| Hotline: 0983.970.780

Chi cục Kiểm lâm vùng 4 triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng

II. Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển rừng bền vững

Thứ Ba 26/10/2021 , 08:29 (GMT+7)

Ngoài công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng 4 phối hợp tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ…

Lực lượng kiểm lâm vùng 4 phối hợp với các địa phương kiểm tra, truy quét.

Lực lượng kiểm lâm vùng 4 phối hợp với các địa phương kiểm tra, truy quét.

Xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật

Thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lâm nghiệp, trong đó có tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt đến từng công chức tham gia nghiên cứu, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp để đề xuất, kiến nghị.

Năm 2021 đã tham gia góp ý 3 văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn; Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia phương pháp xác định diện tích rừng bị thiệt hại; Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Dự thảo Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030; Dự thảo báo cáo thuyết minh quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050…

Cùng với đó Chi cục Kiểm lâm vùng 4 tăng cường truyền thông quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Theo đó, Chi cục đã xây dựng các kế hoạch để phối hợp thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền lưu động phát qua loa phóng thanh bằng nhiều thứ tiếng (Kinh, Ê đê, M’Nông, Jrai,…) được 14 đợt cho 20 xã tại 8 huyện tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên; cấp phát 4.500 tờ rời, 6,850 Poster tuyên truyền cho người dân nâng cao vai trò, tác dụng của rừng đối với môi trường, kinh tế, xã hội; đặc biệt là việc suy thoái tài nguyên rừng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn...

Chi cục Kiểm lâm vùng 4 ký quy chế phối hợp công tác với lực lượng kiểm lâm 11 tỉnh thành.

Chi cục Kiểm lâm vùng 4 ký quy chế phối hợp công tác với lực lượng kiểm lâm 11 tỉnh thành.

Với tầm quan trọng của rừng, bên cạnh mục tiêu bảo vệ rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm vùng IV luôn nỗ lực và hành động quyết liệt đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, thu hút, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tích cực tham gia hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, trồng rừng sản xuất…

Bên cạnh đó để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã kiến nghị, đề xuất cấp trên tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về hoạt động giám định tư pháp; quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; nghiệp vụ trinh sát, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; công tác quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, thực thi quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, theo dõi, giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ thông tin; đề xuất một số tổ chức, đơn vị như, WCS, WWF, Chương trình bảo tồn rùa châu Á tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã…

Phối hợp tuyên truyền công tác QLBVR, PCCCR tại tỉnh Kon Tum.

Phối hợp tuyên truyền công tác QLBVR, PCCCR tại tỉnh Kon Tum.

Thực hiện các Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch và các đề án, dự án trọng tâm của ngành. Với mục tiêu xác định, đánh giá hiện trạng công tác bảo vệ và phát triển rừng khộp ở Tây Nguyên, điều tra, xác định các nguyên nhân gây suy giảm diện tích và đề xuất một số giải pháp khôi phục, phát triển hệ sinh thái rừng khộp, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã phối hợp cùng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) và các tỉnh Tây Nguyên thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên.

Đồng thời đơn vị đã đề xuất, kiến nghị Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp thời gian tới tiếp tục các dự án, đề án về giám sát biến động tài nguyên rừng trên cơ sở ứng dụng đồng bộ công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay (Flycam). Đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ các địa phương quản lý, vận hành hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp hiệu quả, đúng quy định; thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý và dự án điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên…

Khó khăn, vướng mắc tồn tại cần tháo gỡ

Công tác bảo vệ rừng trong toàn vùng về cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực, việc thực thi pháp luật về lâm nghiệp trong thời gian qua đã được tăng cường, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn cao, do đó cần có sự tham gia của các cấp để tháo gỡ cho địa phương các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách…

Chi cục kiểm lâm vùng 4 phối hợp với tổ chức WWF tập huấn công tác bảo vệ động vật hoang dã cho lực lượng Hải quan, Công an, Biên phòng, Kiểm lâm... 11 tỉnh.

Chi cục kiểm lâm vùng 4 phối hợp với tổ chức WWF tập huấn công tác bảo vệ động vật hoang dã cho lực lượng Hải quan, Công an, Biên phòng, Kiểm lâm... 11 tỉnh.

Hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý còn lớn. Theo số liệu công bố diễn biến rừng năm 2020, toàn vùng có khoảng trên 0,87 triệu ha rừng do UBND xã quản lý, trong đó rừng tự nhiên khoảng 0,47 triệu ha. Công tác quản lý đối với các diện tích này gặp nhiều rất nhiều khó khăn như không có kinh phí rà soát, đánh giá thực tế hiện trạng để có số liệu chính xác, không phân định, cắm mốc ranh giới rừng trên thực địa.

Chưa có giải pháp xử lý hiệu quả đối với diện tích chưa có rừng đang bị dân xâm canh sản xuất nông nghiệp. Diện tích này chưa thực sự được quản lý, sử dụng hiệu quả, do đó cần thực hiện điều tra, đánh giá để xác định được thực trạng quản lý, sử dụng, cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp, các nhân tố về kinh tế - xã hội, môi trường và chính sách, pháp luật liên quan có tác động, ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp… thì mới có đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sinh kế bền vững của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Về quy định của pháp luật, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp do bị lấn, chiếm để đảm bảo tính thống nhất với Luật đất đai 2013; chưa có quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật hướng dẫn nông lâm kết hợp, cụ thể là phương thức trồng, mật độ, tỷ lệ trồng xen giữa các loài cây trồng... do vậy trước mắt có thể xem xét công bố thêm một số loài cây là cây đa mục đích có đặc điểm thực vật, sinh thái tương tự như cây cao su được trồng phổ biến tại các địa phương trong vùng như: bơ, sầu riêng, mít, bưởi, vải… với phương thức kỹ thuật trồng xen giữa các loài cây có thể theo tỷ lệ 50-50…

Chi cục kiểm lâm vùng 4 phối hợp kiểm lâm địa phương kiểm tra, truy quét.

Chi cục kiểm lâm vùng 4 phối hợp kiểm lâm địa phương kiểm tra, truy quét.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của vùng, như đại dịch Covid 19, diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, tình trạng dân di cư tự do, kinh phí đầu tư thực hiện các hoạt động lâm nghiệp còn chậm, chưa đầy đủ. Việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương còn chậm, nhiều khó khăn vướng mắc dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao…

Do vậy đòi hỏi tiếp tục phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, có như vậy mới thực sự vừa làm tốt nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo vừa bảo vệ môi trường nhằm tạo sự bền vững.

Một số chính sách của Nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng, đầu tư trồng rừng còn thấp, chưa tương xứng với mức đầu tư thực tế hiện nay. Ví như đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 30 triệu đồng/ha, nhưng thực tế định mức đầu tư trồng loại rừng này hết khoảng 90 triệu đồng/ha. Đối với trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán mức hỗ trợ hiện khoảng 7 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ (khoảng 5 năm), trong khi đó thực tế đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha, do đó chưa huy động, thu hút các nguồn lực tham gia phát triển rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.