| Hotline: 0983.970.780

“Bom tấn” BC 15

Thứ Hai 04/07/2011 , 11:45 (GMT+7)

Thời buổi cạnh tranh gay gắt như bây giờ, mỗi giống lúa bán được 500-1.000 tấn là niềm ao ước, thế mà chỉ 1 vụ, TSC đã bán vèo hết 4.000 tấn BC 15 lại còn không có mà bán,...

Nửa tháng trước, giám đốc một Cty giống đóng tại Thanh Hóa, gọi điện bảo tôi:

- Bạn gọi cho ông Báo Thái Bình giúp mình mấy tấn BC15 nhé. Giá mấy cũng được, tiền luôn, trong này “cháy” quá. Mình đã gọi ra Thái Bình mấy lần nhưng không lấy được hàng.

Cú điện của anh bạn làm tôi sững người. BC15, giống lúa thuần của Cty CP Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC) thì tôi không lạ. Cái lạ chỉ một giống lúa thuần sản xuất bao nhiêu chẳng được sao có chuyện đảo điên vì nó đến vậy.

Điều tò mò khiến tôi lập tức gọi cho ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc TSC. Ông Báo cười: “Sao không nói sớm. Vụ mùa này tớ đã chuẩn bị tới 4.000 tấn BC15 mà bán hết sạch rồi. Mấy hôm nay có đại lý quen trong Nghệ An gọi ra xin lấy có vài tạ giống cũng không có. Tiếc thật, bây giờ mà có vài ngàn tấn BC15 nữa cũng bán hết”.

Nghe ông Báo trả lời tôi không phải sững người nữa mà thực sự… choáng. Thời buổi cạnh tranh gay gắt như bây giờ, mỗi giống lúa bán được 500-1.000 tấn là niềm ao ước của vô số Cty, thế mà ông nói chỉ 1 vụ bán vèo hết 4.000 tấn BC 15 lại còn không có mà bán, ai muốn mua phải chồng tiền trước. Khiếp thật. BC 15 có lẽ là hiện tượng khác biệt chưa từng có trong ngành giống miền Bắc.

Đúng là đối thủ của lúa lai đã lộ diện. Một giống lúa hội đủ các yếu tố: năng suất cao, chống chịu tốt, thích ứng rộng, tương đối ngắn ngày, chất lượng gạo tốt thì chỉ có ở một số tổ hợp lai. Thế nhưng lúa thuần BC 15 cũng hội tụ tất cả hầu hết các yếu tố đó. Nói hầu hết vì nhiều nơi còn băn khoăn BC 15 nhiễm đạo ôn nếu gieo trồng vụ đông xuân. Với những ai đã trồng BC 15 thì nhược điểm đó dễ dàng khắc phục bằng điều chỉnh đôi chút trong bón phân và chế độ chăm sóc, hơn thế kể cả trường hợp nhiễm đạo ôn giống vẫn hồi phục tốt. Về năng suất, có lẽ ít giống lúa thuần hiện nay vượt ngưỡng trên 10 tấn/ha, ngoài BC 15 (vụ đông xuân 2008-2009 nông dân xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã thu hoạch BC15 với năng suất đạt 11 tấn/ha/vụ).

Về phổ thích ứng, cũng hiếm có một giống trồng được từ trung du miền núi phía Bắc, ĐBSH, suốt giải miền Trung – Tây Nguyên và hiện đang tiếp tục “Nam tiến”. Cụ thể vụ đông xuân 2010-2011, Cty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình hợp tác với Trung tâm Giống Nông nghiệp - Thuỷ sản cây trồng Bạc Liêu đã gieo cấy 66,5ha BC15 tại huyện Hồng Dân, năng suất trung bình đạt 75 tạ/ha, nhiều hơi đạt trên 80 tạ/ha, so với hầu hết các giống lúa trong vùng chỉ đạt 65 tạ/ha. Vụ sản xuất này, cán bộ kỹ thuật phát hiện một bông lúa BC15 dài 35cm, có số hạt trên bông tới 517 hạt, cao gấp 2-3 lần bông lúa bình thường. Sự kiện khiến Tổng giám đốc Trần Mạnh Báo thưởng nóng 5 triệu đồng cho người trồng ra bông lúa kỳ diệu đó là nông dân Trần Văn Nhàn ở tổ giống xóm Lung, ấp Ninh Điền, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

BC15 còn một ưu điểm quan trọng nữa là chất lượng. Vụ đông xuân này, giá lúa BC15 tại Thái Bình 10.000 đồng/kg, cao hơn giá Khang dân trên 3.000 đồng/kg. Năng suất cao, thóc thương phẩm được giá, người trồng lúa nhiều nơi chính thức bị BC15 mê hoặc.

Tiếp tục lộ diện đối thủ đáng gờm

Mỗi lần tiếp xúc Tổng giám đốc TSC Trần Mạnh Báo, cảm nhận đầu tiên đến với tôi ở ông sự tự tin vô bờ; cũng có thể, với những gì ông đang có, ông có quyền nghĩ sao làm vậy. Ông nói: Thái Bình đang có 5 giống lúa thuần: TBR1, TBR36, TBR45, BC15, ĐH18, đủ sức quyết định thay đổi canh tác nông nghiệp miền Bắc. BC15, rõ ràng đã quá nổi tiếng. TBR1 cũng vậy, một giống lúa chọn ra từ giống Q5, đặc điểm nông học gần giống Q5 nhưng ưu việt hơn. TBR36 ngắn ngày như Khang dân 18, chất lượng hơn, cũng là giống đang được nhiều người biết. Chỉ có TBR45 và ĐH8 vẫn là những ẩn số.

