Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, chỉ trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu hải sản đã bằng xuất khẩu nhóm hàng này của cả năm 2021, là mức kỷ lục về giá trị xuất khẩu của hải sản Việt Nam.
Trong các mặt hàng hải sản chủ lực, cá ngừ đang gây được ấn tượng lớn nhất. Tận dụng nguồn cá ngừ nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang đẩy mạnh chế biến, đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ loin/phile đông lạnh, cá hộp và linh hoạt theo xu hướng thị trường trong giai đoạn sau Covid-19 cũng như lạm phát tăng cao trên toàn cầu.
10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đã đạt 890 triệu USD, là con số chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu mặt hàng này. Trước đây, xuất khẩu cá ngừ đạt giá trị cao nhất là vào năm 2021 với 757 triệu USD.
Trong khi xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản chủ lực khác đang chững lại hoặc có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm thì xuất khẩu cá ngừ nhìn chung vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù mức tăng trưởng đang chậm lại.
Theo VASEP, với tình hình lạm phát tại châu Âu vẫn không ngừng gia tăng, tiêu thụ cá ngừ tại khối thị trường này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng euro so với đồng đô la Mỹ đang khiến cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp trở nên đắt đỏ với người châu Âu.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cũng cho biết, do lạm phát tăng cao nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá ngừ (chế biến sâu), sản phẩm cao cấp đang giảm nhiều.
Do đó, VASEP cho rằng, các nhà nhập khẩu Châu Âu sẽ có xu hướng gia tăng nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các nguồn cung có giá cạnh tranh và lợi thế về mặt thế quan. Vì vậy, dự báo xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng ở một số thị trường quan trọng khác như Trung Đông, Nhật Bản … Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO nhận định đến hết năm nay, xuất khẩu cá ngừ sẽ lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD.
Bên cạnh cá ngừ, xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng. Đến hết tháng 10, xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 625 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong 10 tháng qua đã vượt kỷ lục của cả năm 2021 là khoảng 602 triệu USD. Dự báo đến hết năm nay, xuất khẩu mục, bạch tuộc có thể lần đầu tiên vượt mốc 700 triệu USD khi đạt khoảng 734 triệu USD.
Hàn Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam khi chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 197 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh.