| Hotline: 0983.970.780

BTC Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3-2022: 'Cuộc thi trung thực và khách quan'

Thứ Sáu 11/11/2022 , 16:17 (GMT+7)

Sau thông tin 'lùm xùm' với ông Hồ Quang Cua về cuộc thi, trưa 11/11, Ban tổ chức Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3-2022 họp cung cấp thông tin cho báo chí. 

Ban tổ chức Cuộc thi 'Gạo ngon Việt Nam' lần 3 năm 2022 thông tin với báo chí. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban tổ chức Cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần 3 năm 2022 thông tin với báo chí. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch VFA: "Cuộc thi trung thực, khách quan và minh bạch"

Tham gia cuộc họp có Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; Phó Chủ tịch VFA Trần Ngọc Trung, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi và Phó Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam...

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam 2022" cho biết, tiêu chí cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" năm nay rõ ràng; quy chế, thể lệ được công bố đầy đủ trên các phương tiện thông tin và gửi đến các địa phương trên cả nước.

"Mục tiêu cuộc thi là chọn ra được giống gạo ngon để giới thiệu ra thị trường trong nước và thế giới. Quá trình tổ chức, cuộc thi diễn ra theo đúng quy chế, thể lệ của Ban tổ chức nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích các đối tượng tham gia để chọn ra những giống gạo ngon giới thiệu thị trường trong nước và quốc tế.

Ban giám khảo, Ban tư vấn làm việc trung thực, khách quan và minh bạch. Kết quả cuộc thi phản ánh đầy đủ thực tế về chất lượng gạo ngon của Việt Nam năm nay", ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định.

Trước đó, ngay sau cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022, ông Hồ Quang Cua (đại diện của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - đơn vị đạt Giải Nhì với giống gạo thơm ST24) đã có thông tin trao đổi với một số báo chí và cho rằng, cuộc thi không khách quan, khoa học, ban tổ chức cuộc thi không giữ bí mật mã số giống gạo dự thi... nên ông không công nhận kết quả cuộc thi.

Mẫu giống gạo dự thi trước khi đem đi nấu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mẫu giống gạo dự thi trước khi đem đi nấu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Cua cũng cho rằng, Ban tổ chức cho đơn vị dự thi với một giống lúa chưa đủ điều kiện công nhận là giống, cụ thể giống TBR39 (ThaiBinh Seed) chưa được công nhận DUS, bị nhiều nông dân cho là giống với giống ST24... 

Về ý kiến của ông Hồ Quang Cua trên báo chí, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam 2022" Nguyễn Ngọc Nam cho biết, đến hôm nay (ngày 11/11), Ban tổ chức chưa nhận được phản ánh chính thức bằng văn bản nào từ phía ông Hồ Quang Cua. 

Ông Nam cho biết thêm, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ NN-PTNT và trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan hết sức quan tâm đến những thông tin này. Bởi những lùm xùm xung quanh cuộc thi ảnh hưởng tới uy tín ngành nông nghiệp cũng như hình ảnh gạo Việt Nam nên Ban tổ chức muốn thông tin chính thức để làm rõ quá trình tổ chức cuộc thi, cũng như kết quả cuộc thi.

"Tôi xin khẳng định một lần nữa, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022, Ban tổ chức hoàn toàn đúng theo quy chế và thể lệ cuộc thi. Ban giám khảo và Ban tư vấn đã làm đúng theo quy chế quy định. Còn những thông tin anh Cua nói với báo chí thiếu rõ ràng nên Ban tổ chức muốn thông tin rõ hơn, không để ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo Việt Nam", ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định.

Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST24, gạo ST25 (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) thử cơm sau khi nấu từ các giống gạo của các đơn vị đem dự thi Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 ngày 4/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST24, gạo ST25 (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) thử cơm sau khi nấu từ các giống gạo của các đơn vị đem dự thi Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 ngày 4/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Kết quả cuộc thi vẫn giữ nguyên"

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, Ban giám khảo, Ban tư vấn, Ban mã hoá, người nhập điểm công bố kết quả, người nấu cơm... là các bộ phận riêng, làm việc độc lập và minh bạch. Việc chấm điểm của Ban giám khảo được thực hiện trong phòng riêng, có truyền hình trực tiếp cho mọi người cùng theo dõi.

"Những cái thuộc thẩm quyền theo quy định cuộc thi thì Ban tổ chức giải quyết, còn những cái không thuộc thẩm quyền của Ban tổ chức thì chúng tôi sẽ phối hợp và kiến nghị với các cơ quan có chức năng, thẩm quyền để cùng giải quyết", ông Tùng nói.

Liên quan đến thông tin 'tráo giống' giữa giống gạo TBR39 và giống gạo ST24, Trưởng ban Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 cho rằng, việc này không thuộc thẩm quyền của Ban tổ chức cuộc thi. 

Đối với hồ sơ dự thi của Tập đoàn ThaiBinh Seed, Trưởng ban Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 khẳng định hồ sơ đúng và đầy đủ theo yêu cầu dự thi: tổ hợp lai và được gửi đi khảo nghiệm qua các năm. "Chúng tôi có nhận giấy xác nhận kết quả khảo nghiệm DUS của Trung tâm khảo nghiệm giống quốc gia (lần thứ nhất, lần thứ hai) về giống TBR39. Đây là cơ sở để Ban tổ chức chấp nhận giống TBR39 tham gia cuộc thi", ông Nam nói.

Ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam được tổ chức qua các lần kết quả đều tốt đẹp, và đã đem gạo đi dự thi thế giới, không có vấn đề gì diễn ra.

Theo ông Trung, cuộc thi năm nay làm chu đáo hơn các lần trước. Trong quá trình nấu, Ban giám khảo không biết được gạo nào là gạo nào do gạo được BTC gói và mã hóa bằng cách đánh số. Việc mã hóa này được tiến hành độc lập. Ban giám khảo vo gạo, nấu theo quy định của từng giống gạo đơn vị dự thi gửi.

Ban giám khảo chấm điểm tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 ngày 4/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban giám khảo chấm điểm tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 ngày 4/11. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phòng nấu có camera giám sát. Sau khi cơm chín, múc ra và để nguội để thử, ban giám khảo trao đổi rất lâu, nên năm nay mọi người phải chờ kết quả bên ngoài rất lâu. Nhiều mã có độ ngon gần tương tự như nhau. Sau khi chấm các mã gạo thì kết quả được một bộ phận khác tổng kết thì mới biết gạo nào đạt giải Nhất, Nhì, Ba.

"Gạo ngon được đánh giá theo độ sáng mặt gạo, quan trọng việc đánh giá gạo ngon là gạo nấu ra phải có độ dẻo, mềm, ngọt, thơm, hạt nguyên của gạo sau khi nấu. Ban giám khảo làm việc rất trung thực, khoa học. Thang điểm được 7 giám khảo ghi đầy đủ, sau đó có 1 người khác cộng điểm bình quân", ông Trung nói.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng thông tin thêm, doanh nghiệp gửi mẫu dự thi và chịu trách nhiệm về mẫu giống gạo của mình, chứ không phải thi xong rồi xóa. Ban tổ chức cũng còn lưu mẫu gạo của các đơn vị gửi dự thi.

"Đây là những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, chúng ta tôn trọng tất cả sự tham gia của các doanh nghiệp. Có thể nghi ngờ giống này giống kia, được quyền nghi ngờ và người bị nghi ngờ cũng được quyền không phải trả lời gì. Hai bên đều không vi phạm quy chế thể lệ cuộc thi, BTC không vi phạm gì. Còn việc khiếu nại các vấn đề liên quan đến giống sẽ do một cơ quan khác xem xét giải quyết", ông Tùng nói.

Ban tổ chức khẳng định, cuộc thi diễn ra trung thực, khách quan, minh bạch. Do đó, kết quả cuộc thi vẫn giữ nguyên, không có chuyện tổ chức lại.

Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 - năm 2022 tổ chức ngày 4/11 tại TP.HCM với kết quả đối với gạo nếp, giải Nhất - nếp A Sào (ThaiBinh Seed); Giải Nhì - nếp của Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long; Giải Ba - nếp TBR78 (ThaiBinh Seed).

Đối với gạo thơm, Giải Nhất - gạo TBR39 (ThaiBinh Seed); Giải Nhì - gạo ST24 (DNTT Hồ Quang Trí); Giải Ba - gạo Lộc Trời 28 (Tập đoàn Lộc Trời). 

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.