| Hotline: 0983.970.780

Bỏ tiền túi "giải hạn" cho dân

Thứ Tư 06/10/2010 , 10:39 (GMT+7)

Anh Dũng tự bỏ tiền túi 2 tỷ đồng giúp giải cơn khát bao đời nay của người dân vũng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu.

Anh Ngô Quang Dũng nói về dự án lọc RO của mình

Ở vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhắc đến anh Ngô Quang Dũng thì nhiều người biết. Từ một kỹ sư điện, sau 40 năm xa xứ, nay anh trở về quê hương đánh liều bỏ tiền túi ra gần 2 tỷ đồng làm dự án biến nước biển thành nước ngọt. Anh được coi là người cứu tinh giúp không ít bà con nơi đây thoát khỏi cơn khát bao đời nay.

Từ thị trấn Cầu Giát, xuôi tỉnh lộ 537A khoảng 12 km, chúng tôi có mặt tại xã vùng biển Quỳnh Nghĩa. Dọc 2 bên đường, hình ảnh những diêm dân vẫn cần mẫn tranh chấp với trời để cất lên những hạt muối trắng ngần. Có lẽ, cái khó, cái khổ đã ngấm vào da thịt sạm đỏ những diêm dân đã bao đời phải trằn mình trong nắng. Hỏi đến người biến nước biển thành nước ngọt ở Quỳnh Nghĩa, lão diêm dân đứng gần quệt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt hốc hác niềm nở chỉ dẫn đường vào: "Từ đầu làng đi một đoạn nữa khoảng 500 mét, rẽ trái là đến nhà Ngô Quang Dũng".

Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông năm nay đã 55 tuổi có nước da ngăm đen trông như một diêm dân thực thụ.  Anh Dũng tâm sự: “Mình sinh ra trong một gia đình diêm dân đông anh em. Là con cả nên tuổi thơ tôi đã sớm nếm cảnh lam lũ trên những nại muối giữa cái nắng trưa đổ lửa. Sáng sớm phải mò mẫm đi chắt lọc từng quang gánh nước ngọt về để vo gạo, thổi cơm. Ở vùng quê ven biển nên mỗi giọt nước ngọt có lúc quý hơn cả vàng. Hình ảnh quang gánh ấy với sự mặn xót của muối biển đã đeo bám tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ”.

Nhắc lại tuổi thơ lam lũ trên đồng muối giúp cha mẹ, Ngô Quang Dũng chẳng thể quên những ngày tháng mà chính anh đã nếm trải vị mặn chát của nó. Cái khó, cái nghèo đã ám ảnh vào tận trong giấc mơ anh. Ngô Quang Dũng cứ tự hứa với lòng mình sau này cố gắng học hành để về “cắt” cơn khát bao đời ở vùng quê nghèo khó của mình. Và, bước đầu anh đã làm được điều đó cho một vùng quê biển nghèo.

Sau bao năm lập nghiệp ở Sài Gòn, đi đây đi đó học hỏi, nay trở về quê hương, vẫn hình ảnh đồng muối trắng ngần, vẫn chiếc xe đẩy cút kít ấy. Ký ức khổ cực trong anh cứ hiện về mồn một trong lòng đến rạo rực. Nghĩ là làm. Anh đem cả số tiền góp được lâu nay để về giúp đỡ cho quê mình bớt cực khổ. Năm 2008, Ngô Quang Dũng đã đem hệ thống máy lọc RO (REVERSE OSMOSIS) với giá trị thiết bị lắp ráp hơn 2 tỷ đồng nhằm lấy nước biển chắt lọc thành muối và nước ngọt tinh khiết, giúp người dân Quỳnh Nghĩa thoát khỏi cơn khát bao đời nay. Đây là công nghệ lọc thẩm thấu ngược lấy nguồn vào từ chính nước biển để thẩm thấu cho ra nước ngọt dùng trong sinh hoạt.

