| Hotline: 0983.970.780

‘Bỏ túi' 500 triệu đồng/năm từ cà phê đặc sản

Thứ Hai 11/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

SƠN LA Anh Danh, một trong những người tiên phong trồng cà phê tại bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, đang dần khẳng định hướng đi cho bản thân và bà con trong bản..

Kiên trì với cây cà phê

Hộ gia đình anh Danh đang khuyến khích bà con tham gia HTX để trồng cây cà phê đặc sản. Ảnh: Đức Bình.

Hộ gia đình anh Danh đang khuyến khích bà con tham gia HTX để trồng cây cà phê đặc sản. Ảnh: Đức Bình.

Thành phố Sơn La là một trong những nơi đầu tiên tại tỉnh trồng phủ rộng cà phê, giống cà phê Catimor, nhập từ những năm 1993, đã sớm trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đất này nhờ khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt, giúp nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nơi đây.

Trước đây, bà con ở xung quanh các bản chủ yếu trồng lúa, ngô - những cây lương thực truyền thống nhưng không mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi cơ cấu cây trồng của Nhà nước, phần lớn người dân đã chuyển sang trồng cà phê, loại cây phù hợp với địa hình núi dốc, độ cao 1.500m so với mực nước biển, sở hữu nhiều vùng tiểu khí hậu, nhiệt độ chênh nhau lớn giữa ngày và đêm, thời tiết lý tưởng để trồng và phát triển cà phê chất lượng cao.

Anh Cà Văn Danh, nông dân trong bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã quyết định sử dụng 2ha đất để trồng cà phê vào những năm 2000. Mặc dù ban đầu giá cả bất ổn, nhưng nhờ cà phê có năng suất vượt trội, gia đình anh vẫn thu được lợi nhuận ổn định. "Năm 2005, cà phê quả tươi được thươn lái thu mua mức giá 10.000 đồng/kg, cũng quá ổn so với việc trồng lúa hay ngô," anh Danh chia sẻ.

Đến giai đoạn 2010 - 2012 là "thời điểm vàng", mức giá thu mua cà phê quả tươi lúc cao nhất đạt 40.000 - 45.000 đồng/kg, với những gia đình đã có sự chuyển đổi từ sớm, đây là mức lợi nhuận rất cao, giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất.

Người đàn ông luôn đau đáu tìm hướng phát triển cho cây cà phê. Ảnh: Đức Bình.

Người đàn ông luôn đau đáu tìm hướng phát triển cho cây cà phê. Ảnh: Đức Bình.

Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi, đến năm 2013, giá cà phê tụt xuống chỉ còn 30.000 đồng/1kg do xuất hiện nhiều nguồn cung từ các quốc gia sản xuất lớn, bên cạnh đó, nhu cầu từ các thị trường cũng giảm dần, ảnh hưởng tới giá trị cà phê tại Việt Nam. Nhiều hộ gia đình quyết định chuyển hướng trồng cây ăn quả, chủ yếu là mận tam hoa, bởi khoảng thời gian đó rất thịnh loại quả này. Anh buộc phải chạy theo xu hướng, chủ đích để kiếm thêm thu nhập qua quãng thời gian khó khăn. Nhưng, anh không chuyển đổi hoàn toàn mà chỉ trồng xen canh thêm.

Sau cùng, anh Danh phải thừa nhận một điều: "Chất lượng cà phê hay mận thời đó không ngon vì trồng xen, không giữ được chất lượng mà mình muốn”.

6 năm với kiểu trồng "ăn xổi" không đem lại giá trị kinh tế ổn định, người đàn ông mang nhiều suy tư, quyết định tìm hướng đi lâu dài, qua những thông tin và bạn bè giới thiệu, anh nghiệm ra rằng, khách nước ngoài, đặc biệt là các thị trường khó tính, ưu tiên chất lượng hơn số lượng, và cà phê đặc sản chính là hướng đi đúng đắn. Anh đã từ bỏ cây ăn quả để tập trung vào việc chăm sóc cà phê đặc sản với giống Catimor, lập kế hoạch chi tiết từ lúc chọn giống đến chăm bón.

Tỉ mỉ từng bước một

Anh lựa chọn phương pháp trồng cà phê theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học mà thay vào đó là phân chuồng và phân hữu cơ, giúp đất tơi xốp, giữ độ ẩm tốt, từ đó cây cà phê cho quả ngon hơn. Trong khu vực này, cây cà phê có thể phát triển tự nhiên, không tưới nhiều nước, vì sau mùa mưa, đất vẫn giữ đủ ẩm cho cây.

