Biện pháp chủ yếu là kết hợp sử dụng giống mía có năng suất cao, áp dụng cơ giới hóa trong SX, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và sử dụng liều lượng phân bón hợp lý.
Cty CP Mía đường Quảng Ngãi đã phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền tiến hành thử nghiệm một số loại phân mới tại khu vực trồng mía ở An Khê (Gia Lai). Bình Điền đã tiến hành khảo sát thực địa, nghiên cứu điều kiện tự nhiên của khu vực. Niên vụ 2016 - 2017 bắt đầu công tác khảo nghiệm thăm dò một số loại phân của Bình Điền.
Khảo nghiệm được thực hiện trên diện tích rộng, bao gồm 4 hộ tham gia có các loại đất khác nhau, từ cát pha, đất đồi thấp; cát pha thịt, địa hình tương đối bằng; đất thịt pha sét, địa hình tương đối bằng cho đến đất thịt pha sét, địa hình bằng phẳng, trong đó có 3 hộ trồng mía tơ, 1 hộ mía gốc năm thứ nhất.
Tất cả các kỹ thuật làm đất, giống mía, mật độ hom, cách bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh đều tuân thủ theo kỹ thuật của nhà máy, chỉ khác về hàm lượng, chủng loại phân sử dụng. Có 3 công thức khảo nghiệm và so sánh với 1 công thức đối chứng mà nhà máy đã sử dụng cho SX đại trà. Công thức khảo nghiệm gồm có:
1/ 134 N + 57 P205 + 121 K20/ha + 500kg phân Đầu Trâu cải tạo đất/ha
2/ 166 N + 70 P205 + 156 K20/ha + 500kg Đầu trâu cải tạo đất/ha
3/ 134 N + 57 P205 + 121 K20/ha + 500kg Đầu trâu cải tạo đất/ha
4/ Công thức đối chứng là 130 + 75 + 130 + 40 tấn bã bùn/ha. Tất cả các công thức thí nghiệm và đối chứng đều chia phân ra bón 3 lần: 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc theo quy trình cơ giới của nhà máy. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm độ nảy mầm, thời gian nảy mầm, mật độ cây, chiều cao cây, thời gian sinh trưởng, đường kính cây, trọng lượng cây, năng suất lý thuyết năng suất thực thu, hàm lượng đường theo Brix và CCS%.
Kết quả khảo nghiệm trong năm đầu cho thấy: Ở công thức 1 bón nhiều hơn đối chứng 4kg N, nhưng ít hơn 17,5kg P205 và 9kg K20/ha, đồng thời thay 40 tấn bã bùn bằng 500kg phân Đầu trâu cải tạo đất thì năng suất mía 10 chữ đường kém hơn công thức đối chứng 3,8 tấn mía cây/ha.
Nhưng ở công thức 2, bón nhiều hơn đối chứng 36kg N, 26kg K, nhưng ít hơn 5kg P205/ha và thay 40 tấn bã bùn bằng 500kg Đầu trâu cải tạo đất thì năng suất mía 10 chữ đường lại cao hơn đối chứng đến 7 tấn mía cây/ha.
Đặc biệt ở công thức 3, lượng NPK giống công thức 1, nghĩa là ít hơn đối chứng 17,5kg P205 và 9kg K20/ha, cũng thay 40 tấn bã bùn bằng 500kg Đầu Trâu cải tạo đất, nhưng trong phân này có bổ sung các vi lượng dạng Nano MIX thì năng suất mía cao hơn đối chứng là 5 tấn mía cây/ha.
Từ công thức 3 có thể rút ra nhận xét:
(i) Bón 40 tấn bã bùn cho đất mía là tốt. Nhưng dưới điều kiện cơ giới hóa tốt và có đủ bã bùn cho SX đại trà thì đây là biện pháp có tính khả thi. Nhưng trong SX đại trà, người trồng mía không có loại vật liệu này, và nếu có thì không có phương tiện vận chuyển vì so với 500kg phân Đầu Trâu cải tạo đất thì công vận chuyển 40 tấn bã bùn ra ruộng tăng lên 80 lần, ngược lại chỉ bón 500kg vẫn có tác dụng cải tạo đất lại tăng năng suất lên 5 tấn, vừa lợi công vận chuyển (cho rằng giá tiền 40 tấn bã bùn cộng với công vận chuyển tương đương với giá 500kg Đầu Trâu cải tạo đất) thì sử dụng loại chế phẩm này vẫn có hiệu quả đáng ghi nhận.
(ii) Trong SX mía đại trà từ Sơn La đến Cà Mau thì điều kiện sử dụng bã bùn là rất hiếm. Vì vậy, sử dụng 500kg Đầu Trâu cải tạo đất có kèm theo Nano các loại là biện pháp có tính thực tiễn cao hơn, dễ sử dụng hơn, hiệu quả kinh tế hơn. Tuy nhiên, để có kết luận chắc chắn cho SX xin chờ thêm kết quả của năm 2018 sắp tới để có thêm bằng chứng cân nhắc cho SX.