| Hotline: 0983.970.780

Bộ chiêng quý ở Kon Ktủh

Thứ Năm 29/03/2018 , 14:45 (GMT+7)

Tây Nguyên không chỉ có những dãy núi cao chập chùng, những tập tục đậm chất tâm linh huyền bí, mà còn có những di sản văn hoá giá trị ngàn đời. Một trong số đó là cồng chiêng.

12-47-25_01
Già A Blếch bên bộ chiêng quý của làng

Nhưng, để có những tiếng chiêng du dương ngân dài, vượt 9 ngọn núi cao, không thể thiếu những nghệ nhân, với đôi tai cực thính, đôi bàn tay cực điêu luyện, làm công việc tưởng dễ mà cực khó: Chỉnh chiêng.

Để có được bộ chiêng quý này, hơn 50 hộ dân ở làng Kon Ktủh (nay là thôn 11, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) phải bỏ hết mọi việc khác, đi nhổ củ mì thuê suốt 1 tuần mới đủ tiền mua. Đó là chuyện cách đây gần 40 năm.
 

Linh hồn của làng

Đến làng Kon Ktủh hỏi về chiêng, già A Blếch, năm nay 70 tuổi, vặn hỏi: “Muốn mua chiêng à. Anh mang được mấy bao tiền đến đây mà đòi mua. Mà tôi nói ngay và luôn cho anh nghe. Làng tôi có bộ chiêng 8 chiếc. Bộ chiêng này vô giá. Mà vô giá thì không bán đâu. Vì thế hãy về đi, đừng mất công làm gì”. Sau khi chúng tôi giải thích chỉ muốn xem chiêng chứ không phải mua, già Kon Ktủh nhìn khách từ đầu xuống chân bằng ánh mắt dò xét rồi buông một câu ngắn gọn: “Thế thì được”.

Nói rồi, già A Blếch dẫn khách về nhà mình, nơi đang cất giữ “báu vật” của làng. Bộ chiêng được gia chủ dành một phần quan trọng trong nhà làm nơi cất giữ. Muốn đến được vị trí cất chiêng phải qua 2 lớp cửa được khóa cẩn thận. 8 chiếc được xếp gọn theo thứ tự. “Sở dĩ bộ chiêng này được người trong làng gọi là “báu vật” bởi nó là tài sản thuộc sở hữu chung của cả làng, được người trong làng mua bằng chính mồ hôi, nước mắt. Cũng chính bộ chiêng này là thứ gìn giữ món ăn tinh thần cho làng, cũng là nơi làng gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng”, già A Blếch giải thích và bắt đầu kể về quá trình bộ chiêng thuộc về làng.

Đó là năm 1981, hồi đó dân làng nghèo lắm, chẳng ai dám mơ đến chiêng. Bộ chiêng này của một dòng họ từng giàu có trong làng. Nhưng rồi họ gặp khó khăn, nên muốn bán. Dân làng nghe vậy, tức tốc họp làng, tìm cách giữ bộ chiêng. “Nghe tin là làng họp dân ngay.

Tại buổi họp, người dân cùng quan điểm là thôn 11 có hai làng nhưng chỉ có một bộ chiêng nên phải giữ bằng mọi giá. Ngặt nỗi, bộ chiêng này được gia chủ bán hơn chục triệu đồng mà làng thì không có tiền. Sau nhiều ngày suy nghĩ nát cả óc, làng quyết định huy động sức dân, toả đi khắp nơi tìm việc làm thuê, đi nhổ mì lấy tiền công mua chiêng. Hồi ấy cả làng hơn 50 hộ cùng tham gia và làm quần quật từ sáng đến chiều tối. Dù rất mệt nhưng cứ sợ chiêng bị bán mất nên ai cũng cố gắng. Sau một tuần, cuối cùng làng cũng gom đủ tiền tậu được chiêng”, già A Blếch nhớ lại.

12-47-25_02
Già A Blếch dạy đánh cồng chiêng cho đội chiêng nhí

Già A Blếch dùng chiếc dùi gỗ đánh vào từng chiếc chiêng. Nhưng tiếng boong boong ngân vang, dội vào vách núi, rồi sau đó dội lại, cảm giác như nghe hai lần. “Nếu là người biết nghe chiêng, sẽ cảm nhận được rằng, trong tiếng chiêng có tiếng vọng núi rừng, tiếng suối chảy, tiếng thú rừng chạy nhảy, tiếng gió rừng lay cây”, già A Blếch giải thích.
 

