Những ngày qua, nhiều người dân tại các làng thuộc xã Ia Mơ liên tục phản ánh về tình trạng nhiều con bò của gia đình chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Cụ thể, những con bò tại các làng Khôi, Krông, làng Klăh, Hnáp đang khỏe mạnh bỗng dưng ốm yếu rồi lăn đùng ra chết. Hiện tượng bò chết không rõ nguyên nhân kéo dài trong nhiều tháng khiến người dân trong vùng hoang mang, lo lắng.
Ghi nhận tại ngôi làng Klăh (xã Ia Mơ), hàng chục con bò của các hộ dân có dấu hiệu chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân. Lo sợ tình trạng bò chết lây lan trên diện rộng, UBND xã Ia Mơ đã hướng dẫn người dân mua thuốc tiêm chữa và phòng bệnh.
Gia đình có 6 con bò thì 2 con bị chết, chị Kpă Giác (làng Klăh) lo lắng cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình nuôi bò bị chết mà không biết nguyên nhân vì sao. Chị Kpă Giác buồn bã cho biết: “Như mọi ngày, gia đình dắt đàn bò đi ăn đến chiều thì lùa về cho ăn thêm rơm khô. Mấy ngày qua, đàn bò của gia đình vẫn ăn cỏ, uống nước bình thường, không có dấu hiệu bỏ ăn hay có biểu hiện gì khác. Tuy nhiên, đến sáng hôm vừa rồi thấy 2 con bò trong chuồng lăn đùng ra chết bất thường”.
Lo sợ những con bò khác bị ảnh hưởng, gia đình chị Kpă Giác nhanh chóng vệ sinh chuồng và báo cáo lên chính quyền địa phương để sớm tìm ra nguyên nhân. Với gia đình chị Kpă Giác và nhiều người dân trong vùng, đàn bò là tài sản lớn nên việc những con bò bị chết xem như người dân trắng tay.
Làng Hnáp được thống kê có số lượng bò bị chết nhiều nhất với khoảng 20 con. Gia đình bà Kpă Bơi (làng Hnáp) có tổng cộng 9 con bò lớn nhỏ. Những năm qua, đàn bò giúp gia đình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, mọi thứ đã thay đổi khi 4 con bò của gia đình lăn đùng ra chết, trong có 1 con chuẩn bị sinh sản.
“Những con bò tự nhiên bỏ ăn nhiều ngày, rồi lăn đùng ra chết. Ban đầu chỉ có 2 con chết, nghĩ không có gì bất thường nên không báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, 1 tháng sau thêm 2 con nữa tiếp tục bị chết khiến gia đình trở tay không kịp”, bà Bơi nói và cho biết, từ trước đến nay, gia đình chưa gặp tình trạng bò chết như vậy.
Bà Bơi cho biết, với 4 con bò, nếu không bị chết sẽ bán được khoảng hơn 60 triệu đồng. Nếu 5 con bò còn lại bị chết nữa xem như gia đình trắng tay. Bà con rất mong chính quyền địa phương sớm tìm ra nguyên nhân để yên tâm.
Theo anh Siu Chuyên, Trưởng thôn Hnáp, tình trạng bò tự nhiên lăn đùng ra chết đã xảy ra từ năm ngoái, nhưng năm nay số lượng chết nhiều hơn nên các hộ dân hoang mang, lo lắng. “Thấy bò chết nhiều, chúng tôi đã gọi cán bộ thú y xuống kiểm tra thì được biết bò bị chết khả năng do tụ huyết trùng”, anh Siu Chuyên cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, địa phương đã cử cán bộ thú y đến từng hộ gia đình để xác minh vụ việc. Theo đó, từ khoảng tháng 11/2022 đến ngày 6/1/2023, trên địa bàn xã có tổng 45 con bò bị chết tại các làng: Khôi 10 con, Krông 2 con, Klăh 13 con, Hnáp 20 con.
Theo ông Tuấn Anh, việc nhiều con bò bị chết nghi ngờ do bị bệnh tụ huyến trùng. Nguyên nhân do thời gian qua trên địa bàn xảy ra thời tiết lạnh cục bộ, cộng với việc bò bị thiếu ăn, sức đề kháng kém.
Trước tình trạng này, chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn người dân trữ thức ăn vào mùa khô để bổ sung dinh dưỡng cho bò vào mùa lạnh nhằm tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông xuống phổ biến cho người dân về việc bệnh tụ huyến trùng không nằm trong danh mục được hỗ trợ tiêm vacxin nên người dân cần chủ động tự đi mua về tiêm.
“Mấy bữa nay, tình hình dịch bệnh đã tạm ổn, không còn thấy người dân báo cáo về việc bò bị chết nữa”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Lưu Hoài Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, sau khi kiểm tra tại xã Ia Mơ xác định, bò chết rải rác chủ yếu vào mùa mưa trong năm 2022. Theo đó, những con bê con khi sinh ra vào mùa mưa dễ gặp phải bệnh viêm phổi, trong khi người dân chưa có ý thức và kinh phí để điều trị bệnh này dẫn đến bị chết. Đặc biệt, bò bị bệnh do ký sinh trùng dẫn đến gầy ốm, người dân lại không chăm sóc nên cũng bị chết. Ngoài ra, bò bị chết do bệnh tụ huyết trùng cũng có nhưng ít.
“Trong năm vừa rồi, Trung tâm cũng đã triển khai tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn bò như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tự huyến trùng… nên dịch bệnh cơ bản được khống chế. Còn việc bò chết tại xã Ia Mơ vừa qua là do người dân chủ yếu nuôi bò bằng hình thức chăn thả ngoài rừng, sử dụng những lán trại tạm bợ nên không được tiêm phòng, khi gặp phải mùa mưa sẽ dễ bị bệnh và chết”, ông Lưu Hoài Hưng cho biết.