| Hotline: 0983.970.780

'Bóng ma' châu chấu đe dọa an ninh lương thực

Thứ Sáu 06/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Châu chấu đang gây ra những thiệt hại lớn cho các cánh đồng lương thực ở Đông Phi, Ấn Độ và Pakistan.

Các quốc gia Đông Phi đang chạy đua với thời gian để ngăn các đàn châu chấu tàn phá mùa màng và sinh kế trong đại dịch tồi tệ nhất nhiều thế kỷ.

Nếu không được xử lý, số lượng châu chấu ở Đông Phi có thể tăng lên 400 lần vào tháng 6, đồng nghĩa khu vực đang có hơn 19 triệu người thiếu ăn này bị tàn phá, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo.

Thiếu chuyên môn trong kiểm soát loài côn trùng gây hại này không phải là rắc rối duy nhất.

Kenya tạm thời hết thuốc trừ sâu, Ethiopia cần thêm máy bay trong khi Somalia và Yemen, bị nội chiến tàn phá, không thể đảm bảo an toàn cho những người diệt châu chấu.

Châu chấu xuất hiện tại khu vực từ rất lâu nhưng tình trạng thời tiết bất thường gia tăng bởi biến đổi khí hậu gần đây đã tạo điều kiện lý tưởng cho côn trùng sinh sôi, Reuters dẫn lời các nhà khoa học cho biết.

Biển ấm lên làm tăng lượng mưa, khiến trứng châu chấu nở, các cơn lốc phân tán côn trùng ngày càng mạnh hơn, xuất hiện thường xuyên hơn.

Châu chấu đã xuất hiện ở vùng đất nông nghiệp màu mỡ Rift Valley của Ethiopia và các cánh đồng chăn nuôi ở Kenya, Somalia. Các đàn châu chấu có thể di chuyển 150 km mỗi ngày và có khoảng 40 – 80 triệu con trên mỗi km2.

Khoảng 12 triệu người ở Ethiopia, Somalia và Kenya đang gặp khủng hoảng lương thực, theo FAO. Chính phủ Somalia trong tháng 2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng hành động tương tự để bảo vệ cây trồng và người dân.

Lần gần nhất đại dịch châu chấu xảy ra ở châu Phi là năm 2003 – 2004 với phạm vi 23 quốc gia. Chính quyền các nước phải mất hai năm để kiểm soát tình hình.

FAO cho biết nhiều đàn châu chấu đã đến khu vực sa mạc giáp Ấn Độ và Pakistan từ tháng 8/2019. Số lượng hiện tại khoảng 10 tỷ con, đủ để phủ đen bầu trời phía trên nhiều ngôi làng.

Tại Pakistan, châu chấu đang tàn phá cà chua, lúa mỳ và bông, đẩy giá lương thực tăng phi mã.

Diện tích châu chấu gây hại ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, trong tháng 12/2019 là khoảng 10.700 hecta, chủ yếu là các cánh đồng hạt thì là.

Tình trạng ấm lên toàn cầu khiến thời gian sinh sản của châu chấu kéo dài hơn, số lượng đàn tăng nhanh hơn, Shakeel Khan, chuyên gia của FAO tại Pakistan, nói. Ngân sách hạn chế khiến nhiều nước khó hành động. FAO đang tìm cách huy động 138 triệu USD để đối phó châu chấu và hỗ trợ lương thực.

Trung Quốc ngày 2/3 phát cảnh báo, kêu gọi các địa phương gần biên giới với Ấn Độ và Pakistan theo dõi châu chấu trong những tháng tới.

Cơ quan Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc cho biết nguy cơ hiện vẫn thấp nhưng Trung Quốc sẽ gặp khó trong theo dõi châu chấu bởi nước này thiếu công nghệ và ít hiểu về cách thức di chuyển của chúng.

Hoạt động kiểm tra tại các cửa khẩu hải quan được tăng cường, truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin.

Tại Khunjerab, hẻm núi giữa Pakistan và Trung Quốc ở tây nam khu tự trị Tân Cương, nhà chức trách đang theo dõi các khu vực rộng tổng cộng 2km2. Các phương tiện qua cửa khẩu được khử trùng, hàng hóa, đất và thực vật đều được kiểm tra kỹ, đề phòng có châu chấu hoặc trứng châu chấu.

Kenya là quốc gia bị tàn phá nặng nhất, với 200 tỷ con châu chấu đang hoành hành trên diện tích 2.400km2. Đại dịch này có thể quét sạch lương thực dành cho 84 triệu người. Quy mô châu chấu ở Ethiopia và Somalia lớn nhất 25 năm.

Tại Đông Phi, đại dịch châu chấu còn diễn ra vào mùa vụ có sản lượng thấp. Mọi người đang chạy đua trước mùa mưa, dự kiến vào tháng 3. Đây là thời điểm ấu trùng châu chấu chui lên khỏi mặt đất và nông dân bắt đầu gieo hạt.

“Đợt thứ hai đang đến”, Cyril Ferrand, đứng đầu bộ phận khôi phục Đông Phi của FAO, nói. “Châu chấu sẽ ăn mọi thứ”.

Hiện vẫn chưa rõ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp nói chung, chiếm 1/3 GDP khu vực Đông Phi. FAO đang dùng hình ảnh vệ tinh để đánh giá thiệt hại.

Kenneth Mwangi, nhà khoa học thông tin vệ tinh tại trung tâm dự báo khí hậu và ứng dụng, Cơ quan Phát triển Liên Chính phủ (IGAD), ở Nairobi, Kenya, cho biết các nhà nghiên cứu đang vận hành mô hình xác định những khu vực châu chấu có thể sinh sản mà theo dõi từ mặt đất không thể thấy để xử lý.

“Những nơi đó có thể là nguồn bùng phát đợt châu chấu tiếp theo… Mục tiêu là ngăn châu chấu trưởng thành, bắt đầu chu kỳ phá hoại mới. Chúng tôi muốn tránh điều đó. Chúng tôi muốn cảnh báo sớm các chính phủ”.

Theo Mwangi, mô hình dự báo chính xác 90% hướng di chuyển của châu chấu dựa trên dữ liệu về hướng gió, sức gió, nhiệt độ và độ ẩm.

“Hy vọng, với sự can thiệp hiện tại, chúng ta có thể tránh được trường hợp xấu nhất”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.