Qua những dịp đến thăm cảng cá dọc theo chiều dài 3.260km bờ biển đất nước, cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về tài nguyên biển mà ông cha, bằng cả mồ hôi, bằng cả máu và nước mắt, đã giữ gìn và gửi trao cho thế hệ hôm nay.
Đến với từng cảng cả, để từng bước hình dung về mục tiêu trở thành “Quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” sẽ như thế nào, việc gì cần làm và phải làm. Đến với từng cảng cá, để hiểu hơn về những con người bao đời gắn bó với biển khơi, với vùng ven bờ. Đến với từng cảng cá, để cảm nhận thêm, gió đang thổi vào từ biển, ngọn gió mát lành, lồng lộng cũng có, mà những ngọn gió cuồn cuộn như thét gào cũng có.
Mỗi lần thăm hỏi bà con ngư dân, trao đổi với đại diện quản lý bến cảng, chia sẻ đôi điều với lực lượng kiểm ngư, với các đơn vị phụ trách ngành thuỷ sản địa phương,… lại gợi lên bao cảm nhận, ngẫm nghĩ. Những con tàu cập bến sau chuyến ra khơi với những luồng lạch bị bồi lắng hàng năm.
Những con người hối hả khuân vác, phân loại cá, tôm, mực,… để chút nữa thôi sẽ lại lên xe toả ra đến chợ, siêu thị, nhà hàng,...
Mùi thuỷ sản hoà quyện với mùi mặn của biển, mùi mặn của những giọt mồ hôi. Ngày này rồi ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này đến năm khác vẫn vậy. Mỗi người, mỗi nghề, mỗi thân phận, mỗi chức phận. “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Đứng trên bờ, nhìn những con tàu nhiều màu sắc, màu nhạt màu phai vì dạn dày nắng gió, cảm nhận được “biển mênh mông nhường nào”, mà nghĩ về đồng bào, đồng nghiệp ngày đêm sinh sống và làm việc ngoài biển khơi. Đó là những ngư dân trên những con tàu rong ruổi theo luồng cá tôm, những người xem biển vừa là nghề vừa là nghiệp. Đó là những cán bộ kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp trên biển, tham gia giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Đó là những cán bộ quản lý cảng có nhiệm vụ tiễn những con tàu xuất bến và đón trở về đúng quy định pháp luật. Đó là lực lượng cán bộ ngồi bên màn hình dõi theo hành trình di chuyển của từng con tàu như đồng hành với từng con tàu, từng số phận.
Mỗi con tàu ra khơi đều được cấp “số hiệu” để quản lý, nhưng có ai sâu sát từng “số phận” những người trên con tàu ấy không? Mỗi chuyến tàu cập bến có thể “cân đong” được lượng thuỷ sản trong khoang tàu, nhưng có ai “cân đo” được gia cảnh từng ngư dân? Mỗi bến cảng có thể đầu tư “nâng cấp”, ứng dụng công nghệ quản trị, nhưng làm sao để “nâng cấp” cuộc đời những con người suốt đời gắn bó với bến cảng, với biển khơi? Muốn thấu cảm con người, không thể đứng trên, đứng ngoài, mà hãy luôn kề cạnh, hoà mình vào những hoàn cảnh, chuyện đời theo sóng biển lênh đênh.
“Con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển” không phải là khẩu hiệu, mà là tư duy, là quan điểm tiếp cận xuyên suốt. Chiến lược “Tam ngư: ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường” để hướng tới mục tiêu Quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm, với vai trò chủ thể. Dù là khai thác, nuôi trồng hay bảo tồn biển, thì ngư dân luôn là những người tham gia đông đảo nhất. Con người luôn có cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng từ tác động của ngoại cảnh: thời tiết, giông bão, điều kiện xã hội,…
Tuyên truyền pháp luật cần hướng đến việc nâng cao nhận thức chấp hành một cách tự nguyện, tự giác, thay cho những hành vi tránh né, đối phó. Hãy trò chuyện, lắng nghe, hãy kể cho bà con nghe những điều thiết thực, hãy kiên nhẫn bên cạnh bà con từ những sự thay đổi nhỏ nhất.
Chuyện kể rằng, huyền tích năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ xuống biển mọi người dân Việt ngàn năm qua đều còn lắng đọng trong tâm thức. Chuyện kể rằng, ngày xưa biển còn trù phú lắm, mỗi chuyến tàu trở về đều tôm cá đầy khoang. Chuyện kể rằng, sản vật dưới biển giờ đã suy giảm nhiều lắm rồi, tất cả cũng do con người vắt kiệt biển bằng chất nổ, hoá chất độc hại, lưới ma và nhiều cách tận diệt khác. Chuyện kể rằng, biển mạnh mẽ lắm, nhưng cũng dễ tổn thương lắm, nếu không cùng nhau nâng niu biển, tôn trọng biển, thì tương lai sẽ không còn lại gì trao lại cho thế hệ mai sau.
