| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc - Nhà tri thức dấn thân

Thứ Tư 31/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Thời gian trực tiếp phụ trách Bộ Canh nông không lâu nhưng Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc đã có nhiều hoạt động sắp xếp và điều chỉnh lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ.

Người hiến vàng cho Chính phủ

Tháng 1 năm 1946, Huỳnh Thiện Lộc được chọn vào phái đoàn do cụ Tôn Đức Thắng dẫn đầu gồm nhiều đại biểu Quốc hội và cán bộ cách mạng áp tải vàng nhận được trong Tuần lễ vàng của Nam Bộ đem ra Chính phủ Trung ương. Riêng Huỳnh Thiện Lộc đã ủng hộ Chính phủ một lượng vàng rất lớn.

12-03-00_huynh-thien-loc-1946
Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc tháp tùng Hồ Chủ tịch thăm Việt kiều tại Pháp (1946)

Đến Hà Nội sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, Huỳnh Thiện Lộc được cử làm Bộ trưởng Bộ Canh nông. Ông tiếp tục công việc của hai vị Bộ trưởng tiền nhiệm là Cù Huy Cận và Bồ Xuân Luật. Ít lâu sau, Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc tham gia phái đoàn đi dự Hội nghị Fontainebleau sang Pháp đàm phán. Công việc điều hành Bộ Canh nông ở nhà, ông ủy nhiệm lại cho Thứ trưởng Bộ Xuân Luật. Cuối tháng 9/1946, trở về Việt Nam, ông tiếp tục điều hành công việc của Bộ Canh nông cho đến khi Chính phủ Kháng chiến thành lập (11/1946) Huỳnh Thiện Lộc chuyển giao chức vụ cho Bộ trưởng mới cũng là người Nam Bộ: ông Ngô Tấn Nhơn.

Thời gian trực tiếp phụ trách Bộ Canh nông không lâu nhưng Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc đã có nhiều hoạt động sắp xếp và điều chỉnh lại các cơ quan chuyên môn, trong đó có Nha Lâm chính (nay là Tổng cục Lâm nghiệp).

Ngày 11/3/1946, Bộ trưởng Canh nông Bồ Xuân Luật ký Nghị định số 81/NĐ tổ chức Nha Lâm chính. Đến ngày 24/7/1946, trong lúc Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc theo phái đoàn Chính phủ sang đàm phán tại Pháp, sau khi thảo luận thống nhất, Thứ trưởng Bồ Xuân Luật đã ký Nghị định số 288/NĐ thiết lập tại bộ Canh nông một Ủy ban nghiên cứu Lâm chính.

Ngày 28/10/1946, Bộ trưởng Canh nông Huỳnh Thiện Lộc đã ký Nghị định số 508/NĐ về tổ chức và hoạt động của Nha Lâm chính. Cụ thể, Nha Lâm chính sẽ tổ chức lại như sau: Nha Lâm chính là một cơ quan thuộc bộ Canh nông có nhiệm vụ: Quản lý lâm phận; Thi hành lâm pháp; Thi hành thể lệ săn bắn.

Để quản lý lâm phận, nha Lâm chính đảm nhận các công việc sau này: Bảo vệ lâm phận; Tu dưỡng lâm phận; Gây rừng; Điều khiển việc khai thác lâm sản; Tham gia vào việc tổ chức nền lâm học, và đào tạo nhân viên.

Nha Tổng Giám đốc Lâm chính là cơ quan điều khiển và kiểm soát tất cả công việc thuộc phạm vi Lâm chính trong toàn cõi nước Việt Nam. Đứng đầu Nha Lâm chính là Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc đặt dưới quyền trực tiếp của Bộ trưởng bộ Canh nông. Tổng Giám đốc có thể ủy nhiệm cho Phó Giám đốc một phần quyền hạn và trách nhiệm của mình. Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, Phó Giám đốc sẽ tạm thay trong mọi công việc.

Điều khiển nha Tổng Giám đốc sẽ có một Hội đồng quản trị do Tổng Giám đốc chủ tọa, gồm có tính cách tư vấn về mọi vấn đề và có quyền quyết nghị trong những trường hợp sẽ định sau. Tại nha Tổng Giám đốc có 5 ty: Ty Hành chính; Ty khai thác và Thống kê; Ty Công tác; Ty Pháp chế và Tố tụng và Ty Tài chính.
 

