| Hotline: 0983.970.780

Buông xả?

Thứ Tư 18/05/2022 , 06:33 (GMT+7)

Trong hoàn cảnh xã hội ngày càng nhiều sự phức tạp và nguy hiểm có nhiều người đã khuyên nhau rằng hãy ‘buông xả đi’, nghe rất cao thâm.

 

Buông xả (hay xả bỏ, buông bỏ, xả ly…) là một “pháp” trong Phật giáo nhằm khiến tâm trí không bị trói cột vào các đối tượng hay ý niệm mà sinh phiền não. Nhưng buông xả có phải là “mặc kệ nó”? Nếu hiểu thế thì đồng nghĩa với đang đề xướng một lối sống vô cảm và vô trách nhiệm. Ông Phật có “buông xả” theo nghĩa ấy không? Nếu có thì có lẽ ông đã không dành cả đời mình để làm một thầy giáo nhằm “khai dân trí” cho quần chúng rồi.

Bài liên quan

Kinh sách chép rằng, sau 49 ngày thiền định, ông “giác ngộ”, và nhìn thấy chúng sinh mê lầm điên đảo và nghĩ thầm “ôi cha mạ! kiểu này chắc trốn cho rồi chứ dạy dỗ chi nổi!”. Nhưng ông chưa đi ngay mà lưu lại gốc bồ đề thêm 1 tuần nữa để duyệt lại hành trình giác ngộ và quan sát thế gian. Sau đó ông quyết định dấn thân. Việc đầu tiên là tìm đến 5 người bạn đồng học thủa trước để chia sẻ với họ. 5 người này sau trở thành 5 học trò đầu tiên của Phật.

Từ đó, ông trải qua biết bao gian nan, chân đất xin ăn mà giáo hóa; có những lúc bị vu oan, những khi gặp hiểm nguy suýt mất mạng nhưng ông đã không từ nan. Ông thầy của quý vị không có “buông xả” cuộc đời để tìm vui cho tự mình, càng không trốn tránh hay bịt mắt bưng tai. Ông đến gặp những người nghèo khổ, gặp những người lầm lạc, tiếp kiến các vương tôn cho tới vua chúa. Tùy vào đối tượng mà phương tiện chia sẻ.

Từ hoàng cung ra đi, sáu năm trong chốn rừng sâu núi thẳm để tư duy quán xét, sau khi đạt được sự thấy biết chân thật thì quay trở lại sống giữa xã hội. Ông không xa lánh cuộc đời, càng không xa lánh những vấn nạn của cuộc đời. Trường học của ông được đặt giữa thành Vương Xá sầm uất, và ngày ngày thực hiện công tác giáo dục không ngơi nghỉ. Phật chưa bao giờ thôi thao thức về con người và cuộc đời. Thậm chí đến khi chết ông còn để lại những di huấn căn cốt và cảnh báo về những suy vi trong tương lai nếu không tuân thủ các nguyên tắc rường cột.

Lý tưởng của Phật là xây dựng cho xã hội một nền tảng hiểu biết căn bản về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, từ đó giúp họ tự kiến lập một cuộc đời phúc lạc.

Vậy rốt cuộc thì “buông xả” phải được hiểu như thế nào? Buông không phải là vứt đi, bỏ đi, là quay lưng ngoảnh mặt; buông là “không dính mắc”. Để không dính mắc thì phải “nhìn thấu”. Không thấy được chân tướng của mọi sự mọi vật thì không cách gì buông được. Người ta nhầm tưởng sự trốn chạy và vô cảm với “buông”.

Mùa hè thiêu đốt, cái nóng như chảo lửa dễ khiến người ta phát điên. Người có trí tuệ sẽ không bao giờ càm ràm ông mặt trời. Họ biết đó là định luật thiên nhiên; và thay vì oán hận mặt trời thì họ “chấp nhận” nó và đi tìm một bóng cây. Họ không phiền não với mặt trời, họ không ngu để tự mình trừng phạt mình bằng sự tức giận và oán than. Khi thấu suốt quy luật của đời sống thì con người sẽ “thuận theo” như cánh buồm nương gió mà đi tới chứ không dại gì mà chống lại.