Vốn là kỹ sư điện nên Ngô Quang Dũng đã sớm mày mò, tìm hiểu qua công nghệ lọc RO rất thành thục. Từ khâu tìm hiểu tài liệu dịch thuật trên các website đến việc công đoạn lắp ráp, anh đã tốn không ít thời gian mày mò. Anh tâm sự: “Mình được học hành đến nơi đến chốn nên với công nghệ hiện đại thì chẳng lấy gì làm xa lạ. Đi nhiều nơi, đọc nhiều sách nên đã tự mình ngày đêm nghiên cứu, tìm hiểu dây chuyền hoạt động của cỗ máy tiền tỷ này để nhập về lắp ráp rồi chế thêm cả công nghệ biến một phần nước biển sau khi lọc thành muối”.

Anh Dũng nhớ lại: "Mới đầu bà con thấy mình có thể lọc nước biển thành nước ngọt ai cũng không tin. Rồi cả cái chuyện sản xuất muối không qua công đoạn lọc cát thủ công, họ cứ cho là mình khùng". Nhưng rồi, anh cũng chứng minh cho bà con ở đây biết cái sự khùng của mình lại giải quyết được cả một khối công việc mệt nhọc trước kia. Miệng nói, tay chỉ, chân đi, anh dẫn chúng tôi ra trên cánh đồng muối phía trước để chứng mình rằng: với công nghệ hiện đại như vậy, công đoạn làm muối hiện đại đã giảm đi 70 – 80% sức lao động; năng suất lại gấp đôi so với công đoạn cất lọc muối thủ công trước kia, chất lượng muối sạch hơn vì nước mặn đã đuợc qua xử lý công nghệ RO.

Hỏi tại sao anh không dành số tiền lớn như vậy để tìm nơi sung túc an dưỡng lúc tuổi già? Anh Dũng cười hề hà đáp lại: “Mình vốn là diêm dân mà”. Chia tay Ngô Quang Dũng trong khi đã xế chiều nhưng cái nắng mùa này vẫn cố vươn mình chiếu rộng khắp dưới những thửa muối bà con ở đây đang hổi hả thu hoạch sau một ngày lao động. Nhìn những hạt muối lắp lánh bên cánh đồng thử nghiệm của anh Dũng, ai cũng phải trầm trồ.
Anh Dũng khẳng định, công nghệ RO loại bỏ 99,9% vi khuẩn, an toàn tuyệt đối khi uống mà không cần công đoạn nào khác giống như nước đã đun sôi. Thậm chí nước qua công nghệ lọc như vậy có thể đóng chai bán cạnh tranh so với các loại nước có trên thị trường. Nói về những ngày đầu đưa cỗ máy “lạ hoắc” về để làm ra muối biển và nước ngọt, anh Dũng thở phào: “Cực lắm các anh ạ. Vừa vận động được vợ con đồng ý đem số tiền lớn về xây dựng dự án này cho quê hương đã gian nan. Nay, đưa máy về xin bà con mượn mặt bằng để thử nghiệm lại càng vất vả hơn bao giờ hết. Bao đời nay, bà con đã quen với quy trình làm muối cũ trên nền phơi muối bằng vôi, nay tôi san lấp mặt bằng làm ô thửa trên nền xi măng, ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng đó là xi măng chịu mặn, độ hấp thụ nhiêt cao hơn".

Theo anh Dũng: "Và rồi, cả cái chuyện cho ra hàng trăm mét khối nước tinh khiết mỗi ngày họ cũng cho mình là nhảm nhí. Mãi sau đó, khi có đoàn chuyên gia môi trường về cầm cốc nước ấy uống từng ngụm ngon lành, người dân chứng kiến mới vỡ oà ra. Thế là nay họ cứ coi tôi như một vị giải hạn cho cả một vùng khô khát”. Nhìn những ô muối trắng tinh dưới cái nắng gắt gỏng, những vòi nước ngọt được chắt lọc cẩn thận trên dây chuyền hiện đại, ai cũng phải tấm tắc khen.

Dù đây là mô hình thí điểm đầu tiên nhưng bước đầu nó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nơi đây đang trong thời kỳ đại hạn. Là mô hình do cá nhân tự bỏ tiền túi ra đầu tư nên chỉ phục vụ ở một cụm dân cư nhỏ lẻ, nếu được đầu tư dự án sử dụng công nghệ lọc RO này sẽ mang hiệu lại hiệu quả thiết thực cho bà con vùng biển trong nay mai.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm