Nghe nói vùng này đã từng trồng rau muống tiến vua. Quả thật, rau muống làng tôi mà luộc, ăn giòn, ngọt, nước xanh và trong văn vắt.
Nhưng đặc biệt, vẫn là cái ao làng. Ao làng, vừa là nơi có nhiều thú vui, vừa là nơi “kiếm cơm” của lũ trẻ. Mỗi đứa thế nào cũng sắm một, hai cái cần câu cá câu tôm.
Không phải cần nhựa, cần i-nốc như bây giờ. Chỉ là cần trúc thôi. Những đoạn ngọn trúc thẳng, mềm, đầu cong vút. Sợi cước mảnh mai, đính lưng chừng một cái phao bằng đoạn lông ngỗng. Vừa nổi vừa không thấm nước.
Cái phao là nỗi hồi hộp thú vị nhất của trẻ con. Mỗi khi phao động đậy, là tim lại đập rộn ràng. Cứ nhìn phao, khắc đóan ra con cá nào đang rỉa mồi.
Dập dình là của chú cá giếc. Chìm nổi, chìm nổi, rồi chìm hẳn, ấy là chú cá rô. Phao đang nổi, bỗng chìm nghỉm, lặn mất tăm, ấy là chú cá trê tham ăn nổi tiếng.
Những chú cá trê đã bập vào mồi giun, là lôi tuốt luốt đến trĩu cả cần. Có khi giật lên, đành phải cắt sợi dây cước, buộc lưỡi câu khác. Bởi cái giống cá trê, đã ăn mồi là nuốt sâu vào bụng. Khiếp vậy.
Câu thú vị nhất, hồi hộp nhất, vẫn là các chú cá rô. Cá rô ao làng, con nào cũng béo múp, vàng óng. Vẩy lưng vẩy bụng vươn ra, trông rất “tinh tướng”.
Giống cá rô làng tôi, cũng vào loại khó tính. Mồi giun đã nhão, gọi là mồi ươn, không bao giờ chúng bén mảng tới. Cứ phải thứ giun đỏ, mắc vào lưỡi câu mà cái đuôi giun vẫn ngọ nguậy. Người ta bảo giống giun này, khi thả xuống nước, sẽ tỏa ra một mùi hương đặc trưng, để dẫn dụ cá.
Và những mồi giun ấy, chính là cái bẫy khiến các chú cá rô khôn ngoan lâm nạn. Mỗi lần đi câu, lũ chúng tôi chỉ cần được một, hai chú cá rô, là coi như bõ công rồi.
Ở ao làng, còn có một thú vui không kém. Ấy là câu tôm. Dân làng bảo, ao có tôm mà câu được tôm, là hiếm lắm. Cứ ví như chỉ có trẻ con làng tôi mới sắm cần câu tôm, trẻ con làng khác không thấy có.
Cần câu tôm chỉ dài cỡ sải tay. Bằng ngọn trúc hoặc phổ biến nhất, là bằng tre vót nhẵn. Cần câu tôm không dùng dây cước, mà dùng dây chỉ. Loại chỉ trắng chỉ đen gì đó cũng được, nhưng sợi mảnh và dai. Cái lưỡi câu được uốn từ dây tanh xe đạp. Lưỡi không cần ngạnh. Mồi dùng loại giun nhỏ. Giun câu tôm, được tẩm lăn trong lớp thính rang vàng.
Thường chỉ câu quanh bờ, chỗ nước nông và bờ ao thoai thoải. Càng thoai thoải thì càng dễ câu. Lũ tôm háu ăn chẳng kém gì lũ cá trê.
Câu tôm không cần phao. Mỗi đứa phải sắm độ bốn, năm cái cần và thả câu cùng một lúc. Khi nhấc nhẹ cần câu, thấy động đậy, sợi chỉ căng, ấy là đã “dính” tôm. Từ từ lôi lên, thế nào cũng thấy một chú tôm càng, vẫn đang còn níu chặt cái mồi.
Thậm chí nhấc hẳn lên bờ rồi, cái vợt đã hứng dưới rồi, mà chú tôm vẫn còn chưa chịu nhả miếng mồi ra. Bởi thế, câu tôm bao giờ cũng gây một cảm giác rất thích thú mỗi khi nhấc lên có được một chú tôm càng…
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên ở làng, có mắc một cái loa công cộng. Bên trên cái loa, là một bóng đèn điện, phải cỡ 150w, sáng rực. Ngày xưa có một bóng điện ngoài trời, quả là điều hiếm hoi.
Buổi tối hôm đó, như có vẻ “giở giời”, trời oi bức, lặng gió. Bỗng không gian xao động vì tiếng bay vù vù và sau đó, là tiếng rơi lộp bộp. Con gì giông giống con gián, nhưng to hơn nhiều, rơi xuống xung quanh cột điện.
Bỗng bà tôi chạy ra, lật cái nón đội trên đầu, nhặt lấy nhặt để, cho vào nón. Lúc bấy giờ bọn trẻ con mới biết, đó là những chú cà cuống. Không biết do đến mùa sinh đẻ, hay do có ngọn điện sáng bất thường, đàn cà cuống từ các ao, chuôm lân cận bay túa lên. Và giống lũ thiêu thân, va đầu vào cột điện, rơi xuống đất.
Bữa ấy, những người dân xung quanh bắt được rất nhiều cà cuống. Bà tôi cũng bắt được chum chũm đít nón. Mang cà cuống về, bà tôi lấy dao bổ cau khía phần lưng gáy con cà cuống, bẻ gập đầu xuống và khêu ra một cái bọng, trông giống như tép bưởi.
Ấy chính là cái “bọng thơm” của cà cuống. Bọng thơm này, khều một chút xíu, cho vào bát nước mắm, mà chấm bánh cuốn thì cứ gọi là “thôi rồi”.
Lại một lần cũng ở ao làng, trận mưa rào đầu mùa khiến cho những dòng nước từ trên bờ róc rách chảy xuống ao. Đột nhiên những chú cá rô vàng ươm, hối hả rạch ngược lên bờ. Chúng thi nhau rạch ngược dòng chảy, trông rất dũng mãnh và can đảm.