2 năm là khoảng thời gian anh kiên trì để chăm sóc cẩn thận lại từ đầu, dù nhiều cây đã già và đất cũng không còn phì nhiêu như trước nhưng anh không can thiệp bất kỳ hợp chất nào để tránh ảnh hưởng đến hệ vi sinh đất. Đối với anh, làm cà phê đặc sản đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng bước, từ việc chọn giống đến kiểm tra quá trình cây sinh trưởng từng ngày. Vốn là giống ít sâu, bệnh, anh tập trung chủ yếu để ngăn ngừa bệnh vàng lá và rệp sáp, phun thuốc phòng bệnh theo đúng hướng dẫn, nhưng cũng rất hạn chế.

Mùa thu hoạch cà phê tại bản Phiêng Tam bắt đầu từ tháng 10. Sau khi thu hoạch, cây cà phê được phục hồi bằng cách bón phân và tỉa cành để dưỡng sức cho mùa tiếp theo. Trong vườn cà phê của anh Tuấn, hệ thống mương thoát nước được xã đầu tư giúp ngăn tình trạng ngập úng.

Trên mỗi thùng phi ủ cà phê lên men đều được ghi rõ thông tin ngày, tháng để dễ nắm bắt. Ảnh: Đức Bình.

Trên mỗi thùng phi ủ cà phê lên men đều được ghi rõ thông tin ngày, tháng để dễ nắm bắt. Ảnh: Đức Bình.

Đối với cà phê đặc sản, từng quả cà phê phải chín đỏ đều mới đạt tiêu chuẩn. Nếu quả xanh hoặc bị thán thư sẽ chỉ được xếp vào loại cà phê thương mại. Sau khi thu hoạch, anh phân chia quả cà phê thành hai loại: chín đỏ và loại còn lại, bắt đầu quá trình ủ lên men. Anh sử dụng phương pháp chế biến được gọi là honey - mật ong, quả lên men trong thùng phi kín để hạn chế các tác nhân ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài; thường sẽ được ủ trong vòng 4 ngày, bóc thử một quả và sử dụng máy đo độ đường đạt 20% là đáp ứng yêu cầu.

Tiếp đến, quy trình phơi khô được anh Danh đầu tư kỹ lưỡng. Anh xây dựng một nhà màng rộng 500m² với kinh phí hơn 200 triệu đồng, nhiệt độ bên trong sẽ cao hơn bên ngoài, nhờ vậy sẽ tạo hương vị thơm cho hạt cà phê. Giàn lười sắt có 2 tầng, sau khi được mang vào, rải đều lên tầng trên, xong lại gom để xuống tầng dưới, cứ 2 ngày đổi chỗ 1 lần, đạt độ ẩm 13% trước khi đóng bao lưu kho.

Áp dụng khoa học kỹ thuật để xuất khẩu

Nhà màng giúp sấy khô cà phê, bất kể thời tiết bên ngoài ra sao cũng không bị ảnh hưởng. Ảnh: Đức Bình.

Nhà màng giúp sấy khô cà phê, bất kể thời tiết bên ngoài ra sao cũng không bị ảnh hưởng. Ảnh: Đức Bình.

Để đảm bảo đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, anh Danh tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng. "Cà phê đặc sản không được dính đất hay có dấu hiệu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", anh nhấn mạnh. Để giám sát quá trình trồng và chăm sóc, anh bắt đầu duy trì sổ nhật ký canh tác, ghi lại từng ngày chăm sóc cây cà phê. Các vị khách đến từ Đức qua thăm, rất ấn tượng với phương pháp trồng hữu cơ của anh và đưa ra góp ý về việc chuyển đổi sổ tay sang nhật ký điện tử, để giúp khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt được quy trình trồng.

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, giá cà phê quả tươi bán xô của anh Danh dao động từ 65.000 - 80.000 đồng/1kg, còn cà phê đặc sản, tuyển chọn quả chín đồng đều, dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/1kg. Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận anh thu được đạt 500 triệu đồng. Đây là thành quả của cả một quá trình nỗ lực, từ việc chọn giống đến việc chăm bón, thu hoạch và chế biến. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mô hình trồng cà phê của anh Danh còn là nguồn cảm hứng để bà con trong bản hướng tới sản xuất cà phê chất lượng cao.

Anh Danh không ngừng tìm cách phát triển mô hình của mình, định hướng xây dựng hệ thống theo dõi online giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra chất lượng, đến việc đầu tư vào công nghệ phơi khô tiên tiến. “Thời gian tới, mình sẽ tận dụng tối đa công nghệ để phát triển hệ thống theo dõi hàng ngày”, anh cho biết.

Với sự tận tâm và niềm đam mê, anh Cà Văn Danh đang từng bước góp công sức và công cuộc xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.