịt cho biết: “Nuôi heo số lượng nhiều, trước đây khi chưa xây dựng hầm biogas, mỗi khi hầm chứa phân heo đầy tôi phải thuê người đến hút mất đến vài ba triệu.

Sau khi được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng, tôi đầu tư thêm 10 triệu nữa để xây dựng hầm biogas thì không còn lo nạn đầy hầm phân phải hút tốn tiền.

Đã vậy, khí gas từ hầm biogas đáp ứng nhu cầu chất đốt cho sinh hoạt gia đình, lợi nhất là việc nấu cháo heo không còn phải tốn chi phí cho việc củi lửa”.

Riêng năm 2015, Hoài Ân đăng ký xây dựng 330 công trình biogas, thế nhưng do nhu cầu trong người chăn nuôi cao nên đã điều chỉnh tăng lên 500 công trình.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, qua 2 năm thực hiện dự án LCASP toàn huyện đã xây dựng được 800 công trình.

“Hiện người chăn nuôi rất quan tâm đến vấn đề xây dựng hầm biogas.

Ngoài những hộ được dự án LCASP hỗ trợ, nhiều hộ chăn nuôi khác vì lợi ích thiết thực đã tự bỏ kinh phí xây dựng hầm biogas”, ông Nguyễn Văn Túc nói.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.