Người truyền lửa đam mê

Từ lúc làng Kon Ktủh mua được chiêng, vấn đề ai là người giữ chiêng cũng được làng bàn tính rất kỹ càng. “Chiêng quý thì phải chọn người giữ là người trong làng có uy tín, tiếp đó là có tài đánh chiêng và có cái tâm huyết với làng. Làng căn cứ trên những tiêu chí này để chọn người giữ chiêng. Đến nay đã bầu được 2 người. Người thứ hai đang được chọn để giữ chiêng là tôi. Tôi được chọn vào năm 2006, khi người tiền nhiệm tay đã yếu, mắt đã mờ không đảm nhận được nữa”, già A Blếch kể.

Đám ma, đám cưới, tết, cúng bến nước, cúng lúa mới, già A Blếch đứng ra sắp xếp, phân công người đánh chiêng. Chiêng dùng xong thì được già tiếp nhận và mang về nhà khóa cất giữ cẩn thận. Rồi những buổi tham dự liên hoan chiêng, già đứng ra tập luyện cho mọi người.

Điều khiến già A Blếch tự hào nhất chính là việc truyền dạy cho thế hệ sau. “Bây giờ, người biết đánh chiêng rất ít, một phần do số người biết đánh đã khuất núi, phần không có người kế tục, trong khi con trẻ không ai chịu học chiêng. Cũng vì lo sợ sau này trong làng sẽ chẳng còn tiếng chiêng nên tôi quyết định sẽ khơi dậy niềm đam mê và trực tiếp dạy đánh chồng chiêng cho người trong buôn”, già A Blếch nói.

Già A Blếch đi khắp làng để phân tích cho người trong buôn hiểu về văn hóa cồng chiêng, đồng thời kêu gọi người trong buôn học đánh chiêng. Già A Blếch gom từng nhóm trai làng đưa về nhà rông dạy. Những người được dạy phần lớn là người đã có tuổi và đám thanh niên. Đầu năm 2016, già A Blếch bắt tay vào dạy đánh cồng chiêng cho 15 học sinh từ lớp 5 đến lớp 6 trong làng. “Riêng các cháu thì mỗi tuần dạy hai buổi vào lúc chiều tối. Dạy các cháu đánh cồng chiêng khó hơn. Nhiều lúc chúng lười học thì tôi lặn lội đến tận nhà động viên. Tuy vất vả nhưng cứ thấy thành quả là các cháu đánh thành thục là tôi có thêm động lực”, già A Blếch chia sẻ.

12-47-25_03
Già A Blếch dạy đánh cồng chiêng cho đội chiêng nhí

Già A Blếch dẫn chúng tôi qua căn nhà rông của làng để xem thành quả cả năm trời già cất công truyền dạy cho đội cồng chiêng nhí của làng. Lúc đến nơi, một tốp 5 em học sinh đang tụ tập luyện tập cồng chiêng. Chỉ chờ già A Blếch ra hiệu, đội cùng chiêng nhí cầm chiêng và đánh thành thục hết bài chiêng này sang bài chiêng khác. “Thế là sau này trong làng có người nối dõi điệu cồng chiêng rồi. Trước mắt tới đây có dịp lễ, đội chiêng nhí này sẽ lĩnh xướng làng tham dự. Già sẽ tiếp tục truyền dạy cồng chiêng cho đến khi nào già chết thì thôi”, già A Blếch tâm sự.

Box: “Sự kiện dân làng Kon Ktủh góp tiền mua chiêng cách đây gần 40 năm là sự kiện lớn, được nhiều làng, nhiều tỉnh biết đến và học tập. Góp phần giữ lại những di sản văn hoá của Tây Nguyên nói riêng và Văn hoá Việt nói chung còn có công rất lớn của ông A Blếch. Nhờ có ông dạy đánh cồng chiêng miễn phí cho người trong làng và học sinh mà nền văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên không bị mai một. Đây là việc làm đáng khen và đáng khuyến khích, cần nhân rộng trên khắp các buôn làng khác”, ông Trần Đình Trung, Phòng VH-TT huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.