Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đã đạt 3 cột mốc quan trọng.
Thứ nhất là vượt qua kỷ lục xuất khẩu thủy sản trong một năm đạt được trong năm 2021 là 8,9 tỷ USD. Thứ 2 là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 9 tỷ USD trong một năm. Và thứ 3 là xuất khẩu trong 10 tháng đã vượt kế hoạch cho cả năm là 9 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản trong năm nay tăng trưởng rất ấn tượng, có tác động lớn từ những biến động trên thị trường thế giới. Nhu cầu thủy sản tăng cao trong nửa đầu năm nay, cộng với tình trạng lạm phát, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, xung đột Nga - Ukraina…, khiến cho giá nhiều loại thủy sản trên thế giới nhìn chung tăng rất mạnh.
Chẳng hạn, ở châu Âu, giá cá minh thái và cá tuyết cod đã lên mức cao kỷ lục. Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 9 tháng năm nay, giá nhập khẩu tôm vào Mỹ ở mức bình quân 9,41 USD/kg, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà một số nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới cũng có sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị xuất khẩu trong năm 2022 này. Trong 10 tháng, xuất khẩu thủy sản của Na Uy đã đạt 123 tỷ NOK (tương đương với 12,4 tỷ USD), cao hơn 27 tỷ NOK so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua giá trị xuất khẩu trong cả năm 2021. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt 15,4 tỷ NOK, là mức kỷ lục trong lịch sử về xuất khẩu trong 1 tháng.
Riêng với thủy sản Việt Nam, còn có những lợi thế lớn khác do biến động trên thị trường thế giới. Xung đột Nga - Ukraina đã tác động lớn tới thị trường cá thịt trắng toàn cầu khi Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng cá thị trắng (cá minh thái, cá tuyết …).
Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung cá minh thái, cá tuyết của Nga, nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua một số loại cá thịt trắng khác, trong đó có cá tra Việt Nam. Nhờ vậy, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam năm nay tăng rất mạnh.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong 7 tháng năm nay, trung bình cá tra đông lạnh từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ có giá 4,21 USD/kg, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu tăng cao là một nguyên nhân quan trọng giúp cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng tới 80% so với cùng kỳ 2021. Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO dự báo, đến hết năm nay, xuất khẩu cá tra có thể đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với 2021.
Những tháng cuối năm, do tác động của lạm phát tăng cao trên toàn cầu ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ đạt 313 triệu USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm (ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết dài ngày). Xuất khẩu cá tra trong tháng 10 cũng xuống mức thấp nhất năm khi chỉ đạt 159 triệu USD. Tuy nhiên, với việc đã đạt được 9,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản trong thời gian còn lại hứa hẹn tiếp tục đạt những cột mốc mới.
Bà Lê Hằng nhận định, ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD. Đây là mốc lịch sử của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.