| Hotline: 0983.970.780

Bước ngoặt sắp đến với cây mắc ca Tây Bắc

Thứ Năm 11/11/2021 , 18:45 (GMT+7)

Trong vòng một năm tới, cây mắc ca sẽ được thu hoạch rầm rộ ở Điện Biên, Lai Châu. Đây sẽ là bước ngoặt của ngành mắc ca.

Làm việc với UBND tỉnh Điện Biên ngày 11/11, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá: Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, cây mắc ca dần khẳng định được chỗ đứng. Không chỉ tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho bà con nông dân, việc phát triển cây mắc ca còn đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận việc khảo nghiệm, chọn tạo vườn ươm, nhân giống, chăm bón tại địa phương, đồng thời đánh giá cao việc liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp với người dân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với UBND tỉnh Điện Biên ngày 11/11. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với UBND tỉnh Điện Biên ngày 11/11. Ảnh: Bảo Thắng.

Với tư cách là đơn vị quy hoạch mắc ca trên cả nước, Bộ NN-PTNT đánh giá miền núi phía Bắc, nhất là Điện Biên, Lai Châu có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây mắc ca sinh trưởng. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ NN-PTNT ủng hộ các tỉnh Tây Bắc, đồng thời khuyên các tỉnh có định hướng rõ ràng trong việc phổ biến trên diện rộng, gắn phát triển với quy hoạch một cách chặt chẽ, hạn chế việc thử nghiệm tràn lan.

"Trong định hướng 2025, chúng ta cần một quy hoạch mở cho cây mắc ca. Các tỉnh cần làm quy trình một cách bài bản, và quan tâm sát sao tới hiệu quả thực tế, đồng thời tính toán, phân bổ hợp lý quỹ đất hiện có", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cắt nghĩa việc "quy hoạch mở", đó là tạo hành lang thông thoáng, thu hút vốn đầu tư, dây chuyền công nghệ, chế biến từ khối doanh nghiệp trong việc phát triển mắc ca. Bên cạnh đó, các tỉnh được xem là thủ phủ mắc ca như Điện Biên, làm đến đâu phải chắc đến đấy. 

Về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao Điện Biên, Lai Châu đã triển khai thời gian qua, nhưng nhấn mạnh cần quan tâm tới việc quản lý từ cây đầu dòng, cách lấy mắt ghép hơn nữa. Nhờ tầng đất dày, các tỉnh miền núi phía Bắc có thể canh tác mắc ca theo ruộng bậc thang, nhưng phải để ý các biện pháp giữ nước như như ủ gốc bằng rơm rạ.

"Đầu tư mắc ca là đầu tư cho tương lai lâu dài. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu thêm việc phát triển theo chuỗi, kết hợp thêm những mô hình nông nghiệp tiên tiến như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, và nâng cao quản trị", Thứ trưởng chia sẻ. 

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, trước mắt, nên tập trung phát triển cây mắc ca trên đất rừng sản xuất.

Với đất rừng phòng hộ, kể cả chưa có cây, địa phương cần khuyến khích các loài bản địa. Tùy điều kiện tự nhiên, các tỉnh có thể trồng xen mắc ca với một số loài khác, nhưng cần đảm bảo việc chống xói mòn, và đảm bảo hệ sinh thái...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng thăm vườn ươm cây mắc ca tại xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng thăm vườn ươm cây mắc ca tại xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Đức Minh.

Trong vòng một năm tới, cây mắc ca sẽ được thu hoạch rầm rộ, bởi Điện Biên, Lai Châu và nhiều địa phương khác đã tổ chức trồng trên diện tích lớn từ hồi 2016, 2017. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, đây sẽ là bước ngoặt của ngành mắc ca, và coi đây như một cách để các đơn vị tự khảo nghiệm bản thân.

Lấy ví dụ về việc Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, và Sơn La tiêu thụ nhãn trong năm 2021, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý những tỉnh trồng nhiều mắc ca cần xây dựng nhiều kịch bản từ sớm trong việc chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Ông nói: “Giờ là lúc chúng ta cần lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, giúp bà con nông dân canh tác một cách chuyên nghiệp, đồng thời nghiên cứu phương án để hài hòa lợi ích giữa hai bên. Khi mắc ca trở thành một ngành hàng, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, thiết lập, xây dựng các chuỗi giá trị để tăng giá trị cho loài cây này".

Phó Chủ tịch UBND Điện Biên, ông Lò Văn Tiến khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển mắc ca. 4 lý do được ông đưa ra là: Cây mắc ca đã cho hiệu quả trong thực tế, và được đánh giá cao cả về chất lượng, hiệu quả, lẫn năng suất.

Điện Biên có quỹ đất lớn và bà con nông dân dễ canh tác mắc ca nhờ thói quen đi rừng. Doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh rất tâm huyết. Phát triển mắc ca giúp tỉnh ổn định an ninh nông thôn, giảm hiện tượng di cư tự do ở các huyện như Mường Nhé, Nậm Pồ do người dân đã có cách gắn tài sản trên đất sở hữu. 

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọtcho biết, Bộ NN-PTNT đã xác định được quy mô, và diện tích trồng thuần, trồng xen mắc ca tại các địa phương. Lãnh đạo ngành trồng trọt cũng cho rằng, một số tỉnh có kinh nghiệm phát triển cây cao su như Điện Biên có nhiều dư địa cho một cây đa mục đích như mắc ca.

Để phát triển bền vững cây mắc ca, ông Đức đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan cùng với địa phương tìm ra những vùng phát triển tốt nhất. Một số biện pháp kỹ thuật ông khuyến cáo, gồm thiết kế bậc thang, duy trì thảm phủ giữa các hàng, kỹ thuật tạo tán, tỉa cành, và cách xử lý khi cây ra hoa.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.