Ông Báo nói: Công ty đang hoàn tất mọi thủ tục để TBR45 được đặc cách là giống quốc gia. Trong đời làm giống của tôi, chưa thấy một giống nào ưu việt hơn nó, thậm chí ưu việt đến kỳ lạ. Đó là vừa năng suất cao (65-85 tạ/ha), thích ứng rộng từ vùng miền núi cao Chiêm Hóa – Tuyên Quang tới tận Bình Định đều cho kết quả tốt. Giống chịu rét rất tốt, chống chịu nhiều loại sâu bệnh nhất là đạo ôn, dạng hình cực kỳ đẹp, cây cứng, góc lá đòng hẹp, phải nói lá đòng đâm tua tủa, gạo lại rất ngon, thậm chí còn ngon hơn cả BC15, lý thú hơn nữa là giống chịu được độ mặn lên tới 5%o (thử nghiệm ở vùng ven biển Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa). Ông Báo tự tin: Với những ưu điểm hiếm có trên của TBR45, sau khi được công nhận giống chính thức, mỗi vụ TSC sẽ bán không dưới 2.000 tấn giống này. Đây cũng có thể coi là giống thích ứng biến đổi khí hậu, chịu mặn tốt hơn cả lúa lai khi một số khu ruộng ở vùng biển Tiền Hải lúa lai và các lúa khác bị chết do mặn thì TBR45 sinh trưởng phát triển bình thường.

Bông lúa gần 1.000 hạt

Ông Báo nhớ hôm Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát về thăm Thái Bình mới đây, Bộ trưởng rất vui vì những thành quả đạt được của nông nghiệp Thái Bình. Hôm ấy ông Báo tặng Bộ trưởng 1 bông lúa giống ĐH8 có gần 1.000 hạt, có lẽ đó là bông lúa có một không hai, với số hạt trên bông gấp 6-7 lần bông lúa bình thường. Bộ trưởng thực sự xúc động, ông nói để dành bông lúa này để có dịp tặng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bông lúa 1.000 hạt, biết đâu trở thành biểu tượng của Nông nghiệp Việt Nam…

Hấp lực TBR45

Tại Quỳnh Lưu - Nghệ An, giống lúa TBR45 do 1 đại lý giống đưa về 200kg sản xuất thử nghiệm lần đầu tiên vụ đông xuân năm nay. Lập tức giống xác lập ngay vị trí. Là một trong những giống ngắn ngày nhất, năng suất cao: phổ biến đạt 7,5-7,8 tấn/ha, chất lượng thương phẩm tốt. Chỉ đúng 1 vụ trình diễn, bà Thủy - người chủ đại lý (ở Quỳnh Hồng - Quỳnh Lưu, ĐT 0912193167) ra Thái Bình lấy trên 30 tấn TBR45 về bán hết ngay chỉ trong 1 tuần, để bà con gieo cấy vụ mùa. 

Quả thật đó là những giống lúa hết sức ấn tượng, nó lý giải vì sao Thái Bình không cần lệ thuộc lúa lai mà năng suất lúa vẫn luôn dẫn đầu miền Bắc, điển hình như vụ đông xuân năm nay, trên 80.000 ha lúa của Thái Bình dự báo năng suất trung bình tới 73 tạ/ha.

Tầm nhìn Trần Mạnh Báo

Khác hẳn các tỉnh khác, gần như toàn bộ giống lúa ở Thái Bình là của người Thái Bình chọn tạo, cố nhiên, có một tỷ lệ nhất định lúa thơm với xuất xứ khác nhau, thì công ty giống của tỉnh cũng sàng lọc, sản xuất ra để đáp ứng nguyện vọng của dân chứ hiếm khi phải nhập khẩu hay mua giống từ tỉnh ngoài. Nghĩa là họ đi lên từ chính nội lực, với sự đóng góp rất lớn của TSC, mà người khởi xướng là TGĐ Trần Mạnh Báo, người có tầm nhìn trong lĩnh vực phát triển giống lúa.

Có nội lực sẽ có tất cả. Sau cổ phần hóa, doanh thu của TSC năm 2008 chỉ là 46 tỷ, năm 2009 đạt 70 tỷ, 2010 là 130 tỷ và năm nay đạt không dưới 200 tỷ đồng, đó là mức tăng trưởng cấp số nhân với công bội gần bằng 2, quả là hiếm có. Với lượng giống lúa bán mỗi vụ trên dưới 6.000 tấn, không ít người sẽ không thể hình dung nổi Cty sản xuất giống ở đâu, chế biến, đóng gói thế nào kịp cung cấp cho dân sản xuất, cụ thể như vụ mùa gấp rút ở miền Bắc năm 2011 này. Đương nhiên, như đã biết họ đã làm được và chắc chắn còn làm tốt hơn. TGĐ Trần Mạnh Báo dự kiến tương lai mỗi năm TSC phải sản xuất vài vạn tấn giống lúa cho thị trường, mà cho đến hôm nay, mọi sự chuẩn bị từ con người, việc mở rộng thêm nhà máy chế biến hạt giống, vùng và đất sản xuất giống, đã được hoàn tất.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm