Nhận định trên được Jenna Gibson được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Tai (2018). Jenna Gibson, một chuyên gia K-pop và là ứng cử viên tiến sĩ của Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago trong lĩnh vực Quan hệ Quốc tế.
Trong đó, BTS lại là biểu tượng cho sức mạnh mềm K-pop.
Lý tưởng
Không khó để thấy điều này. Ví dụ, album của BTS từng được trao cho con của các nguyên thủ quốc gia với vai trò như những món quà ngoại giao tuyệt vời.
Sách trắng Hallyu (2018) ghi nhận thành công của BTS như một chất xúc tác cho sự phát triển nhanh chóng của K-pop ở Bắc Mỹ.
Bất cứ nơi nào họ có buổi hòa nhạc, vé đều được bán hết. BTS đưa K-pop đến một cấp độ công nhận mới trên toàn thế giới.
Công ty quản lý BTS, BigHit Entertainment, công bố tên của nhóm thể hiện concept “chống lại quy chuẩn xã hội và áp lực cuộc sống”.
BTS có tên tiếng Anh là Bulletproof Boy Scout (tạm dịch là "Hướng đạo sinh chống đạn"), với ý nghĩa rằng các thành viên sẽ chiến đấu chống lại “đạn” từ xã hội về khuôn mẫu cũng như sự đàn áp để bảo vệ giá trị và âm nhạc của họ.
Ý tưởng “bảo vệ” chống lại áp lực xã hội mở rộng ra tất cả thanh thiếu niên – đối tượng khán giả mà 7 thành viên hướng đến.
Sự nổi tiếng ngày càng lan rộng, cái tên viết tắt BTS lại càng phổ biến hơn.
Vào tháng 7/2017, Big Hit Entertainment đã công bố BI (brand identity - thiết kế nhận diện thương hiệu) mới cho cả BTS và cộng đồng người hâm mộ - ARMY.
Với logo nhóm mới, BTS viết tắt cho “Beyond The Scene”. Thương hiệu mới vẫn giữ nguyên lý tưởng cũ “bảo vệ thanh thiếu niên và giá trị của họ”, đồng thời bổ sung một ý nghĩa khác “Những người trẻ không chùn bước, hài lòng với thực tại mà tiếp tục tiến bước về phía trước, mở ra cánh cửa mới để trưởng thành”.
Tuy nhiên tên tiếng Hàn của nhóm 방탄소년단 vẫn sẽ được giữ nguyên là Bangtan Sonyeondan.
Bảy thành viên là RM (Kim Nam Joon), Jin (Kim Seok Jin), Suga (Min Yoon Gi), J-Hope (Jung Ho Seok), Jimin (Park Ji Min), V (Kim Tae Hyung) và Jungkook (Jeon Jung Kook) đã được trao tặng Huân chương chiến công Văn hóa năm 2018 vì thể hiện các hoạt động mẫu mực trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật bằng cách quảng bá văn hóa Hàn Quốc.
Cũng trong năm đó, BTS xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để nói về việc tin tưởng vào bản thân và không chịu áp lực xã hội. BTS cũng góp mặt trong “Các nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo” của Tạp chí Time, đây là danh sách những người trẻ đang định hình lại thế giới.
Một phát ngôn viên của Twitter cho biết K-pop là chủ đề liên quan đến âm nhạc được tweet nhiều nhất thế giới, với hơn 6,1 tỷ lượt tweet năm 2019, tăng 15% so với năm 2018.
BTS là nghệ sĩ được tweet nhiều nhất trong liên tiếp ba năm qua. Trung bình, mỗi tweet của BTS nhận được 252.200 bình luận của người theo dõi.
Điều khiến BTS thu hút người hâm mộ của họ là âm nhạc mang ý nghĩa. Họ chia sẻ những câu chuyện về những kẻ bắt nạt, chán nản, đấu tranh của tuổi trẻ, mưu cầu hạnh phúc và từ bỏ những lý tưởng và sự cám dỗ của xã hội mà người hâm mộ có thể liên quan.
Hơn nữa, điểm nổi bật của nhóm là thay vì thích ứng âm nhạc phương Tây, họ chọn kết hợp văn hóa truyền thống Hàn Quốc vào âm nhạc.
Siêu giá trị
Trong báo cáo năm 2018 có tên là Hiệu ứng kinh tế của BTS được phát hành bởi Viện nghiên cứu Hyundai, có một nội dung rất đáng chú ý.
Theo đó, vì lý do liên quan đến BTS, có tới 796.000 người nước ngoài đến thăm Hàn Quốc và tổng giá trị xuất khẩu văn hóa của nhóm được định giá 1,12 tỷ USD.
Hơn nữa, trong mười năm tới, giai đoạn 2014-2023, báo cáo ước tính rằng BTS sẽ tiếp tục mang lại cho Hàn Quốc 37,06 tỷ USD (trong đó giá trị gia tăng là 12,66 tỷ USD) nếu nhóm duy trì thành công sự nổi tiếng.
Lấy ví dụ cụ thể, vào tuần cuối cùng của tháng 10/2019, ban nhạc kết thúc tour trình diễn thế giới “Love Yourself: Speak Yourself” bằng cách tổ chức buổi hòa nhạc ba đêm tại Sân vận động Olympic Seoul
Ước tính 23.000 người hâm mộ nước ngoài đã tham dự buổi hòa nhạc. Ngoài ra, mỗi người tham dự lại mang 3,28 bạn đồng hành đến Seoul. Như vậy, tổng số khoảng 187.000 khách du lịch được đưa đến Hàn Quốc chỉ bằng một buổi hòa nhạc của BTS.
Fan K-pop chuyển hướng chính trị
Cộng đồng fan K-pop tại Mỹ dường như muốn khẳng định họ không chỉ là nhóm người hâm mộ nhạc Hàn, mà còn quan tâm tới cả chính trị.
Mới đây, ngày 20/6/2020, fan K-pop và người dùng TikTok đã cố tình ồ ạt đăng ký nhưng không tham dự, khiến buổi mít tinh của Tổng thống Trump ở Oklahoma ít người hơn dự kiến.
Trước đó, trong vài tuần liền, các tín đồ K-pop, chủ yếu sử dụng những mạng xã hội như Twitter, Facebook, TikTok, Instagram, còn làm quá tải một ứng dụng của cảnh sát Dallas dùng để thu thập thông tin về người biểu tình.
Họ lan truyền chóng mặt những dòng hashtag phản đối chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng.
Fan của BTS còn tuyên bố quyên góp được 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống của người da màu cũng quan trọng).