Đây là trường hợp đầu tiên cá hải tượng sinh sản tại VN.
Có thú vui nuôi cá cảnh, năm 2012 ông Phước được một người bạn ở TP.HCM tặng 7 con cá hải tượng, trọng lượng mỗi con hơn 20 kg. Sau đó, ông Phước cho lại người khác 2 con.
Hơn 1 năm sau đó, đàn cá lớn nhanh, ao nuôi trở nên chật chội nên chúng đánh nhau, hai con bị chết. Ông Phước quyết định phá lưới B40 để chúng thoát ra ao khác lớn hơn, phát triển tự nhiên.
Hơn 1 tháng trước, trong lúc kiểm tra hồ, các con ông Phước vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một bầy cá con bơi lội tung tăng quanh con cá hải tượng trống.
Lúc này, gia đình ông Phước vẫn chưa nghĩ là con của cá hải tượng đẻ ra mà chỉ nghĩ đó là bầy ròng ròng (con của cá lóc được thả làm mồi). Vài tuần sau thấy cá con lớn nhanh và có hình dạng cá hải tượng.
Ông Phước cho biết, sau khi sinh con, cá hải tượng trống sẽ chăm sóc và bảo vệ cá con chứ không phải cá mẹ. Cá con được bảo vệ trong miệng của cá trống, thỉnh thoảng cá trống lại “phun” cá con ra rồi nhanh chóng thu lại vào miệng.
“Bình thường thì đàn cá hải tượng rất hiền nhưng khi chúng nuôi con thì trở nên hung dữ. Cứ thấy bóng người xuất hiện là chúng lại vọt lên đớp bóng người, xua đuổi khách xem”.
Để bảo vệ đàn con, cá hải tượng trống sẵn sàng lao lên đớp bóng người trên bờ
Kể từ khi thông tin cá khổng lồ có thể sinh con trong môi trường ao nuôi khiến gia đình ông Phước được nhiều người biết đến.
Cá hải tượng là loài giới hạn mua bán quốc tế theo Công ước CITES. Loài cá này hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán giữa các quốc gia cần có giấy phép do cơ quan quản lý CITES nước XK cấp. |
Theo quan sát, trong 3 con cá hải tượng thì có 2 con trống, 1 con mái, trọng lượng mỗi con ước đạt từ 70 - 80 kg. 2 con trống có màu sắc sặc sỡ, con mái có màu sắc nhạt hơn. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho cá, mỗi tuần ông Phước phải mua vài chục kg cá lóc, rô phi thả xuống ao.
Cách đây 1 tháng, ông phải mua 1 tấn cá tạp để làm thức ăn cho cá bố mẹ và đàn cá con hiện đã bằng ngón chân cái. Ông chưa có ý định bán cá con, bởi "muốn bán cũng không biết bán thế nào. Sau này cá lớn có thể tui sẽ di chuyển sang ao khác để nuôi".
Một giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, tại VN trước đây chưa từng ghi nhận thông tin cá hải tượng sinh sản thành công trong môi trường ao nuôi. Việc ông Phước nuôi cá hải tượng sinh sản được cho thấy cá đã thích nghi và được thuần hóa tốt ở môi trường nước ngọt.
Cá hải tượng trưởng thành được nuôi nhốt tại hồ của ông Phước
Cá hải tượng là loài có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh trong môi trường tự nhiên nước ngọt. Nếu được đầu tư phát triển nuôi thì cá có giá trị thương phẩm rất cao.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng cảnh báo về nguy cơ phát tán ra ngoài một khi chúng đã thích nghi, sinh sản tự nhiên được, sẽ tác động xấu đến môi trường sống của các loài cá bản địa khác.
Cá hải tượng có tên khoa học là Arapaima gigas phân bố chủ yếu tại Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon. Một vài giống cá hải tượng có thể đạt đến chiều dài 6 m và cân nặng đến cả tấn. Loài cá này được mệnh danh là "thủy quái" do kích thước khủng và tính phàm ăn.