Hàng trăm hộ dân ở các xã biên giới thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đang bất lực trước nạn bọ đậu đen hoành hành.
Vào mùa mưa hàng năm, người dân các xã biên giới lại khổ sở đối phó với nạn bọ đậu đen. Cứ khoảng chập tối, từng đàn bọ đậu đen ùn ùn bay về như đàn ong vỡ tổ, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Loại bọ này bay theo từng đàn rồi rơi xuống các mái nhà của người dân. Tại đây, chúng chui và các khe nứt, kẽ hở của vách tường, bám vào quần áo, chăn màn, gầm giường... để trú ẩn.
Điều đáng nói, nếu bọ đậu đen đã trú ngụ ở nhà ai thì nhà đó năm nào cũng sẽ được tiếp “vị khách không mời mà đến”. Dù đã dùng nhiều biện pháp nhưng người dân vẫn bất lực với loại bọ này.
Ông Lê An Ninh (trú làng Tăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết, cứ vào mùa mưa, những con bọ đậu đen lại bay về reo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều hộ dân nơi đây. Những con bọ này trủ ẩn khắp nơi từ trần nhà, gầm gường, bám trên tường...
Theo ông Ninh, loại bọ đậu đen tuy không gây hại nhưng chúng tiết ra mùi hôi rất khó chịu, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
“Nhiều khi gia đình đang ăn uống, bọ đậu đen bám vào nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao”, ông Ninh cho biết.
Cũng ám ảnh với loại bọ này, ông Rơman Hyiu (trú làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết, chúng tiết ra mùi rất khó chịu, nhiều khi đang ngủ, bọ chui cả vào người khiến chúng tôi rất ám ảnh.
“Để tiêu diệt loại bọ này, nhiều gia đình sử dụng thuốc thuốc xịt muỗi cho chúng chết rồi quét đổ đi. Tuy nhiên, chúng quá nhiều, không thể tiêu diệt hết được”, ông Hyiu chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình ông Rơ Châm Lin (làng Mít Jép, xã Ia O, huyện Ia Grai) cũng đang vật lộn với bọ đậu đen. Cứ vào buổi tối, bọ đậu đen bay về như ong vỡ tổ, bò khắp nhà, thậm chí chui cả vào trong giường ngủ. Sáng dậy, nhiều khi ông Lin quét được cả xô bọ đậu đen.
“Khổ nhất là lúc đang ăn cơm, chúng bay vào vào là khỏi ăn. Loại bọ này tiết ra nước dãi có mùi hôi và cay nên rất khó chịu, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ”.
Theo tìm hiểu, không riêng xã Ia O, bọ đậu đen cũng đang “oanh tạc” nhiều nhà người dân tại xã Ia Chía, Ia Khai…
Để ứng phó, các gia đình nơi đây đều tiến hành phun thuốc diệt côn trùng nhằm ngăn chặn bọ đậu đen vào trú ẩn. Dù phương pháp này không tiêu diệt tận gốc nhưng cũng phần nào hạn chế sự lây lan của loại bọ này.
Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch xã Ia O cho biết, tình trạng bọ đậu đen “định cư” tại nhà người dân đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp diệt trừ triệt để.
Theo ông Nghiệp, trước đó loại bọ này trú ẩn ở các khu rừng cao su, sau khi đơn vị quản lý thực hiện bón phân vi sinh thì chúng bay đi rồi “tập kết” vào nhà người dân.
“Từ trước đến nay, chúng tôi chưa nghe loại bọ này cắn người dân, nhưng khi giẫm phải sẽ bị bầm tím chân. Loại bọ này có mùi hắc rất khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Hiện người dân thường dùng thuốc xít muỗi để chống chọi với loại bọ đậu đen. Cách này cũng hiệu quả nhưng không diệt được tận gốc vì sau đó những con bọ khác lại bay về”, ông Nghiệp nói và cho biết hầu hết 9 thôn làng trong xã Ia O đều bị bọ đậu đen “oanh tạc”.
Cũng theo ông Nghiệp, nhiều năm trước, Viện Nghiên cứu côn trùng dưới Quy Nhơn đã đến thực hiện các cuộc thí nghiệm để tìm ra phương pháp diệt trừ loài bọ này nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Mới đây, khi tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội của tỉnh Gia Lai, xã Ia O cũng đã đề xuất làm sao nghiên cứu được loại thuốc để có thể diệt tận gốc bọ đậu đen.
Ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai cho biết, loại bọ đậu đen đã xuất hiện trên địa bàn các xã Ia O, Ia Chía của huyện Ia Grai trong nhiều năm qua.
Theo tìm hiểu được biết, loại bọ này chưa gây ra tác hại về sức khỏe cho người dân. Mặc dù vậy, Phòng NN-PTNT nhiều lần cùng các cơ quan liên ngành xuống thực hiện phun hóa chất giúp người dân vệ sinh nhà cửa, ngăn chặn bọ đậu đen trú ẩn.
“Hiện nay, có 2 cách để tiêu diệt loại bọ đậu đen: Quét rồi gom lại đổ đi và dùng hóa chất phun. Người dân cũng có thể dùng lưới chắn để bọ đậu đen không thể bay vào nhà”, ông Hưng chia sẻ.