Chính phủ Trung Quốc vừa cảnh báo về một đại dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ Đông Phi đang tràn vào lãnh thổ qua ngả Ấn Độ và Pakistan. Mặc dù các chuyên gia tin rằng, nguy cơ đại dịch châu chấu xâm nhập vào nước này và gây ra thảm họa cho ngành nông nghiệp là tương đối thấp. Tuy nhiên một khi điều kiện khí hậu thuận lợi thì khó có thể tránh được nguy cơ châu chấu sa mạc đổ bộ vào qua ngả Tây Tạng và Tân Cương.
Tuy nhiên, hiện Bắc Kinh đã xây dựng một ủy ban đặc biệt để theo dõi và kiểm soát nguy cơ khi loài côn trùng phàm ăn này xuất hiện. Chính phủ cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp gấp để thảo luận và phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch châu chấu trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống cảnh báo khẩn cấp.
Nguy cơ mất an ninh lương thực vì châu chấu được đưa ra thảo luận trong bối cảnh nông nghiệp Trung Quốc vừa trải qua một năm 2019 khó khăn do sâu keo mùa thu tàn phá khắp nơi cùng với dịch tả lợn ở châu Phi đã mất tới quá nửa đàn lợn 440 triệu con trong nước. Thống kê của hãng Statista, một công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu tiêu dùng của Đức cho biết, năm 2018, ngành nông nghiệp đã đóng góp khoảng 7,2% vào GDP của Trung Quốc.
Các chuyên gia cảnh báo, thêm một đại dịch châu chấu nữa sẽ có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xa hơn khi từ đầu năm đến nay đã có hơn 80.000 người dân nước này đã bị nhiễm nCoV và hơn 2.900 ca tử vong.
“Đây là tai họa thứ tám trong mười tai họa theo Kinh thánh có thể hủy diệt Trái đất. Và quy mô của tai họa này hiện nay là chưa từng có trong thời hiện đại”, tuyên bố chung viết.
Châu chấu sa mạc là một trong những loài dịch hại lâu đời nhất và tàn phá ác liệt nhất thế giới gây thiệt hại mùa màng, đồng cỏ và môi trường.
Theo Liên Hợp quốc, một bầy có quy mô 1 km vuông có thể ngốn lượng thực phẩm đủ cho 35.000 người chỉ trong một ngày. Tổ chức quốc tế này đồng thời cảnh báo, bầy đàn châu chấu hàng tỷ con có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực quy mô thế giới.
Một bản tuyên bố chung do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO); Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp quốc và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phát đi hồi giữa tuần trước, kêu gọi các chính phủ cần phải hành động khẩn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn.
Cơ sở của bản tuyên bố chung này dựa theo bản đồ của châu chấu đang lan rộng xuyên lục địa gây sốc có thể tổn thương nhiều lĩnh vực như môi trường, xã hội, an ninh lương thực...
Theo tính toán của WFP, chi phí để ứng phó với bất ổn an ninh lương thực sau này sẽ cao hơn ít nhất 15 lần so với chi phí ngăn chặn sự lây lan của châu chấu hiện nay.