Tìm kiếm hạnh phúc không đồng nghĩa với việc chống lại định luật tự nhiên. Một người có hiểu biết, khi bị bệnh sẽ không oán thán thù hận đau khổ. Vì người ấy hiểu rằng bệnh là quy luật, việc của mình chỉ là uống thuốc, mọi thứ còn lại là bàn tay của thiên nhiên. Cái đau thể xác không thể để cho chuyển hóa thành nỗi khổ của tâm hồn. Bậc giác giả cũng già, bệnh, chết chứ không ai mà thân kim cương bất hoại. Chỉ có điều họ không duy ý chí mà chống lại nó. Giác ngộ chỉ có ý nghĩa như vậy. Cái tâm thế ấy chính là buông xả.

Buông xả và nỗ lực kiến lập một đời sống thịnh vượng là không có gì mâu thuẫn với nhau cả. Sở dĩ con người khổ đau hay xã hội suy tàn là vì những sai lầm trong nhận thức gây ra. Buông xả là xả bỏ những sai lầm ấy và tự thân xây đắp một tri kiến mới cùng với hành động không ngừng để kiến thiết lại đời sống. Càng là người Phật tử chân chính, càng phải có trách nhiệm với cuộc đời trong nghĩa ấy. Phật giáo là nhập thế chứ không phải xuất thế. Phật giáo là đi vào đời để xây dựng lại đời sống chứ không phải tìm cách trốn chạy, vì người học Phật hiểu rằng không bao giờ có thể chạy trốn được chính mình.

Hơn ai hết, Phật và những người học Phật biết rõ sự nhất thể của vạn hữu, không có gì biệt lập trong thế gian này, vì thế mà họ dấn thân. Một con bướm đập cánh ở Tokyo có thể gây ra một trận cuồng phong ở New York; những người Phật giáo vì thế không bao giờ vô trách nhiệm với đời mình bằng cách quay lưng lại với những biến chuyển của xã hội. Thái độ bàng quan là hoàn toàn xa lạ với tinh thần Phật giáo chân chính.

Tiếc thay, ngày nay người ta lại dùng với tần số ngày càng cao những “sáo ngữ” như “buông xả” để rũ bỏ trách nhiệm với cuộc đời. Buồn hơn là nó lại thường được thốt ra từ miệng những người hay đi chùa. Sự bám víu vào những lý lẽ vu vơ nhưng mang chiếc áo cao đạo ấy cũng lại luôn được những “trí-thức-công-chức” tận dụng triệt để. Miệng họ luôn nói “buông xả” nhưng tay thì vơ về. Nói “buông xả” nhưng sợ chút hư danh hao hụt; buông xả nhưng lòng đầy sợ hãi và tâm trí chất chứa vô biên những theo đòi danh văn lợi dưỡng.

Không phải cái xấu, cái ác, mà thói đạo đức giả mới là thứ đáng sợ nhất. Vì nó ru ngủ và mị dân. Nó là ghẻ lở mặc áo gấm.

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

'Cô lập' bể carbon ven biển gắn liền phúc lợi kinh tế và xã hội

Tăng cường các biện pháp bảo tồn và bảo vệ hệ thống ven biển có hàm lượng carbon cao, đảm bảo phúc lợi kinh tế và xã hội của các cộng đồng.

Bảo tồn đa dạng sinh học phải tránh 'phát triển nóng và chạy theo nông nghiệp sản lượng'

Thói quen thực hành nông nghiệp không bền vững khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị suy thoái, ô nhiễm môi trường, theo TS Diego Naziri từ Trung tâm Khoai tây quốc tế.

Bình luận mới nhất