Mỗi bến cảng không chỉ là nơi quản lý với những quy định kèm theo những câu bắt đầu bằng chữ “cấm”. Mỗi bến cảng cần tạo không gian để những chủ tàu, ngư dân, những người làm dịch vụ quây quần, gặp nhau sau mỗi chuyến trở về. Gặp nhau để cùng kể và cùng nghe những câu chuyện về biển khơi ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai.
Chúng ta chưa mơ đến mỗi bến cảng sẽ có những câu lạc bộ thuỷ thủ hoành tráng, đầy đủ tiện nghi, nhưng chúng ta sẽ sớm có những không gian dành cho những người đi biển, gắn bó với biển. Đó là không gian cung cấp kiến thức về giá trị trường tồn của biển. Đó là không gian tổ chức huấn luyện kỹ năng nghề cá, kỹ năng sinh tồn khi biển giận dữ. Đó không gian đầy ắp tình người với tình người, không phân chia thứ bậc, khoảng cách giữa người quản lý và đối tượng quản lý. Đó là không gian hướng đến cơ chế “Cộng đồng đồng quản lý”, để mỗi thành viên sống và làm nghề có trách nhiệm với biển.
Cùng một chiếc áo, cùng một bộ đồng phục, cũng không thể tất cả đều giống nhau. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Khi thấu hiểu và đồng cảm từng người, từng nhà, tính thuyết phục sẽ cao, sẽ đi vào lòng người. Con người đâu chỉ cần cơm ngon, áo đẹp, mà cần được tôn trọng. Trong xã hội, không có nghề nào chễm chệ ở tầng trên, không có nghề nào lặng lẽ ở tầng thấp. Nghề nào cũng hữu ích, cũng đóng góp cho xã hội. Với bao gian lao, hiểm nguy, nghề đi biển vừa bảo đảm sinh tồn giữa muôn trùng sóng dữ, tìm kế sinh nhai, cải thiện cuộc sống, vừa góp phần khẳng định chủ quyền đất nước. Lãnh đạo, quản lý đâu thể chỉ bằng công cụ pháp luật, mà cần lắm tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Theo dòng lịch sử, người Việt mình đã từng chinh phục biển bằng cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn” để biến những đầm lầy hoang vắng, những vùng đất khô cằn ven biển thành những làng quê trù phú. Biển là di sản văn hoá với những điệu hát đúm, hò biển, hát đám cưới trên thuyền và những khúc dân ca trải dài theo chiều dài bờ biển đất nước. Biển đã đi vào đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt với những lễ hội cầu ngư, với tục thờ cúng cá Ông, với những vị thần từ biển khơi hiện diện trong tín ngưỡng của những cộng đồng cư dân ven biển.
Giờ đây, những ngôi làng của những cộng đồng cư dân ấy đang mất dần, nhường chỗ cho những đại công trình công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Đó cũng là quy luật của các quốc gia trên tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghề đi biển là truyền thống lịch sử rồi sẽ về đâu? Người đi biển, gắn bó với biển như máu như thịt, rồi sẽ đi đâu? Hay sẽ như những đàn cá di trú theo mùa? Hay như “Chừng nào chim nọ lìa cành. Cá kia lìa biển anh đành lìa quê”?
Ngoài kia, gió biển đang thổi, khi êm đềm, khi cuồn cuộn. Biển có những điều trông thấy được, và còn bao điều lẩn khuất chỉ cảm nhận bằng tâm thức, bằng tình yêu biển. Biển cũng dạt dào cảm xúc như vần thơ khắc khoải: “Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió!”. Biển có tâm hồn, có tấm lòng sâu thẳm bao dung. Hãy nhìn vào hình ảnh “đôi mắt” nơi mũi tàu, sẽ thấy hồn biển, hồn người. “Đôi mắt” của biển cả soi đường, che chở cho ngư dân. “Đôi mắt” nhấp nhô trên sóng như hướng về đất liền, về bến cảng - nơi những đôi mắt thân yêu đang mong chờ. “Đôi mắt” chưa bao giờ ngơi nghỉ, đôi mắt rắn rỏi của bao thế hệ ngư dân bao đời bám biển vươn khơi.
Có những vần thơ đi vào hồn người: “Ơi hạt muối mang cho đời vị mặn. Tự bao giờ biển đã biết thương ta”. Biển đã biết thương ta, nhưng làm thế nào ta vẫn mãi giữ trọn tình thương với biển?