Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vacxin phòng Covid-19 mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một là vacxin Moderna.
Theo đó, Việt Nam đang triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 Pfizer và Moderna.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu về việc tiêm mũi 2 vacxin phòng Covid-19 Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 là vacxin Moderna đủ thời gian nhưng chưa có loại này để tiêm mũi 2, đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Văn bản cũng nêu rõ, sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận việc tiêm mũi thứ 2 bằng vacxin phòng Covid-19 Pfizer cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 vacxin Moderna, Sở y tế cần hướng dẫn cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách người được tiêm.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần thông tin đầy đủ cho người dân trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, an toàn của vacxin để tạo sự đồng thuận cao.
Theo Bộ Y tế thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vacxin phòng Covid-19 nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vacxin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất.
Căn cứ theo loại vacxin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vacxin véc tơ virus với vacxin mRNA, hoặc tiêm 2 loại vacxin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...
Từ thực thế nhu cầu sử dụng vacxin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vacxin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo.
Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vacxin phòng Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vacxin khác để tiêm mũi 2.
Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 vacxin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vacxin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vacxin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vacxin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Cũng trong ngày 10/9, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Về khám lâm sàng trước tiêm chủng, tại Quyết định này Bộ Y tế quy định đo thân nhiệt cho tất cả những người đến tiêm; đo huyết áp đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi; đo mạch, đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở...
Đây là điểm thay đổi so với việc đo huyết áp cho tất cả những người đến tiêm như trong Quyết định 3802 trước đây.
Sau khi khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng; Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng; Chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì; Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa; Không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.
Đối tượng tiêm chủng được thăm khám nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và giấy cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm chủng trong 15 ngày.
Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử, bắt đầu từ ngày 3/8 đến nay. Hiện Việt Nam đã tiêm được tổng số 25.926.688 liều vacxin phòng Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 21.459.102 liều, tiêm mũi 2 là 4.467.586 liều.