| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ đường nhập khẩu từ các nước ASEAN ngoài Thái Lan

Thứ Tư 12/05/2021 , 14:39 (GMT+7)

Lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN ngoài Thái Lan vào Việt Nam trong quý 1 năm nay tăng trưởng với mức độ bùng nổ, khiến cho đường Việt Nam vẫn khó tiêu thụ.

Sản lượng đường Việt Nam trong niên vụ 2020/21 chỉ đạt dưới 700 ngàn tấn. Ảnh: VSSA.

Sản lượng đường Việt Nam trong niên vụ 2020/21 chỉ đạt dưới 700 ngàn tấn. Ảnh: VSSA.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành mía đường đã ép được gần 6,3 triệu tấn mía, sản xuất được 661.712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/21 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn. Là mức thấp kỷ lục về sản lượng.

Tuy sản lượng đường trong nước giảm mạnh, nhưng việc tiêu thụ lại đang rất khó khăn, bởi sự cạnh tranh gay gắt của đường ngoại trên thị trường nội địa. Trong tháng 4/2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khống chế thị trường.

Đặc biệt đường nhập khẩu từ Thái Lan vào giai đoạn trước khi áp thuế và đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) đang hoàn toàn làm chủ thị trường Việt Nam. Các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân nhưng tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới không thể thực hiện trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN ngoài Thái Lan. Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh với 3 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, trong quý 1, tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 nước nói trên là 188.202 tấn, tăng tới 5.735% so với cùng kỳ 2020. Lượng đường nhập khẩu từ mỗi nước như sau: Campuchia là 60.260 tấn; Indonesia 31.925 tấn; Lào 18.350 tấn; Malaysia 32.984 tấn; Myanmar 44.683 tấn.

Theo VSSA, mức tăng trưởng như trên về lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam trong quý 1 năm nay thực sự là hiện tượng không bình thường. Bởi chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về sản xuất mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.

Trong khối ASEAN, 4 nước sản xuất đường chủ lực là Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Như vậy, trong 5 nước bùng nổ về lượng đường xuất khẩu vào Việt Nam trong quý 1/2021, chỉ có Indonesia nằm trong những nước sản xuất đường lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, sản lượng đường của Indonesia thấp hơn khá nhiều so với nhu cầu tiêu thụ. Chẳng hạn, năm 2019, sản lượng đường ở Indonesia là 2,227 triệu tấn, trong khi lượng đường tiêu thụ lên tới 6,95 triệu tấn.

Do sự chênh lệch quá lớn về sản lượng và nhu cầu như trên, mỗi năm, Indonesia vẫn đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn đường (đứng thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc về lượng đường nhập khẩu), và có tới 80% lượng đường nhập khẩu vào Indonesia đến từ Thái Lan.

Không chỉ Indonesia, ở 4 nước còn lại, đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan do sản lượng nội địa khá hạn chế, và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN này đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Chính vì vậy, VSSA cho rằng, lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam trong quý 1 với khối lượng tăng một cách đột biến, là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời mà Bộ Công Thương Việt Nam đã áp dụng đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.

Hiện tại, vụ ép mía 2020/21 đã vào giai đoạn cuối vụ. Đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục đưa về cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đang đưa một lượng đường nhập lậu lớn vào thị trường Việt Nam, nên các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu tiếp tục hoàn tòan làm chủ thị trường bất chấp khủng hoảng logistics đối với đường nhập khẩu chính ngạch và việc kiểm soát biên giới đối với đường nhập lậu.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Vinacoco nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt

Sau khi nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2022, Công ty Thực phẩm Vinacoco, thành viên của GC Food Group, lại tiếp tục được trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024.