Những ngày gần đây, người dân ở 2 địa phương là phường Điện Nam Đông (TX Điện Bàn) và phường Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vô cùng bất bình trước hiện tượng các dòng sông suối trên địa bàn bất ngờ bốc mùi hôi thối khó chịu, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Kèm theo đó, hàng loạt các loài cá trên sông Lai Nghi (đoạn chảy qua phường Thanh Hà) chết hàng loạt, tấp vào bờ gây nên cảnh nhếch nhác. Để tránh ô nhiễm, hầu như ngày nào người dân địa phương cũng phải liên tục xuống sông vớt xác cá lên. Tuy nhiên, đợt này vớt xong thì tới đợt khác, không thể khắc phục được triệt để.
Ông Phan Văn D. (trú phường Thanh Hà) cho biết, tình trạng này chỉ mới xảy ra trong thời gian gần đây. “Cá chết một phần có thể là do người dân đánh bắt cá bằng hình thức chích điện nhưng không thu vớt hết và một phần nữa là do nguồn nước trên sông Lai Nghi bị ô nhiễm. Nguyên nhân có thể là do nước thải từ Cụm Công nghiệp An Lưu xả ra môi trường”, ông Dũng nói.
Quan sát dọc bờ sông này, đoạn bắt đầu từ cuối phường Điện Nam Đông kéo dài gần 1km chảy qua phường Thanh Hà hầu như chỗ nào cũng xảy ra tình trạng cá chết. Các loại cá như rô phi, cá diếc, cá lóc và nhiều loại cá nhỏ khác chết phơi trắng bụng dạt vào bờ. Nhiều vùng cá đã chết lâu ngày đang trong giai đoạn phân hủy bốc bùi hôi nồng nặc.
Để tìm hiểu rõ về tình trạng này, chúng tôi đã men theo con mương nước dẫn đổ ra sông và chứng kiến hình ảnh dòng nước màu đen kịt, hôi thối bắt nguồn từ gần một bể chứa nước thải ngay cạnh Cụm công nghiệp An Lưu (đóng tại phường Điện Nam Đông, TX Điện Bàn).
Từ đây, nước theo các con mương dẫn đổ về dòng sông Lai Nghi. Người dân địa phương cho rằng, nguồn nước ô nhiễm này chính là từ Cụm Công nghiệp xả ra. Một điểm đáng chú ý nữa là trên bề mặt của dòng nước thải xuất hiện rất nhiều váng dầu, mỡ.
Ông Nguyễn Văn H. (trú phường Điện Nam Đông, TX Điện Bàn) cho biết, tình trạng này xuất hiện sau đợt mưa lũ của cơn bão số 5 vừa qua chứ từ trước đến nay, nguồn nước trên kênh mương khu vực này chưa bao giờ có màu đen và hôi thối như thế.
“Chắc là do vừa qua mưa lũ lớn nên Cụm Công nghiệp An Lưu đã lợi dụng để xả nước thải ra môi trường. Khi hết mưa thì họ mới đóng cống xả lại nhưng bây giờ nước vẫn chưa đổ ra sông hết. Người dân chúng tôi thấy thế ai cũng bức xúc, ngay cả trâu nhìn thấy nước ô nhiễm như thế cũng không dám uống. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông H. nói.
Cũng theo ông H. việc nước thải ô nhiễm đổ ra môi trường như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà sản xuất nông nghiệp của bà con cũng chịu thiệt hại. Vì bị ảnh hưởng của nước thải, diện tích hồ trồng sen của một người dân địa phương cũng đã chết gần hết.
“Trong khi với diện tích sen này, mỗi lần thu hoạch được từ 5 đến 6 tạ, với giá bán 120.000 đồng/kg thì cũng mang lại một nguồn thu tương đối khá. Vậy nhưng bây giờ sẽ chết héo rũ, coi như mất trắng vụ này”, ông H. nói thêm.
Dọc theo tuyến kênh mương, chúng tôi tìm đến bể chứa nước thải ngay cạnh Cụm Công nghiệp An Lưu. Tại thời điểm chúng tôi đến, cống xả nước của bể chứa này đã đóng. Tuy nhiên vẫn còn một lượng nước rỉ chảy ra ngoài. Phía bên trong bể vẫn còn chứa một lượng tương đối nhiều và có màu đen, bốc mùi hôi. Đây có thể là điểm xuất phát của dòng nước gây ô nhiễm các kênh mương, sông suối trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phường Điện Nam Đông, địa phương đã thành lập đoàn xuống kiểm tra thực tế tại khu Cụm Công nghiệp An Lưu và quan trắc lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả, chúng tôi làm báo cáo gửi UBND tỉnh để có hướng xử lý”.