Nhà tri thức dấn thân

Ngày 17/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 172, cử ông Huỳnh Thiện Lộc làm Giám đốc nhà máy phốt phát của Bộ Canh nông tại Nghệ An. Trước đó, ngày 14/4/1948, Chính phủ đã ra Sắc lệnh 171/SL đặt nhà máy phốt phát của Bộ Canh nông tại Nghệ An dưới chế độ Doanh nghiệp Quốc gia có tính cách công sở đặc biệt,

Sau đó ít lâu, ông cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác trở về Nam làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ. Trong phong trào hiến điền từ năm 1950, ông đi khắp miền Tây Nam Bộ vận động điền chủ hưởng ứng. Do uy tín của ông, hàng vạn nông dân có ruộng đất, đời sống được cải thiện.

Năm 1952, trong lúc đang hăng hái công tác, ông ngã bệnh. Trung ương Cục, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ và Hội Liên Việt Nam Bộ cử các y bác sĩ tận tình chăm sóc điều trị tại nhà riêng ở Rạch Giá.

Ông Ung Văn Khiêm, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách công tác Mặt trận Nam Bộ, kể lại, lúc biết bệnh tình không thể qua được, ông Huỳnh Thiện Lộc bảo người nhà đi mời cho được anh Ba Khiêm đến để ông gặp mặt.

Đêm hôm ấy đang dông mưa, nhưng ông Khiêm vẫn vội vã ra đi. Khi bước vào nhà cũng là lúc ông Huỳnh Thiện Lộc vừa trải qua một cơn đau vật vã, đang còn mệt, nằm thiêm thiếp lặng yên. Ông Khiêm gọi khẽ: “Anh Lộc, tôi đến thăm Anh đây, mong Anh được khỏe, sớm bình phục”.

Nghe tiếng ông Khiêm gọi, ông Lộc từ từ mở mắt. Ông chậm rã nói rõ từng lời: “Anh Ba, con đường tôi chọn lựa là nguyện đi theo đến cùng với cách mạng. Tôi đã làm như vậy. Nhưng chẳng may bệnh tình quá nặng, có thể không vượt qua… Nếu điều đó xảy ra, trước khi vĩnh biệt các anh, vĩnh biệt cách mạng,…”.

Có một điều ước nguyện mà Huỳnh Thiện Lộc quyết đạt cho được, đó là được đứng trong hàng ngũ Đảng, được trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam…

Thể theo nguyện vọng của nhà trí thức – đại điền chủ, ông Ung Văn Khiêm đã đặc cách kết nạp ông Huỳnh Thiện Lộc vào Đảng Lao động Việt Nam. Chiều hôm sau, cơ quan Hội Liên Việt Nam Bộ nhận được tin báo ông Huỳnh Thiện Lộc qua đời.

Kể lại giây phút cuối đời của ông Huỳnh Thiện Lộc, ông Ung Văn Khiêm đánh giá: “Thái độ dấn thân của nhân sĩ trí thức trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ là như thế!”.

Bộ trưởng được đặt tên đường

Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc (1910 – 1953) sinh tại Rạch Giá, trong một đại điền chủ của Tây Nam Bộ. Ông sang Pháp học và đậu kỹ sư canh nông. Có bằng kỹ sư, ông về Sài Gòn kinh doanh riêng. Ngoài 20.00 ha ruộng đất, ông có nhiều cơ sở xay lúa. Ông được chính quyền thực dân chọn làm Ủy viên Kinh tế Lý tài Đông Dương thuộc loại trẻ nhất.

Ông tham gia vận động thành lập Thanh niên Tiền phong tại Giồng Riềng, Rạch Giá để chuẩn bị giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Tên của Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc đã được đặt cho một con đường tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Messi và Ronaldo vắng tên trong đội hình hay nhất năm của thế giới

2 ngôi sao nổi tiếng không có tên trong danh sách đội hình hay nhất năm 2024 của bóng đá thế giới.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.