Nông nghiệp Móng Cái với những bứt phá mạnh mẽ.
Từ đầu năm 2020 tới nay, TP Móng Cái là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động xấu, trực tiếp của đại dịch covid-19 trong tỉnh Quảng Ninh. Nhiều chỉ tiêu về KT-XH 10 tháng đạt thấp, trong đó một số chỉ tiêu giảm sâu so cùng kỳ. Các doanh nghiệp kinh doanh XNK gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không hoạt động do không có khách du lịch, kéo theo đó, đời sống và thu nhập của đại bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của TP Móng Cái đạt 1.696,6 ha, đạt 82,76%KH, bằng 110,9% CK. Sản lượng thủy sản đạt 9.664,5 tấn, đạt 48,5%KH, bằng 93,2% CK, trong đó: Sản lượng khai thác 5.213 tấn, đạt 62,7%KH, bằng 101,4% CK; TP cũng đã có 76/191 đạt 40% cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất NTTS được cấp mã số cơ sở NTTS và 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong NTTS. ...
Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp của Móng Cái lại được đánh giá là “được mùa” khi cả diện tích, sản lượng đều tăng. Nếu như trước đây, tình trạng người dân bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất vụ đông xuân còn diễn ra ở một vài địa phương thì năm nay, tình trạng này đã được khắc phục.
Bà con nông dân Móng Cái đã quay trở lại với nông nghiệp nhờ thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp phát triển sản xuất, tăng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, cộng với sự hỗ trợ kịp thời của các địa phương trong định hướng, hướng dẫn về kỹ thuật, đôn đốc các vùng sản xuất phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, các chỉ tiêu về nông nghiệp của Móng Cái nhanh chóng tăng mạnh.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Móng Cái: Diện tích trồng trọt của Móng Cái thực hiện gần 5.500 hecta, vượt gần 5% so với kế hoạch. Trong đó diện tích vụ Đông Xuân thực hiện: 2289,8ha, đạt 100,3% kế hoạch. Diện tích vụ mùa thực hiện được: 3.165,4ha, đạt 108,5% so kế hoạch. Năng suất lúa vụ mùa đạt 43,5tạ/ha. Sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt: 13.719,8 tấn.
Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đạt 230.241 con đạt 78,1% kế hoạch. Đặc biệt, mặc dù do ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 nên sang đầu năm 2020 gây khó khăn trong việc tái đàn, tuy nhiên tổng số đàn lợn đến nay Móng Cái vẫn tăng nhẹ, đạt 100,8% so cùng kỳ.
Như vậy, tất cả các chỉ tiêu của sản xuất nông nghiệp đều tăng cả về lượng và chất, về quy mô, diện tích, sản lượng, khẳng định sức bền của nông nghiệp trong bối cảnh các ngành kinh tế khác như xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch... vẫn đang chịu ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh covid-19.
Nông nghiệp càng trở nên quan trọng
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, TP Móng Cái đã khẳng định những nỗ lực của địa phương trong vai trò lãnh chỉ đạo, kịp thời đưa ra giải pháp đúng đắn trong thực hiện đồng bộ mục tiêu kép “Vừa chống dịch covid vừa phát triển kinh tế ”. Bằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tính thương mại và giá trị gia tăng cao.
Thêm nữa, tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ TP xuống xã phường trong việc thực hiện các kế hoạch nhiệm vụ được giao; Các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh Quảng Ninh, địa phương được hiện thực hóa rõ nét, thực chất, nhất là các chính sách xây dựng nông thôn mới (đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất,...), Các chính sách đã thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng về số lượng và qui mô đầu tư...
Nhờ đó, người dân đồng thuận, hăng hái sản xuất làm giàu chính đáng. Trong năm 2020, Móng Cái xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thành lập mới nhiều trang trại, phát triển kinh tế nông hộ như: vườn cây ăn quả, trồng rau an toàn ở Hải Xuân, trồng cam, thanh long ruột đỏ, nuôi gà đồi ở Quảng Nghĩa, một số mô hình nuôi tôm thâm canh ở Hải Hòa, Vạn Ninh, các nhãn hàng OCOP như nước mắm Móng Cái, Giò chả gia truyền Quang Dần, Tỏi đen Thái An... ngày càng khẳng định được thương hiệu và giá trị kinh tế...
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: Mặc dù, nông nghiệp vốn chưa phải là thế mạnh của Móng Cái so với các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của dịch covid-19 thì những tín hiệu lạc quan từ sản xuất nông nghiệp đã cho thấy hướng đi đúng đắn trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị kinh tế của nông- lâm- ngư nghiệp so với một số ngành khác đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch.
“Hiện tại và trong quý IV/2020, Móng Cái sẽ tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tăng tốc các chỉ tiêu đảm bảo tăng trưởng hai con số, trong đó, các chỉ tiêu về sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp phải đảm bảo 100% trở lên. Chúng tôi đã yêu cầu Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cung cấp đầy đủ vật tư, giống... phục vụ tốt nhất cho vụ đông; Công ty Thủy lợi Miền Đông đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới; trong chăn nuôi yêu cầu thực hiện tái đàn an toàn; hoàn thành tiêm phòng gia súc, gia cầm”, ông Tuấn nói.
Trong thời gian tới, các xã phường trên địa bàn TP Móng Cái sẽ tiếp tục triển khai cấp mã vùng NTTS, tập trung chống khai thác thủy sản trái phép bằng hình thức hủy diệt, tăng cường kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm bãi triều, săn bắt bẫy chim di cư, phòng chống cháy rừng. Nhanh chóng kiện toàn tổ quản lý đê nhân dân và tăng cường nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông, khẩn trương rà soát, kiểm tra, ra quân nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ tốt việc tưới tiêu trong vụ đông.
Có thể khẳng định, nhờ những nỗ lực trong lãnh chỉ đạo của chính quyền và những giải pháp cụ thể đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của Móng Cái trong thời gian qua, nhất là những nỗ lực, bứt phá trước tác động của đại dịch covid-19.