Dân bị ảnh hưởng, chủ đầu tư nói không
Phản ánh với báo chí, người dân xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vô cùng bức xúc về việc nhà thầu thi công “Dự án sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, rãnh dọc, hệ thống an toàn giao thông trên Quốc lộ 24” (do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư) tự tiện múc đất, cây trồng của dân dù diện tích này không thuộc diện thu hồi, đền bù...
Làm việc với phóng viên, ông Trần Kiên, chuyên viên Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum (đại diện chủ đầu tư) cho biết, ông chưa nghe dân phản ánh nội dung trên, đồng thời cho rằng dự án này chỉ sửa chữa trên mặt đường cũ, không mở rộng đường nên không có chuyện đào múc đất hoặc cây cối của dân.
Tuy nhiên, thực tế phóng viên ghi nhận cây trồng của dân có bị ảnh hưởng do thi công dự án gây ra. Dọc 2 bên Quốc lộ 24, nơi nhà thầu đang thi công, nhiều vị trí đất trồng keo, chuối, cà phê cùng các loại cây trồng khác của dân bị múc bay. Hiện trường còn in hằn dấu vết xe cơ giới lớn. Ngoài ra, đất rừng thông 2 bên đường bị đào bới nham nhở khiến những cây thông tuyệt đẹp cũng bị trồi, gãy rễ và cành nhánh…
Đưa chúng tôi ra khu rẫy nằm dọc dự án, ông A Brên (thôn Vi Choong, xã Hiếu) cho biết, gia đình sản xuất trên mảnh đất dọc quốc lộ đã lâu. Vào tháng 6, nhà thầu khi thi công đã múc đoạn đất dài 100m, sâu khoảng 2m của gia đình, gây thiệt hại 50 cây chuối và cà phê. “Người dân chúng tôi mong muốn sớm đền bù những thiệt hại này”, ông A Brên nói.
Còn ông A Duẩn, trưởng thôn Vi Choong cho biết, nhà thầu thi công đã tự ý múc sâu vào vào đất của anh khoảng 1m, dài 200m. Có khoảng 10 cây dổi xanh trên đất cũng bị thiệt hại. “Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ riêng thôn Vi Choong, có ít nhất 5 hộ bị ảnh hưởng cây trồng như dổi xanh, cà phê, keo, chuối do nhà thầu tự ý múc, không thông báo, không nói với dân. Người dân mong muốn nhà thầu sớm đền bù”, ông A Duẩn cho biết thêm.
Phóng viên đã báo thực trạng cây trồng của dân bị ảnh hưởng lên UBND huyện Kon Plông và Chi cục Kiểm lâm. Sau đó, lần lượt 2 đoàn đã tổ chức đi kiểm tra. Trong đó, đoàn Chi cục Kiểm lâm xác định tại vị trí thi công có 26 cây thông do UBND xã Hiếu quản lý bị ảnh hưởng. Đoàn kiểm tra liên ngành khác với sự tham gia của các phòng, ban của huyện Kon Plông đã làm việc, lập biên bản xác định nhà thầu thi công có gây ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của dân như phóng viên nêu.
Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết, nhà thầu đã thừa nhận vi phạm. Để xảy ra vi phạm nói trên là do nhà thầu làm ẩu. UBND xã đã đề nghị các nhà thầu khẩn trương phối hợp với địa phương đi thống kê số hộ bị ảnh hưởng để đền bù. Trường hợp xác định có dấu hiệu cây rừng bị thiệt hại, UBND xã sẽ làm việc với nhà thầu để xác định hành vi vi phạm và xử lý theo quy định.
Theo tìm hiểu, dự án này do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu đường Kon Tum và Công ty Cổ phần xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum làm đơn vị thi công từ xã Hiếu về Pờ Ê (huyện Kon Plông). Hiện dự án thi công được 80% giá trị hợp đồng. Tổng vốn đầu tư dự án là 42,3 tỷ đồng.
Ruộng dân bị lấp
Ngoài dự án nói trên, một dự án khác cũng do Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, thi công tại xã Hiếu và cũng gây ảnh hưởng đến dân là “Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24”. Dự án này đã thi công hoàn thành trong năm 2022, nhưng đến nay, công tác đền bù cho các hộ dân có đất ruộng bị vùi lấp do thi công gây ra vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân đang mỏi mòn chờ đợi.
Theo ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu, vào năm 2021, trong quá trình thi công dự án cộng với mưa gió đã làm đất đá sạt lở, vùi lấp ruộng lúa của dân. Trong đợt 1, nhà thầu đã đền bù cho 87 hộ dân của 4 thôn với số tiền hơn 735 triệu đồng.
Sau đó, tình trạng này vẫn tiếp diễn đối với 56 hộ, với số tiền áp giá, dự kiến đền bù là 419 triệu đồng. Trong số 56 hộ được đền bù đợt 2 này, có 32/56 hộ đồng ý nhận đền bù với số tiền 328 triệu đồng, còn 23/56 hộ còn lại chưa đồng thuận mức đền bù 91 triệu đồng và đề nghị đo đạc lại để xác định mức độ thiệt hại. Hiện đất lúa bị ảnh hưởng của 23 hộ chưa thống nhất đền bù này, người dân vẫn để nguyên hiện trạng để phục vụ đo đạc đền bù. Phía xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền làm việc với Công ty cổ phần Trường Long (đơn vị thi công) để tiếp tục kiểm tra diện tích bị thiệt hại của các hộ dân trong thời gian tới.
Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu: “Cũng tại Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24, quá trình thi công đã lộ ra bất cập mới là khi lắp cống thoát nước, phần đất sản xuất của 12 hộ dân xã Hiếu ở hạ lưu cống có nguy cơ bị ngập. Người dân mong muốn thu hồi, đền bù. Ngành chức năng đã tổ chức đo đạc, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, đền bù đất cho 12 hộ này”.